10:09, 20/09/2021

Kỳ 3: Thống nhất trong cách làm

Để hạn chế những bất cập trong quá trình hỗ trợ xây nhà ở cho người nghèo, vấn đề thiết kế mẫu nhà để áp dụng chung trên địa bàn tỉnh đã được đặt ra. Bên cạnh đó, các đoàn thể sẽ tăng cường giám sát xây dựng công trình nhằm đảm bảo chất lượng căn nhà khi bàn giao cho đối tượng thụ hưởng…

Kỳ 3: Thống nhất trong cách làm

 

Để hạn chế những bất cập trong quá trình hỗ trợ xây nhà ở cho người nghèo, vấn đề thiết kế mẫu nhà để áp dụng chung trên địa bàn tỉnh đã được đặt ra. Bên cạnh đó, các đoàn thể sẽ tăng cường giám sát xây dựng công trình nhằm đảm bảo chất lượng căn nhà khi bàn giao cho đối tượng thụ hưởng…


Sẽ tăng cường giám sát


Sau khi nhận được thông tin có bất cập trong việc xây nhà cho người nghèo, ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh đã làm việc với Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh nghe báo cáo tình hình xây nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 và đầu năm 2021. Ông Hà Quốc Trị đánh giá, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Hội CTĐ tỉnh cùng các đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai mang lại kết quả đáng ghi nhận, góp phần thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số... Tuy nhiên, công tác xây dựng nhà cho người nghèo ở một số địa phương vẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ về kết cấu, kiến trúc công trình… dẫn đến khó khăn trong công tác nghiệm thu, bàn giao nhà đưa vào sử dụng. Hoạt động kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng công trình còn hạn chế dẫn đến chất lượng nhà ở một số nơi chưa đạt yêu cầu.

 

Đồng chí Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bàn giao nhà  cho các hộ gặp khó khăn ở xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh) vào tháng 12-2020. Ảnh: Vĩnh Thành

Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bàn giao nhà cho các hộ gặp khó khăn ở xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh) vào tháng 12-2020. Ảnh: Vĩnh Thành

 

Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh: Việc bất cập về chất lượng là do không có một mẫu nhà thiết kế chung, dẫn đến khó khăn trong việc giám sát. Sở Xây dựng đã tham mưu mẫu chuẩn, từ nay cứ bám theo mẫu mà làm, giám sát chất lượng cũng dễ hơn. Của cho không bằng cách cho, chúng ta xây nhà tặng người nghèo phải bảo đảm chất lượng mới phát huy tác dụng; giao nhà vài tháng mà nứt tường, hỏng cửa… là không được.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, ông Hà Quốc Trị đề nghị Hội CTĐ tỉnh làm đầu mối tiếp nhận nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng nhà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Sau đó, hội tiến hành các thủ tục cần thiết chuyển nguồn kinh phí cùng danh sách các hộ được hỗ trợ xây nhà ở về cho các địa phương tiếp nhận để triển khai xây dựng theo đúng thiết kế; đồng thời, có trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương hoàn thành công trình, bàn giao nhà cho người dân đưa vào sử dụng.


Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực chủ động, phối hợp chặt chẽ với Hội CTĐ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp nhận kinh phí tài trợ, kết hợp với nguồn kinh phí đối ứng của địa phương để xây dựng nhà ở đạt chuẩn nông thôn mới. Các cấp ủy chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tham gia giám sát quá trình xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Bên cạnh đó, các địa phương phải tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình được thụ hưởng nhà ở cùng cộng đồng khu dân cư tham gia đóng góp thêm kinh phí, vật tư, ngày công lao động... để ngôi nhà mới thêm phần khang trang, rộng rãi hơn, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.


Đề xuất giao quyền cho địa phương


Ông Nguyễn Quốc Quang - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Khánh Vĩnh đề xuất, để làm được một căn nhà trong điều kiện vật giá tăng cao như hiện nay thì mỗi căn phải được đầu tư tối thiểu từ 60 đến 70 triệu đồng. Riêng với các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ đầu tư cần tạo điều kiện để người dân góp công lao động vào việc làm nhà thay cho góp tiền, bởi họ khó có tiền đối ứng. Ông Quang cũng kiến nghị, đối với việc xây nhà theo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Hội CTĐ tỉnh nên giao vốn về cho địa phương quản lý và chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp tỉnh thay vì để Hội CTĐ làm chủ đầu tư như hiện nay; chỉ có giao địa phương làm chủ đầu tư thì việc giám sát mới thật sự sâu sát, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương sẽ có trách nhiệm để vận động thêm kinh phí xây nhà cho người nghèo.


Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Mỹ Linh - Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Khánh Vĩnh cho biết, việc xét các đối tượng người nghèo được xây nhà cũng nên để cho địa phương quyết định để phù hợp với các đối tượng trong danh sách “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” mà huyện đã lập. Đồng thời, vấn đề chọn nhà thầu cũng nên thống nhất giao tất cả về cho các địa phương quyết định; còn cấp tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát… 

 
Thực hiện theo mẫu nhà chung


Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, mới đây, Sở Xây dựng đã báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh mẫu thiết kế nhà ở cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sở đã thiết kế 3 mẫu nhà với diện tích xây dựng 40m2 ở từng mức dự toán 60 triệu đồng, 70 triệu đồng và 80 triệu đồng/căn, bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công trình. Các mẫu nhà cơ bản đều có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh, mái lợp tôn, nền lát gạch men hoặc láng vữa xi măng… và lắp đặt hệ thống điện, nước bảo đảm mức độ sinh hoạt bình thường của hộ gia đình.

 

Ông Phan Đình Huân - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Về quy trình giám sát công trình xây dựng, sẽ có Ban quản lý được thành lập gồm: Hội CTĐ tỉnh, nhà tài trợ, Hội CTĐ cấp huyện, sau đó họp với xã để phân công đoàn thể tham gia. Nhà tài trợ và Hội CTĐ tỉnh có 3 lần khảo sát đánh giá chất lượng công trình khi: Làm xong móng, xây xong tường, hoàn thiện căn nhà. Ở cấp độ địa phương, UBND cấp xã giao cho Mặt trận và Hội CTĐ căn cứ trên hồ sơ thiết kế để giám sát trong quá trình thi công.

Ông Trần Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, các phương án mẫu nhà cơ bản đáp ứng các tiêu chí về diện tích và dự toán kinh phí theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho hộ gia đình; phương án thiết kế mẫu nhà chỉ tính chi phí xây dựng sau thuế, chưa tính các chi phí khác, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí giám sát, nghiệm thu…; suất đầu tư trung bình từ hơn 1,5 triệu đồng/m2 đến gần 2,5 triệu đồng/m2. Mẫu nhà thiết kế trên diện tích đất cố định từ 4 x 10m đến 6 x 6,5m. Tuy nhiên, thực tế, nếu thi công ở địa bàn khác nhau, diện tích xây dựng khác nhau, tại thời điểm xây dựng khác nhau có thể làm thay đổi trị giá xây dựng.


Để trị giá xây dựng không vượt các dự toán được lập như trên, Sở Xây dựng đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi, miễn giảm các loại thuế xây dựng, giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp xây dựng các phương án nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ về giá của các doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng chủ yếu (cát, đá, xi măng, thép, gạch…) trên địa bàn, cam kết bình ổn giá trong suốt thời gian triển khai thi công trên địa bàn.


Với nhiều giải pháp được đặt ra, hy vọng những bất cập trong việc xây nhà cho người nghèo sẽ sớm được khắc phục. Mỗi năm, sẽ tiếp tục có hàng trăm hộ gia đình được an cư, khẳng định tính đúng đắn, nhân văn trong chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho những hoàn cảnh khó khăn, góp phần để không ai bị bỏ lại phía sau.


Nhóm phóng viên