10:10, 29/10/2021

Cùng em ra lớp

Hoàn cảnh khó khăn, thêm nghỉ giãn cách vì dịch bệnh đã khiến một số học sinh (HS) ngại đi học tiếp. Để kéo các em quay lại với sách vở, trường lớp, các thầy cô ở 2 huyện miền núi đã nỗ lực đến nhà vận động, hỗ trợ từng em.

Hoàn cảnh khó khăn, thêm nghỉ giãn cách vì dịch bệnh đã khiến một số học sinh (HS) ngại đi học tiếp. Để kéo các em quay lại với sách vở, trường lớp, các thầy cô ở 2 huyện miền núi đã nỗ lực đến nhà vận động, hỗ trợ từng em.


Tấm lòng thầy cô


Xế trưa, cô Quách Thị Phương Thảo (Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) và cô Lê Thị Hạnh An - giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 6A chạy xe máy đến xã Sơn Hiệp, rồi đi bộ men theo lối mòn nhấp nhô cỏ dại tới nhà 2 anh em Cao Thanh Dân. Trời nắng, hơi thở như ngợp hơn trong chiếc khẩu trang phòng dịch; đoạn đường gần 1km như xa hơn. Nhưng gặp được phụ huynh, các cô đã quên hết mệt. “Đi vận động HS, gặp được gia đình là mừng rồi, còn hơn lặn lội tới nơi thì cả nhà đi rẫy”, cô Thảo nói.

 

Cô Quách Thị Phương Thảo dẫn học sinh tới trường.

Cô Quách Thị Phương Thảo dẫn học sinh tới trường.


Học kỳ II năm trước, cô Thảo chủ nhiệm lớp anh trai của Dân. Em học 2 - 3 buổi thì bỏ. Cô điện thoại cho cha mẹ không được, đến nhà thì gia đình đã chuyển sang xã Sơn Hiệp. Hỏi mãi, cô mới nhờ được HS dẫn tới nơi ở mới. Căn nhà tuềnh toàng, chật hẹp, tường đơn, mái tôn, trống trải, chẳng có đồ đạc gì. Nhà không có đất rẫy; 6 miệng ăn trông cả vào công làm mướn của anh rể Dân. Cô Thảo đi vận động 3 lần, trao học bổng, tặng sách vở, quần áo nhưng do đi học quá ít, anh trai Dân không thể lên lớp. Năm nay, 2 anh em cùng học lớp 6A. Anh trai của Dân bảo, em rất ngại để cô phải đến nhà nhiều lần nhưng giờ học cùng lớp với em thì bạn bè chê cười. Nhà xa trường, không có xe; mẹ đã bỏ đi, cha yếu bệnh. Người cha cũng thú thật, gia đình chỉ cố cho mình Dân học tiếp… Thương các em, 2 cô vội vã tới UBND xã, trình bày tình hình và đề nghị hỗ trợ. “Sau đó, xã vận động tặng các em 1 chiếc xe đạp; thôn và các cô cũng hỗ trợ thêm quần áo, sách vở. Bây giờ, Dân đã ra lớp, chỉ còn anh Dân…”, cô Thảo tư lự.  


Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Khánh Vĩnh) phụ trách dạy HS 4 xã xa nhất huyện: Liên Sang, Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái. Bình thường, việc vận động HS đến trường đã khó, thời điểm có dịch Covid-19 càng khó hơn. Thầy Nguyễn Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám cho biết, các em bỏ học một phần do gia đình thiếu quan tâm, hoặc phải đi làm phụ cha mẹ. Hè này, một số em đi nơi khác, khi dịch Covid-19 bùng phát không về được. Em nào về được lại phải thực hiện cách ly y tế theo quy định. Một số phụ huynh thì viện lý do còn dịch, không cho con đến lớp. Có phụ huynh cho con đi rẫy dài ngày, vừa làm vừa tránh dịch, điện thoại không gọi được. Dịch bệnh cũng làm việc kêu gọi vận động hỗ trợ HS khó khăn hơn. Đến nay, trường vẫn còn 38 em chưa ra lớp, đang vận động tiếp…


Khó cũng không bỏ cuộc


Cô Nguyễn Thị Huyền - GV chủ nhiệm lớp 1A Trường Tiểu học Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) cho biết, lớp cô có 100% HS là người dân tộc thiểu số. Đầu năm học, các em thường xuyên khóc, đòi mẹ chở về, không đi học. Các cô đều ra tận cổng trường dỗ dành, ẵm vào, cho bánh kẹo, chơi trò chơi ngoài giờ. Lâu dần, trò mới quen lớp. Cô Phạm Thị Lan - GV chủ nhiệm lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh chưa quên những lần chạy xe từ thị trấn về xã Sơn Thái để vận động một HS nữ đến trường. Có lần cô phải chờ đến tối, hoặc nhờ hàng xóm dẫn lên rẫy tìm. Nhà cô ở gần trường, hễ thấy em nào ở nội trú khóc vì nhớ nhà, cô lại sang an ủi. Có đêm, HS gọi cửa kêu đau bụng, cô liền chở đi khám. Vất vả là thế, nhưng cô vẫn vui vì được cả lớp yêu quý.

 

Cô Trương Thị Huyền Vân (bìa phải) đến nhà vận động học sinh.

Cô Trương Thị Huyền Vân (bìa phải) đến nhà vận động học sinh.


Ở Trường Tiểu học Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh), em Cao Thị My An cũng từng làm khó cô Trương Thị Huyền Vân - GV chủ nhiệm lớp 1A vì chỉ chịu vào lớp khi có anh trai ngồi cùng. Có ngày, trên đường đến trường, biết anh phải đi học, không ngồi cùng nữa, An nhảy luôn khỏi xe, vừa khóc vừa chạy về nhà. Sợ An tiếp tục làm vậy có thể tai nạn, mẹ An đành cho con nghỉ học. Cô Vân đi vận động 6 lần, kêu bạn cùng thôn động viên thêm, An mới đỡ khóc, chịu đi học. Thầy Huỳnh Tấn Lộc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Sang cho biết: “Từ tháng 8, nhà trường đã chỉ đạo GV đến tận nhà vận động, nếu vẫn khó khăn thì hiệu trưởng trực tiếp đến vận động. Quan trọng là phải kiên trì, nhẫn nại. Khó cũng không bỏ cuộc”. Năm học này, trường có 216 em thì 215 em ra lớp, chỉ còn 1 em bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị.


Đồng hành cùng học sinh

 

Cô Pi Năng Thị Tấm hướng dẫn học sinh tới lớp sau ôn lại bài.

Cô Pi Năng Thị Tấm hướng dẫn học sinh tới lớp sau ôn lại bài.

 

Công tác vận động HS luôn được tỉnh quan tâm. HS người dân tộc thiểu số tiếp tục được tỉnh thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ. Đến nay, huyện Khánh Sơn có 3.042 HS ra lớp; huyện Khánh Vĩnh có 4.591 HS ra lớp, đạt tỷ lệ khoảng 97%.

Ở Trường THCS Lê Văn Tám, cô Pi Năng Thị Tấm - GV chủ nhiệm lớp 6/4 là người dân tộc Raglai nên dễ trò chuyện, tiếp xúc với đồng bào hơn. Buổi trưa hay chiều tối nào tranh thủ được, cô lại nhờ người trông giùm 2 con nhỏ để đi vận động HS. Em nào thiếu quần áo, dụng cụ học tập, cô bỏ tiền túi hỗ trợ; không đủ thì vận động mạnh thường quân. Lớp có 32 em, đến nay ra lớp 30 em; chỉ còn 2 em bị bệnh nặng không đi được. Cô tâm sự: “Nhiều em nhà khó khăn lắm, cô có lương đều nên gắng giúp một phần nhỏ. Được giúp đỡ, các em mới an tâm đến trường. Như em Pi Năng Thị Nếp, sau khi được cô mua cho dép, sách học, đã đi học đều cả năm. Điều này là động lực để tôi tiếp tục vận động HS”. Còn thầy Đinh Văn Triệu - GV chủ nhiệm lớp 7/4 lại là một trong những GV nam thường xuyên ở lại trông coi, hỗ trợ HS đi về an toàn những khi mưa lớn, nước tràn nguy hiểm. “Các GV nam giữ trò ở trường, chờ khi nước rút bớt mới chia nhau đưa trò về. Ở các khu vực đập tràn, các thầy theo đò, hoặc đặt các em ngồi trên những chiếc lốp xe ô tô bơm căng để đẩy tới chỗ phụ huynh đón bên kia dòng nước. Để các em theo học đều đặn, các thầy cô đều sẵn lòng làm mọi việc có thể”, thầy Triệu nói giản dị.


Gần 16 giờ, cơn mưa chiều vùng núi sầm sập đến cũng là lúc 2 GV Trường Tiểu học Liên Sang vừa đi vận động HS về. Thầy Hiệu trưởng Huỳnh Tấn Lộc tâm sự: “Phần lớn HS nơi đây là người dân tộc thiểu số. Nhà trường xác định, đi vận động ban ngày không gặp được thì đi buổi tối; đi 1 lần chưa được thì đi lần 2, lần 3... Trường sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương vận động hỗ trợ tặng học bổng, quần áo, sách vở, phương tiện đi lại... cho HS. Thầy cô sẽ luôn đồng hành, giúp HS đi tiếp con đường học tập”.

 

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Ở các trường thuộc 2 huyện miền núi, HS được quan tâm về sách vở và điều kiện học tập nhưng khó nhất vẫn là huy động HS trở lại trường. GV phải đến từng thôn, từng nhà để tìm HS, nhờ trưởng bản, người có uy tín thuyết phục phụ huynh cho con em đến trường. Sở đã có công văn chỉ đạo trực tiếp đến các trường triển khai nhiều giải pháp. Cùng với GV chủ nhiệm nắm tình hình lớp, báo cáo trực tiếp ban giám hiệu, phải cử thêm GV phụ trách vùng phối hợp tìm hiểu nguyên nhân chưa trở lại trường của từng em, từ đó có hướng giải quyết kịp thời. Các trường cũng cần chủ động tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giúp các em không nhớ nhà, yên tâm ở lại trường học. Thầy cô giáo phải trực thường xuyên, hướng dẫn bài cho HS, tạo sự gần gũi với các em…


TIỂU MAI - THANH TRÚC