10:11, 07/11/2021

Kỳ 2: "Nốt trầm" trên đường phát triển

10 năm qua, Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, trong tiến trình phát triển ấy vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục để phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, giúp nền kinh tế vươn tới những tầm cao mới...

Kỳ 2: "Nốt trầm" trên đường phát triển
 
 
10 năm qua, Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, trong tiến trình phát triển ấy vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục để phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, giúp nền kinh tế vươn tới những tầm cao mới.
 
Chưa như kỳ vọng
 
Với những ai 10 năm mới trở lại Khánh Hòa hẳn đều có chung sự ngạc nhiên về sự đổi thay ở vùng đất này. TP. Nha Trang đã vươn mình thành đô thị hiện đại; khu vực Bãi Dài (Cam Lâm, Cam Ranh) hình thành hàng loạt khu nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc tế. Vậy nhưng, so với sự kỳ vọng của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cách đây 10 năm thì sự phát triển ấy chưa xứng tầm. Trong quá trình phát triển, vẫn chưa khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế; phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tại Khu Kinh tế Vân Phong còn gặp nhiều khó khăn... Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong công tác dân vận chưa thường xuyên, chặt chẽ. Quy chế dân chủ ở một số đơn vị, địa phương triển khai còn hình thức. Nội dung và phương thức tổ chức, hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có nơi chậm đổi mới, còn hành chính hóa, chưa sâu sát cơ sở.
 

 

1
Đô thị Nha Trang dù phát triển nhưng vẫn còn những hạng mục chưa đạt yêu cầu.
 
 
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII diễn ra năm 2020 cũng đã thẳng thắn chỉ ra 3 nhiệm vụ chính không đạt được mục tiêu theo Kết luận 53 của Bộ Chính trị gồm: Xây dựng Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở Bắc Vân Phong và phát triển du lịch biển đảo tại Trường Sa. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, có 4 chỉ tiêu về kinh tế không đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra: tốc độ tăng trưởng kinh tế (chỉ đạt 6,1%, trong khi nghị quyết là 7,5-8%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, thu ngân sách nhà nước và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Lĩnh vực công nghiệp tuy có tăng nhưng chỉ ở mức khá, công suất, năng lực đầu tư mới, đầu tư mở rộng tăng không đáng kể. Giai đoạn 2016-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân của tỉnh tăng 6,5%, thấp hơn bình quân chung cả nước (9,5%). Ở lĩnh vực nông nghiệp, khả năng liên kết, hình thành và tham gia các chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực còn hạn chế. Lĩnh vực du lịch có một số mặt tăng trưởng nóng, thiếu đồng bộ.
 
Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua, việc đổi mới nền kinh tế thiếu đồng bộ, khả năng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế còn thấp; chưa chuyển mạnh theo hướng cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại đầu tư. Lợi thế cạnh tranh trong từng ngành, từng vùng, thành phần kinh tế chưa được phát huy. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Kinh tế tư nhân phát triển chậm và chưa bền vững, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Từ năm 2016 đến 2019, toàn tỉnh chỉ thu được 187 dự án ngoài ngân sách, với tổng số vốn đăng ký hơn 104.000 tỷ đồng. Các khu, cụm công nghiệp, Khu Kinh tế Vân Phong, công trình quan trọng triển khai còn chậm hoặc chưa được triển khai. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất, quản lý quy hoạch, xây dựng, tài chính (thẩm định giá), thuế… có nhiều bất cập, để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. 
 
Đâu là nguyên nhân?
 
Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng nhưng cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong thời gian qua. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhìn thẳng vào sự thật, đưa ra nhận định, đi tới cùng vấn đề tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để sớm có giải pháp khắc phục. Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, công tác dự báo và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế còn nhiều bất cập, chưa lường hết tình huống xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng với nhiều biến động khó lường. Khánh Hòa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid-19 do sức chịu đựng của ngành, lĩnh vực kinh tế còn thấp khi dịch bệnh xảy ra, nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch; chưa chuyển mạnh theo hướng cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại đầu tư; chậm phát triển đầu tư theo chiều sâu các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.
 
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cũng chỉ ra nguyên nhân yếu kém của nền kinh tế một phần do nhiều vấn đề quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là những vấn đề phức tạp, đòi hỏi thực hiện trong dài hạn để phát huy hiệu quả. Các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập, vướng mắc, đặc biệt thủ tục đầu tư một số dự án có quy mô lớn, phức tạp, mất nhiều thời gian phê duyệt từ các bộ, ngành Trung ương nên ảnh hưởng tiến độ triển khai. Công tác thẩm định hồ sơ, giải phóng mặt bằng phục vụ một số dự án còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến thời gian triển khai và việc thu hút đầu tư. Đồng thời, do bị động trong việc triển khai đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong nên việc thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong trong thời gian dài bị chững lại, đợi quy hoạch và chủ trương mới của Trung ương.
 
Ngoài ra, công tác triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa tốt, chậm cụ thể hóa; năng lực tham mưu, đề xuất của các sở, ban, ngành trong công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, tài chính (thẩm định giá), thuế… còn nhiều hạn chế, nhất là trong nhận thức và vận dụng pháp luật; việc buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng.
 
Hoàn thiện để phát triển
 
Để khai thác, phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của tỉnh, mở ra định hướng phát triển cho một thời kỳ mới với yêu cầu mục tiêu cao hơn, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã thảo luận và thống nhất sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát, đánh giá việc thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị. Đồng thời, tham mưu đề xuất Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mới phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng đô thị, phát triển theo hướng đô thị hóa với cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại…
 
Ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, để thực hiện được những mục tiêu này, trước hết tỉnh cần phải có những giải pháp cụ thể, căn cơ, mang tính đồng bộ khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại trong suốt thời gian qua. Cụ thể, cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch: quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải… Đồng thời, tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, bình đẳng để thu hút đầu tư xã hội; phát triển khu vực Bắc Vân Phong, tạo động lực phát triển mới.
 
Cùng với những giải pháp, quyết sách, tỉnh đang nỗ lực khắc phục những sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thu hồi được hơn 115 tỷ đồng liên quan đến thất thoát do miễn giảm thuế không đúng quy định. Tỉnh cũng đã ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng và điều chỉnh giao đất có nội dung “đất ở không hình thành đơn vị ở”; chấm dứt 11 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và ban hành quyết định thu hồi đất của 7 dự án với diện tích hơn 473.000m2. Theo ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, những sai phạm của tổ chức, cá nhân được chỉ ra tại Thông báo số 680 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét và thi hành theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng, khách quan, công khai, minh bạch. Kết quả xử lý được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó thể hiện thái độ cầu thị, tinh thần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy trong việc khắc phục, sửa chữa, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân của hành vi vi phạm để áp dụng hình thức kỷ luật thỏa đáng, đúng quy định, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, không có trường hợp ngoại lệ, không có vùng cấm, không xuề xòa, né tránh.
 
Hiện nay, tỉnh vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề xử lý các sai phạm, phải báo cáo, xin ý kiến Trung ương về những vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, sự phát triển của tỉnh đã gặp phải một cản lực rất lớn. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình, Tỉnh ủy và UBND tỉnh xác định sẽ nhanh chóng xử lý, khắc phục những tồn tại để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đưa Khánh Hòa đi lên theo đúng định hướng Kết luận số 53 của Bộ Chính trị.  
 
Đ.Lâm - V.Kỳ - M.Hùng