11:06, 29/06/2021

Vị tướng quân y nặng lòng với Trường Sa

Có vị bác sĩ rất đặc biệt với 30 năm gắn bó với Trường Sa. Ông là Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, và hơn thế ông còn là một nghệ sĩ.

Có vị bác sĩ rất đặc biệt với 30 năm gắn bó với Trường Sa. Ông là Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, và hơn thế ông còn là một nghệ sĩ.

 
Điểm tựa cho bệnh xá Trường Sa


Trong chuyến đi thăm quân và dân tại huyện Trường Sa mới đây, chúng tôi có dịp được gặp Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn. Với Trường Sa, ông dành tình yêu đặc biệt sâu nặng. Tình cảm ấy từ ký ức tuổi thơ và 35 năm quân ngũ. Sinh ra ở đất cảng Hải Phòng, tuổi thơ của ông in đậm hình ảnh về người lính hải quân và ước mơ trở thành chiến sĩ hải quân, lênh đênh trên những con tàu làm nhiệm vụ ngoài biển khơi. Tuy nhiên, trưởng thành ông lại chọn ngành quân y. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, ông được phân công về Bệnh viện Quân y 175 để tham gia nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia. Trong quá trình công tác, ông có dịp đặt chân đến nhiều vùng biển, đảo của Tổ quốc; đặc biệt ông đã 7 lần được đến Trường Sa. “Mỗi nơi đến làm sâu đậm thêm tình cảm của tôi trước sức sống, sự thiêng liêng của biển, đảo Tổ quốc và sự hi sinh, kiên cường của người chiến sĩ giữa muôn trùng sóng gió. Điều đó thôi thúc tôi có trách nhiệm đóng góp điều gì đó cho biển, đảo quê hương, cho Trường Sa thân yêu”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

 

Bác sĩ Sơn thăm hỏi chiến sĩ tại đảo Đá Lát.

Bác sĩ Sơn thăm hỏi chiến sĩ tại đảo Đá Lát.


Nhớ lại ca mổ đẻ ở Trường Sa vào ngày 4-4-2011 mà ông cùng tập thể các chuyên gia chỉ đạo chuyên môn qua hệ thống Telemedicine từ Bệnh viện Quân y 175, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn kể: “Sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy ở thị trấn Trường Sa chuyển dạ với tình trạng bị u xơ tử cung, ngôi thai nằm ngang, thiếu ối, dây nhau quấn cổ. Qua hệ thống Telemedicine, tổ chuyên gia đã cùng kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc làm kíp trưởng thực hiện phẫu thuật tại Bệnh xá thị trấn Trường Sa. Xử lý ca sinh mổ khó trong điều kiện ở đảo thật sự là thử thách với các y, bác sĩ. Tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng các bác sĩ tham gia chỉ đạo chuyên môn cho ca phẫu thuật đều rất căng thẳng. Khi tiếng khóc chào đời của bé vang lên, chúng tôi và các bác sĩ, gia đình sản phụ vỡ òa niềm hạnh phúc…”.

 

Bác sĩ Sơn hội chẩn  về trường hợp ngư dân bị tai biến tại thị trấn Trường Sa.

Bác sĩ Sơn hội chẩn về trường hợp ngư dân bị tai biến tại thị trấn Trường Sa.


Với bác sĩ Sơn, chăm lo cho sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo hay những ca cấp cứu kịp thời cho ngư dân khi họ đánh bắt xa bờ luôn làm ông đau đáu. Ông nhớ mãi trong một lần ra đảo công tác đã trực tiếp cứu cấp cho 2 ngư dân bị hội chứng giảm áp do lặn sâu. Trong đó, 1 bệnh nhân bị hôn mê sâu, phù não, đe dọa đến tính mạng. Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, ông đã cùng đồng nghiệp dùng các thiết bị của bệnh xá nỗ lực cấp cứu ban đầu. Suốt đêm ông theo dõi tình hình của bệnh nhân để quyết định chuyển bệnh nhân về đất liền với sự hỗ trợ của Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân đã khỏe mạnh xuất viện dẫu trước đó, tiên lượng tử vong trên 90%...


Thành công của những ca phẫu thuật nơi đảo xa là một trong nhiều thành tựu của Bệnh xá thị trấn Trường Sa. Đó là quả ngọt từ tấm lòng hướng về y tế biển, đảo của bác sĩ Sơn và các thầy thuốc quân y nhiều thế hệ.


Người thầy thuốc nghệ sĩ


Qua tiếp xúc với bác sĩ Sơn, điều chúng tôi thấy thú vị là vị tướng này rất mê âm nhạc. Với ông, âm nhạc chính là sợi dây kết nối hữu hiệu nhất giữa con người với con người… Ngay từ khi còn trẻ, tuy không có nhiều kiến thức âm nhạc nhưng ông đã tập viết ca khúc. Không hiểu ở đâu thì hỏi ở đó. Những ca khúc mộc mạc ấy là kết tinh của sự đam mê trong một tâm hồn nhạy cảm. Nhưng nghiệp lính làm gì có nhiều thời gian cho sự lãng mạn. Vì thế, ông viết ca khúc chỉ để thỏa mãn đam mê của mình chứ không đi sâu vào con đường nghệ thuật như ông bộc bạch: “Chút văn nghệ, thể thao là thú vui riêng, ngẫu hứng để cân bằng bản thân trong cuộc sống”.

 

Nhiều đại biểu xúc động khi nghe bác sĩ Sơn  hát lại ca khúc Phút lặng im trên biển.

Nhiều đại biểu xúc động khi nghe bác sĩ Sơn hát lại ca khúc Phút lặng im trên biển.


Nói là vậy nhưng với sự nhạy cảm của mình, mỗi chuyến đi, mỗi địa điểm đặt chân đến đều để lại cho ông cảm xúc dạt dào. Để từ đó, ông đã cho ra đời hơn 50 ca khúc, tiêu biểu như: Sinh ra ở Trường Sa, Sức sống Trường Sa, Phút lặng im trên biển... “Công việc rất bận rộn, cứ cuốn tôi đi nên khó có thời gian dành trọn cho âm nhạc. Các ca khúc ra đời từ những chuyến công tác cùng đồng đội ra đảo, những lần nhận nhiệm vụ đột xuất lên đường”, bác sĩ Sơn chia sẻ. Các ca khúc của ông đều là những rung động tự nhiên từ sự trải nghiệm nên truyền cảm xúc đến người nghe. Chị Phạm Thị Thu Thảo - thành viên đoàn công tác Trường Sa khi nghe bài hát Sức sống Trường Sa đã không khỏi xúc động: “Bài hát với ca từ mộc mạc đã thể hiện được quá trình xây dựng, phát triển của quần đảo Trường Sa trong điều kiện khó khăn, gian khổ. Tôi rất thích câu hát “màu xanh quê hương xen giữa phong ba, bàng vuông”, đã đặc tả hết ý tứ của bài hát”.

 

Tuy là nhạc sĩ “tay ngang” nhưng “gia tài” âm nhạc Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn khá đồ sộ với 3 CD: Vẫn mãi màu áo trắng (năm 2005), Sức sống Trường Sa (2015), Có những tuổi 20 như thế (2017) cùng 2 CD chung với nhạc sĩ Quỳnh Hợp là Giữa trùng khơi sóng (2011), Tổ quốc nhìn từ biển (2013). Đặc biệt, từ album Sức sống Trường Sa của ông, người nghe đã gửi đến Trường Sa gần 1,5 tỷ đồng.

Mỗi khi nhắc đến ca khúc Phút lặng im trên biển, bác sĩ Sơn lại rưng rưng xúc động. Bài hát ra đời trong một lần ông dự lễ tưởng niệm trên biển các chiến sĩ đã hi sinh trong sự kiện Gạc Ma. “Dọc đường đi sóng biển rất lớn nhưng khi chuẩn bị làm lễ, bỗng nhiên sóng yên biển lặng. Khi điếu văn cất lên không ai kìm được nước mắt. Hình như cả con tàu nghiêng về phía các chiến sĩ đang nằm. Khi những cánh hoa tươi được thả xuống, những con sóng dâng lên như những cánh tay đón nhận tình cảm của đồng chí, đồng đội đất liền. Cơn mưa kéo đến, ướt áo, mái tóc, ướt cả đôi mắt của những người ở đó”, bác sĩ Sơn kể lại.


Dù chủ đề biển, đảo có nhiều người viết và nhiều ca khúc hay nhưng những sáng tác của ông vẫn có góc nhìn mới lạ, hấp dẫn. Ông viết về nơi ấy hết sức gần gũi với mong muốn để mọi người thấy Trường Sa hôm nay đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Cùng với đó, ông muốn mình sẽ góp một phần nhỏ bé vào việc bồi đắp thêm tình yêu với Trường Sa.



THANH TRÚC