11:01, 18/01/2022

Kỳ 3: Kiên cường bám biển

"Mới sáng sớm, một tàu kiểm ngư của Indonesia ập vô bắt chiếc tàu đánh cá của nhóm tàu lưới vây của chúng tôi. Một tàu kiểm ngư khác lao mũi đến tàu tôi. Thấy tình hình không ổn, tôi đã kịp bấm nút báo động khẩn cấp trên máy giám sát hành trình của tàu...

Kỳ 3: Kiên cường bám biển


“Mới sáng sớm, một tàu kiểm ngư của Indonesia ập vô bắt chiếc tàu đánh cá của nhóm tàu lưới vây của chúng tôi. Một tàu kiểm ngư khác lao mũi đến tàu tôi. Thấy tình hình không ổn, tôi đã kịp bấm nút báo động khẩn cấp trên máy giám sát hành trình của tàu để Trung tâm Quản lý tàu đánh cá của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác định vị trí tàu chúng tôi đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam, bị tàu kiểm ngư Indonesia đến cưỡng chế bắt giữ. Họ đưa chúng tôi về Indonesia và đưa ra tòa án xét xử, tôi mới được thả về nhà tháng trước” - thuyền trưởng Phạm Được (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) kể tóm lược câu chuyện.


Quyết tâm bám trụ


Khoảng 8 giờ ngày 10-8-2020, nhóm tàu lưới vây của ngư dân trong tỉnh đang đánh bắt ở trong vùng biển Việt Nam, bất ngờ bị 5 tàu kiểm ngư của Indonesia áp sát, bắt 3 tàu đánh cá và 26 thuyền viên. “Nhận được thông tin tàu đánh cá của tỉnh bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ. Qua xác minh máy giám sát hành trình và hệ thống quản lý tàu đánh cá của ngành thủy sản, 3 chiếc tàu đánh cá của tỉnh đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam. 10 giờ ngày 10-8-2020, tôi đã ký công văn khẩn gửi UBND tỉnh và Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). UBND tỉnh gửi ngay công văn hỏa tốc cho Bộ Ngoại giao nước ta, đề nghị gửi công hàm phản đối đến Bộ Ngoại giao Indonesia về việc bắt tàu đánh cá trái pháp luật” - ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin.

 

<p style=

Tàu cá lưới vây trúng cá.

 

Thuyền trưởng Phạm Được kể lại, khi lực lượng kiểm ngư Indonesia lên phòng lái bắt người và tàu đánh cá, chính ông đã chỉ vào màn hình radar điểm tàu đang hoạt động nằm trong vùng biển của Việt Nam. Do bất đồng ngôn ngữ và bị áp chế bởi 5 chiếc tàu kiểm ngư và 1 tàu hải quân của Indonesia đang ở gần đó, họ đã đưa người và tàu cá về căn cứ kiểm ngư của Indonesia.


Được biết, khi ông Được làm việc với lực lượng kiểm ngư của Indonesia, có phiên dịch tiếng Việt. Phía Indonesia hỏi ông Được:


 - Ông có biết chỗ tàu đánh cá bị bắt là vùng biển của Indonesia không?


 - Chỗ tôi dừng tàu đánh bắt thuộc vùng biển của Việt Nam, ngư dân chúng tôi đã đánh bắt ở vùng biển này hàng chục năm rồi - ông Được trả lời.

 

1

Tàu lưới vây của ông Huỳnh Văn Khâu đang hoạt động ở vùng biển Trường Sa, được theo dõi qua máy giám sát hành trình đặt trên tàu cá, kết nối với máy chủ của Tổng cục Thủy sản và máy điện thoại của ông Khâu.

 

 - Ông căn cứ vào đâu để xác định đó là vùng biển của Việt Nam?


 - Các ông đưa tàu lớn vào vùng biển của Việt Nam bắt chúng tôi. Trên tàu chúng tôi có gắn máy nhắn tin, máy giám sát hành trình có kết nối với máy chủ của Tổng cục Thủy sản Việt Nam, do đó, tàu tôi chỉ cần đến gần đường ranh giới giữa Việt Nam và Indonesia, máy tự động báo động và phát tín hiệu tàu đang đến gần ranh giới. Nếu tàu chúng tôi tiếp tục tiến đến, lập tức ngành thủy sản gọi điện cho thuyền trưởng nhắc nhở và yêu cầu phải quay tàu trở lại. Nếu cố tình vượt qua, tàu về bờ, ngành thủy sản Việt Nam đến bắt và xử phạt 1 tỷ đồng, số tiền này đủ để dẹp nghề luôn rồi, không cần đến các ông bắt đâu.


Trước ngày 10-8-2020, tàu hải quân Indonesia đã đảo tới đảo lui mấy ngày đêm ở vùng biển có nhóm tàu lưới vây ông Được đang hoạt động để hù dọa và xua đuổi tàu đánh cá. “Có những ngày, tàu hải quân của Indonesia thả trôi vào sát với tàu của chúng tôi. Ngày cuối cùng, họ cho máy bay trực thăng từ tàu chiến lên, tới gần nhóm tàu chúng tôi bắn đạn xuống. Tôi gọi điện cho anh em tàu khác động viên, đây là vùng biển của Việt Nam, mình không rời đi. Hôm nay sợ bỏ đi, ngày khác họ lại ra đuổi tiếp, phải quyết bám trụ để bảo vệ chủ quyền của mình. Tàu hải quân Indonesia không bắt chúng tôi, mà họ gọi 5 chiếc kiểm ngư chạy đến bắt. Khi tôi ở Indonesia lâu ngày nên quen, tôi sang chơi với mấy ông hải quân Indonesia, họ nói, các ông lì lắm, thấy tàu hải quân mà không sợ, vẫn cố bám giữ...” - ông Được tường thuật.


Phía Indonesia cho các thuyền viên về Việt Nam trước, còn 3 thuyền trưởng của 3 tàu giữ lại hơn 1 năm và đưa ra tòa án của Indonesia xét xử. Tại tòa án, ông Được và 2 thuyền trưởng vẫn khẳng định tàu của họ đang hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.


Tháng 6-2021, nhóm tàu lưới vây chà của ông Huỳnh Văn Khâu (TP. Nha Trang) đang đánh bắt ở vùng biển đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) cũng bị tàu nước ngoài đến áp sát và chĩa súng yêu cầu tàu đánh cá phải rời đi. Ông Khâu cho biết: “Anh em gọi điện trực tiếp về cho tôi báo tình hình. Tôi nói, anh em cứ bình tĩnh, tàu mình đang đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam. Để đảm bảo an toàn, tất cả mọi người phải mang áo phao vào”. Tôi gọi điện báo cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân biết tình hình. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tàu kiểm ngư của ta từ đảo Thuyền Chài chạy ra xua đuổi tàu nước ngoài. Từ đó đến nay, tàu chúng tôi vẫn hoạt động khai thác thủy sản bình thường ở khu vực đó. Lâu lâu vẫn thấy có tàu kiểm ngư, tàu hải giám nước ngoài đảo tới”.


Cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho tàu cắm chốt trên biển


Hiện nay, 2 chiếc tàu đánh cá của ông Lê Trứ và 1 tàu của ông Phạm Giùm (TP. Nha Trang) vẫn bị phía Indonesia tạm giữ. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đang đấu tranh để buộc Indonesia phải trả lại tàu cho ngư dân. Theo thông tin chúng tôi có được, ngành thủy sản đang tham mưu cho UBND tỉnh để có những chính sách hỗ trợ đối với ngư dân và chủ tàu bị Indonesia bắt giữ, trước mắt hỗ trợ tiền vé máy bay đi lại của 26 thuyền viên.


Đại tá Trần Thanh Hà - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Đảng, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn để vươn ra khơi xa đánh bắt thủy sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ chuyện 3 chiếc tàu đánh cá của ngư dân TP. Nha Trang bị Indonesia bắt giữ năm ngoái khi đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho những tàu đánh cá đang cắm chốt ở những vùng biển thường xuyên có tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của Việt Nam đánh bắt trộm hải sản và có biểu hiện xua đuổi tàu đánh cá của ta”.


“Những chiếc tàu nhóm lưới vây “thiệt ăn thiệt làm” đang kiên cường bám trụ ở vùng biển xa nhất của nước ta. Tôi đề nghị các cấp nên cử tàu kiểm ngư tuần tra thường xuyên ở những vùng biển ngư dân đang bám trụ khai thác thủy sản. Biển rộng mênh mông thấy tàu to lớn của nước mình đi qua, ngư dân cảm thấy an tâm và vui mừng, giống như trẻ thơ mừng thấy mẹ đi chợ về” - ông Lê Trứ tha thiết đề nghị.

 

3 tàu đánh cá bị Indonesia bắt giữ khi đang hoạt động trong vùng biển của Việt Nam gồm: Tàu KH 98168 TS (xuất bến tại cảng Hòn Rớ ngày 10-7-2020) và tàu KH 91558 TS (xuất bến tại cảng Hòn Rớ ngày 26-7-2020) của ông Lê Trứ (TP. Nha Trang) khi đang khai thác thủy sản tại tọa độ 110010’51’’E - 609’48’’N và 110024’6’’E - 6026’6’’N trong vùng biển của Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ vào ngày 10-8-2020. Tàu KH 95758 TS của ông Phạm Giùm (TP. Nha Trang, xuất bến tại cảng Hòn Rớ ngày 7-7-2020) đang hoạt động tại tọa độ 11005’13’’E - 602’14’’N trong vùng biển của Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ vào ngày 10-8-2020.


H.L