11:11, 23/11/2021

Kỳ 1: Sức sống mới ở vùng cao

Cứ mỗi lần đến các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, chúng tôi thêm một lần cảm nhận cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khang trang. 

Kỳ 1: Sức sống mới ở vùng cao


Cứ mỗi lần đến các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống, đặc biệt là 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, chúng tôi thêm một lần cảm nhận cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khang trang. Kết quả ấy có được một phần rất lớn từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và miền núi đã được tỉnh triển khai liên tục trong hơn 10 năm qua.


An cư lạc nghiệp ở các khu tái định cư


Sau nhiều năm sinh sống chật vật phía đông đỉnh đèo Khánh Sơn, không có nơi ở ổn định, không có đất sản xuất, năm nay là năm thứ 3 ông Cao Nhiền cùng 30 hộ dân khác trong Khu tái định cư (TĐC) Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) náo nức đến Nhà cộng đồng trong khu TĐC để dự “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc”. Trong âm thanh như reo ca của đàn đá Khánh Sơn, ông Cao Nhiền mời chúng tôi nhấp ngụm Tabai - loại rượu truyền thống của người Raglai, rồi tâm sự: “Ơn Đảng, ơn Nhà nước, nhà mình mới có cuộc sống mới ổn định như hôm nay”. Nói rồi, ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày sống tạm bợ, thiếu thốn, lang bạt khắp phía đông đỉnh đèo Khánh Sơn. “3 năm ở khu TĐC Dốc Trầu, gia đình mình ở nhà xây, có điện, có nước sinh hoạt, trẻ con được đi học, hộ nào cũng được cấp 1ha đất để sản xuất chỉ cách nơi ở 800-900m nên thuận lợi”, ông Nhiền vui mừng nói.

 

Điểm trường Kà Giàng (Trường Tiểu học Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) được đầu tư tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số đến trường.

Điểm trường Kà Giàng (Trường Tiểu học Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) được đầu tư tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số đến trường.


Khu TĐC Dốc Trầu là khu TĐC đầu tiên trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Việc xây dựng khu TĐC này là chủ trương của tỉnh nhằm ổn định đời sống cho các hộ ĐBDTTS. Hiện nay, trong khu TĐC có 6 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. UBND xã Ba Cụm Bắc đã ưu tiên cho các hộ này tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhất là những mô hình phát triển sản xuất từ Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi nhằm giúp các hộ chuyển đổi cây trồng, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.


Tương tự, cuộc sống của nhiều hộ ĐBDTTS ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh) đã ổn định hơn nhiều kể từ khi rời những khu vực ven sông, suối, triền đồi, núi có nguy cơ sạt lở cao ở các thôn Bố Lang, Giang Biên để chuyển về làng mới là khu TĐC Bố Lang. Ông Phạm Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết: “Khu TĐC Bố Lang có diện tích 7,5ha, đã được đầu tư hạ tầng khang trang với nhà ở, điện, đường, nước sạch phục vụ cuộc sống của người dân. Từ năm 2017, toàn bộ 142 hộ dân đã chuyển đến đây sinh sống ổn định. Những năm qua, địa phương đã tập trung hỗ trợ đất sản xuất, triển khai hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế cho hộ nghèo, cận nghèo, qua đó đã từng bước giảm được hộ nghèo ở khu vực này”. Trong khi đó, cuộc sống của 84 hộ ĐBDTTS ở khu TĐC Gia Lợi (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh) đã dần ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững kể từ khi chuyển về sinh sống tại khu TĐC này.


Không chỉ riêng cuộc sống của những hộ dân ở các khu TĐT nói trên mà hiện nay, đời sống của ĐBDTTS ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và những khu vực có đông ĐBDTTS trong toàn tỉnh như: Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh đều từng bước được nâng lên về cả vật chất lẫn tinh thần.


Vùng cao khởi sắc


Đến các địa phương miền núi ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh bây giờ, thay đổi dễ nhận thấy nhất là nhà ở của người dân ngày càng khang trang hơn. Giữa bạt ngàn những vùng cây ăn trái nơi miền non cao là những căn nhà bề thế, trong đó có không ít nhà của các hộ ĐBDTTS đã được xây dựng sau những vụ mùa bội thu. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng khu vực miền núi cũng được đầu tư khá đồng bộ. Đến nay, 100% xã vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh đều có đường ô tô đến trung tâm xã; các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, thông tin liên lạc thông suốt. “Đời sống ĐBDTTS đã thay đổi từng ngày, người ốm được chữa bệnh ở cơ sở y tế, trẻ em lớn lên được đến trường. Đến mùa thu hoạch, xe đến tận rẫy chở nông, lâm sản đi tiêu thụ vì đường vào khu sản xuất đã được đổ bê tông. Nhà nào cũng sắm được xe máy, có điện để xem ti vi, nghe đài, xài tủ lạnh. Thậm chí ở Khánh Sơn có rất nhiều hộ ĐBDTTS xây được nhà lầu, sắm được ô tô nữa đấy!” - già làng Cao Đảm ở thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) tự hào khoe với chúng tôi.

 

Những năm qua, mía tím là một trong những cây trồng chủ lực  giúp đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn nâng cao thu nhập.

Những năm qua, mía tím là một trong những cây trồng chủ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn nâng cao thu nhập.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 35 DTTS sinh sống với trên 72.000 người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Raglai chiếm trên 77%. Phần lớn người dân cư trú tại 2 huyện miền núi: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã miền núi thuộc các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh. Toàn tỉnh có 28 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, gồm: 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 5 xã khu vực I và 10 thôn đặc biệt khó khăn; số hộ nghèo ĐBDTTS là 5.979 hộ, chiếm 58,9% số hộ nghèo toàn tỉnh.

Ông Mấu Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh khẳng định: “Việc triển khai Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn miền núi của huyện Khánh Vĩnh đã từng bước thay đổi, có xã đã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của các hộ ĐBDTTS đã được nâng lên rõ rệt. Hạ tầng giao thông đã phát triển rộng khắp, đường vào khu sản xuất phần lớn đã được đầu tư, mở ra cơ hội phát triển cho 790ha đất sản xuất. Mạng lưới y tế phát triển, ĐBDTTS được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế. Các giá trị văn hóa của 27 DTTS sinh sống trên địa bàn huyện được bảo tồn, phát huy...”.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã bố trí hơn 143,2 tỷ đồng để đầu tư trực tiếp cho Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi; lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình 135 hơn 73 tỷ đồng, Chương trình xây dựng nông thôn mới gần 152 tỷ đồng; vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 45 tỷ đồng và vốn huy động khác hơn 3,7 tỷ đồng để đầu tư phát triển KT-XH cho các vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, diện mạo các vùng ĐBDTTS, khu vực nông thôn miền núi trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn trước.


Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: “Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo vùng ĐBDTTS và miền núi có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất và đời sống của người dân. Trong khi đó, nhiều mô hình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho các hộ dân. Đời sống vật chất tinh thần của ĐBDTTS không ngừng được cải thiện, nâng cao; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân vùng cao có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, ở các địa phương miền núi và vùng có đông ĐBDTTS sinh sống, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố, giữ vững”.

 

Đến năm 2020, thu nhập bình quân hộ ĐBDTTS đạt 14 triệu đồng/người/năm; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông là 26 xã; tỷ lệ trẻ em ĐBDTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 92,4%, hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,5%; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trình độ sơ cấp trở lên đạt 45,63%... 


HẢI LĂNG

 


Kỳ 2: Thay đổi cách nghĩ, cách làm