12:08, 10/08/2022

Vượt lên nỗi đau da cam

Chiến tranh đi qua đã gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả của nó vẫn là nỗi đau không nguôi của bao gia đình những nạn nhân chất độc da cam trong thời bình. Nhưng từ nỗi đau ấy, bằng ý chí, nghị lực kiên cường, họ vẫn vươn lên vượt qua bệnh tật, bất hạnh, ổn định cuộc sống.

Chiến tranh đi qua đã gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả của nó vẫn là nỗi đau không nguôi của bao gia đình những nạn nhân chất độc da cam trong thời bình. Nhưng từ nỗi đau ấy, bằng ý chí, nghị lực kiên cường, họ vẫn vươn lên vượt qua bệnh tật, bất hạnh, ổn định cuộc sống.


Còn đó nỗi đau…


Về thôn Lạc Bình, xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), nhắc đến gia đình ông Hà Sỹ Thơ và bà Phan Thị Hai, người dân ở đây ai cũng biết. Bởi nhiều năm nay, họ đã quen với cảnh thi thoảng giữa đêm khuya, vợ chồng ông lại cầm đèn đi tìm đứa con trai bỏ nhà đi lang thang đâu đó. Trước năm 1975, ông Thơ tham gia chiến đấu ở các chiến trường Quảng Trị, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông... Hòa bình lập lại, ông cưới vợ và định cư ở Ninh Thọ. Ba người con sinh ra với hình hài, vóc dáng lành lặn những tưởng là niềm động viên to lớn cho ông bà, nhưng nào ngờ, niềm vui ấy dần biến thành nỗi đau khi con ông phát hiện bị di chứng của chất độc da cam. “Đứa con đầu của tôi là Hà Sỹ Minh, sinh năm 1984. Lúc mới sinh nó khỏe mạnh bình thường, nào ngờ tới khoảng 20 tuổi, nhận thức của con bắt đầu kém đi, khi đi khám rồi giám định mới biết là bị di chứng của chất độc da cam. Từ đó đến nay, nó cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, mấy năm trước còn hay bỏ nhà đi, bất kể ngày hay đêm, vợ chồng tôi phải bỏ hết công chuyện đi tìm nó về”, ông Thơ kể.

 

 Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đến thăm hỏi,  tặng quà động viên gia đình ông Hà Sỹ Thơ.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đến thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình ông Hà Sỹ Thơ.

 

Nỗi đau dường như nhân lên gấp bội khi người con trai út Hà Ngọc Thắng của ông bà phát bệnh. Đang là người bình thường, có sức lao động phụ giúp gia đình, cách đây hơn 1 năm, anh Thắng bỗng phát bệnh, trở nên trầm tính, không muốn tiếp xúc với ai, rồi dần dà tự khép mình trong phòng kín. Chút may mắn với ông bà là người con gái giữa đã lập gia đình và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Cứ thế, những năm qua, cuộc sống của ông Thơ, bà Hai xoay quanh vòng luẩn quẩn kiếm miếng ăn rồi chăm con, tìm con. Không tập trung làm ăn được, mảnh vườn của gia đình bị xén bớt từng phần, bán đi để nuôi vợ chồng già và 2 con trai. “Chiến tranh qua đi nhưng hậu quả còn lại nặng nề quá. Cực khổ chăm con tôi không sợ, sợ nhất hai vợ chồng chỉ còn những năm cuối đời, già yếu rồi mất đi, để lại hai đứa con không biết ra sao” - lo lắng cho tương lai các con, bà Hai ngậm ngùi nói được đôi câu rồi lại bật khóc.

 

1

Chị Lê Thị Phương Dung chăm sóc người cậu bị di chứng chất độc da cam.


Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ở tổ dân phố Đông Môn 3 (thị trấn Diên Khánh), nơi mà chị Lê Thị Phương Dung đang ngày ngày chăm sóc cho người cậu họ của mình. Từ lúc sinh ra, ông Nguyễn Đức Nghĩa (sinh năm 1968) đã phải gánh chịu di chứng nặng nề của chất độc da cam. Mang hình hài một người 54 tuổi, nhưng tâm trí ông Nghĩa chỉ như một đứa trẻ, ngày ngày ngồi một chỗ, ai nói gì cũng cười hồn nhiên. Cha ông Nghĩa là liệt sĩ, năm 2007 mẹ ông cũng qua đời. May mắn, ông được người chị họ cưu mang, chăm sóc. Đến năm 2020, khi người chị họ mất đi cũng là lúc trọng trách chăm sóc người cậu được đặt lên vai gia đình chị Dung. “Vốn bệnh tật nên cậu tôi đã yếu, nay lại thêm bệnh tiểu đường nữa. Để chăm sóc cậu tốt hơn, tôi đã nghỉ việc ở nhà nhiều năm nay nên gia đình lại càng khó khăn hơn. Nhưng là con cháu trong nhà, thương cậu, thương những vất vả, hy sinh của thế hệ đi trước, tôi luôn cố gắng chăm lo đầy đủ, bù đắp lại những thiệt thòi mà cậu phải gánh chịu”, chị Dung bộc bạch.


Vượt lên nỗi đau


Trở về sau chiến tranh, nhiều người là thương binh, bệnh binh, bị phơi nhiễm với chất độc hóa học, nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, họ đã vươn lên số phận, tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương. Gặp ông Giáp Tiến Bảng - Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã Diên Phước - Diên Thọ (huyện Diên Khánh), chúng tôi cảm nhận được tinh thần lạc quan của ông, dù vẫn còn đó sự lo lắng, trăn trở về người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Hơn 73 tuổi, cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, nhưng cựu chiến binh Giáp Tiến Bảng vẫn đảm nhận công việc với mong muốn duy nhất là được giúp những người đồng chí, đồng đội của mình. Vậy nên, hơn 10 năm làm công tác ở chi hội, sức khỏe, hoàn cảnh hội viên như thế nào, con cái ra sao, ông đều nắm rõ và thường xuyên thăm nom, động viên đồng đội.


Hay như ông Nguyễn Đắc Khành - Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh). Dù đang mang trong mình di chứng của chất độc da cam, lại bị ung thư thực quản, tràn dịch màng phổi hơn 2 năm nay, phải liên tục điều trị trong bệnh viện, rồi 2 năm trước, người vợ cũng là người đồng đội của ông qua đời, nhưng chừng đó không quật ngã được người cựu chiến binh này. Ngày ngày, ông vẫn thường xuyên nắm bắt tình hình của hội viên, đều đặn thăm nom, hoàn thành tốt nhiệm vụ của hội giao. “Chi hội còn vài người, ai cũng bệnh tật, ai cũng khó khăn nên tôi ráng được ngày nào hay ngày đó. Đã từng chiến đấu trong chiến tranh còn sợ gì bệnh tật” - nói xong ông lại cười.


Ông Cao Văn My - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Dù còn nhiều khó khăn trong kinh phí hoạt động, vận động hỗ trợ các nạn nhân, nhưng việc chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam vẫn luôn được thực hiện liên tục, đầy đủ, góp phần bù đắp cho các gia đình, nạn nhân chất độc da cam.

 

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 2.221 hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin sinh hoạt tại các hội, chi hội cơ sở. Trong đó, có 1.301 người tham gia hoạt động kháng chiến, 219 con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách. Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh đã nỗ lực làm tốt công tác vận động, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần an sinh xã hội. Trong hơn 16 năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ để chăm sóc nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền vận động được hơn 12 tỷ đồng. Thông qua hội, các tổ chức, cá nhân đã thăm và tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam hơn 3,5 tỷ đồng; cùng các tổ chức, cá nhân đi thăm và tặng hơn 30.000 suất quà nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8), dịp Tết; khám, chữa bệnh, làm nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, học bổng cho con cháu nạn nhân... với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng...


VĨNH THÀNH