10:04, 09/04/2021

Rộng vòng tay yêu thương

"Có bệnh thì vái tứ phương", lẽ thường thì người bệnh phải tìm thầy thuốc. Ấy vậy mà lại có những thầy thuốc tìm đến tận nhà người bệnh để chữa cho họ. Đó là những y, bác sĩ của Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh…

“Có bệnh thì vái tứ phương”, lẽ thường thì người bệnh phải tìm thầy thuốc. Ấy vậy mà lại có những thầy thuốc tìm đến tận nhà người bệnh để chữa cho họ. Đó là những y, bác sĩ của Bệnh viện Chuyên khoa (BVCK) Tâm thần tỉnh…


Chữa bệnh tận nhà

 

Anh T. chăm sóc vườn rau của gia đình.
Anh T. chăm sóc vườn rau của gia đình.

 

Một ngày cuối tuần, chúng tôi theo chân các thành viên của Đội Y tế tâm thần lưu động BVCK Tâm thần tỉnh đến nhà bệnh nhân (BN) Hồ Quốc T. (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh). Khi đến nơi, anh T. đang phụ mẹ tưới nước, chăm sóc vườn rau. Gặp các thành viên của đội, anh T. hớn hở khoe: “Tôi có việc làm nửa tháng nay rồi, làm phụ hồ xây nhà cho một người ở trong thôn. Đi làm vui lắm, có nhiều người để trò chuyện, còn có tiền tiêu. Bữa trước  nhận được 500.000 đồng, tôi đưa má một ít, còn lại ít để dành”. Nhìn anh làm việc, nói chuyện, khó có thể biết được anh bị tâm thần phân liệt hơn 13 năm. Các thành viên trong đội vừa thăm khám sức khỏe, kiểm tra các loại thuốc anh T. đang sử dụng, vừa trò chuyện với anh như những người bạn. Qua trò chuyện, họ khéo léo hướng dẫn, động viên, khuyến khích anh phụ mẹ làm những công việc hàng ngày trong nhà, nhắc nhở anh uống thuốc đúng liều và đúng giờ…

 

Thành viên của Đội Y tế Tâm thần lưu động thăm khám tại nhà bệnh nhân.
Thành viên của Đội Y tế Tâm thần lưu động thăm khám tại nhà bệnh nhân.

 


Chậm chạp nhặt từng ngọn rau cho bữa trưa, bà Nguyễn Thị D., mẹ anh T. nhớ lại, trước năm 29 tuổi, T. có gia đình và cuộc sống bình thường. Sau một biến cố, vợ bỏ đi, T. chán nản sa vào rượu chè thời gian dài rồi phát bệnh. Gia đình đưa anh T. lên BVCK Tâm thần điều trị. Khi tình trạng bệnh cải thiện, anh T. được cho về. Anh T. được Trạm Y tế xã cấp thuốc đều đặn, đặc biệt là được bác sĩ đến tận nhà hỗ trợ. Vì thế, bệnh tình của T. ổn định hơn. Bà D. xúc động: “Trước kia, bệnh tình của T. trở đi trở lại nhiều lần. Mỗi khi bị phát bệnh, nó chửi mắng lung tung, phá làng xóm. Những năm gần đây, T. được các bác sĩ đến tận nhà hỗ trợ nên bệnh tình ổn định hơn nhiều. Giờ nó còn biết giúp mẹ lau dọn nhà cửa, đi làm về đưa tiền cho mẹ, sáng còn dậy sớm đi bộ, tập thể dục…”. Với bà D., con trai khỏe mạnh, bình thường là một niềm hạnh phúc lớn.


Hàng ngày, tiệm sửa quần áo của chị Trần Thị T. (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) có khá nhiều người ghé đến. Nhìn chị nhận đồ, trao đổi với khách, rồi lại cặm cụi tháo gỡ, may vá, chúng tôi không thể nghĩ rằng chị bị tâm thần phân liệt đã 16 năm. Chị rành rọt kể, 16 năm trước, chồng đi làm ăn xa, hứa 1 năm sau quay về đón mẹ con chị ra ở cùng. Sau 1 năm chờ đợi, không thấy chồng thực hiện lời hứa, chị bất an, lo lắng rồi phát bệnh. Nhiều lần nhập viện điều trị, được tham gia các hoạt động liệu pháp, tình trạng bệnh của chị cải thiện, được về nhà điều trị ngoại trú. Với sự hỗ trợ của gia đình, chị mở tiệm sửa áo quần. “Được bác sĩ căn dặn, tôi uống thuốc đều đặn nên ít bị phát bệnh. Mấy năm gần đây, người ở BV thường xuyên tới hỏi thăm, mấy bạn ấy coi tôi như người nhà thường động viên, nhắc nhở tôi phải siêng làm việc. Tôi vui lắm, làm việc chăm chỉ hơn. Tôi sửa đồ kiếm được 100.000 - 200.000 đồng/ngày, đủ tiền sinh hoạt”, chị T. khoe.

 

Thành viên của Đội Y tế Tâm thần lưu động hướng dẫn chị T. uống thuốc.
Thành viên của Đội Y tế Tâm thần lưu động hướng dẫn chị T. uống thuốc.

 


Không chỉ anh T., chị T., mà còn nhiều BN tâm thần khác đã ổn định hơn thông qua các phương pháp điều trị của BVCK Tâm thần và sự hỗ trợ của Đội Y tế Tâm thần lưu động. Có người tìm được việc chạy vặt ở chợ, có người phụ gia đình trồng rau bán kiếm tiền, người làm thợ sơn, phụ hồ…  


Cần lắm sự chung sức của cộng đồng


Theo bác sĩ Đặng Duy Thanh - Giám đốc BVCK Tâm thần tỉnh, mô hình Đội Y tế Tâm thần lưu động được ông học tập và áp dụng từ năm 2017 sau khi tham quan ở các bệnh viện tiên tiến trên thế giới. Đây là cách làm mang tính nhân văn. Mỗi đội có 4 - 6 thành viên, gồm từ y, bác sĩ, điều dưỡng đến cử nhân tâm lý, cử nhân giáo dục đặc biệt. Hàng tháng, hàng quý, đội sẽ xuống trạm y tế, tới tận nhà BN tâm thần đã được điều trị tương đối ổn định để kiểm tra tình trạng bệnh, điều chỉnh thuốc, hướng dẫn người nhà cho BN tham gia các hoạt động đơn giản tại nhà, tạo việc làm cho BN (nếu được); đồng thời, khuyến khích, động viên BN tích cực làm việc nhà, trò chuyện để nắm bắt tâm lý BN, qua đó có các liệu pháp điều trị phù hợp… Qua 5 năm thực hiện, mô hình này đã tiến hành hỗ trợ, can thiệp cho hơn 1.000 BN mắc bệnh tâm thần tại 50/136 xã, phường, thị trấn ở tỉnh.

 

Hiện nay, bên cạnh điều trị thuốc, BVCK Tâm thần đã triển khai được 45 liệu pháp điều trị cho BN thông qua các hoạt động: Làm bếp, trồng rau, sản xuất nấm, vẽ tranh, làm thảm, trang sức, cắm hoa… Mỗi hoạt động đều mang đến 3 giá trị cho người bệnh là giải trí, lao động/sản xuất và trị liệu. Đồng thời, bệnh viện cũng triển khai nhiều kỹ thuật mới về liệu pháp tâm lý và trắc nghiệm tâm lý, qua đó hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Bác sĩ Thanh cho biết, nhiều BN điều trị ở bệnh viện bệnh tình thuyên giảm nhiều nhưng khi về nhà, do không có sự quản lý của cán bộ y tế lại lười biếng, không chịu làm việc nên dễ tái phát bệnh. Đội Y tế Tâm thần lưu động là ê-kíp điều trị thu nhỏ sẽ hướng dẫn, hỗ trợ tại nhà cho BN, giúp họ duy trì các hoạt động cơ bản trong sinh hoạt hàng ngày, qua đó giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng.


Tham gia Đội Y tế Tâm thần lưu động từ những ngày đầu mới thành lập, cử nhân Nguyễn Thị Nhã Phương, Cao Thị Kim Loan, y sĩ Nguyễn Thị Biên… không thể nhớ đã tham gia can thiệp tại cộng đồng cho bao nhiêu BN. Không ít lần họ bị BN xua đuổi, bất hợp tác nhưng đọng lại trong họ luôn là niềm vui của những gia đình khi người thân bớt bệnh, tìm được việc làm, dần trở về cuộc sống bình thường và không còn bị cộng đồng kỳ thị. Cử nhân Phương chia sẻ: “Hiện nay, sự kỳ thị trong cộng đồng đối với người mắc bệnh tâm thần còn rất cao. Đây chính là rào cản đối với việc tái hòa nhập cộng đồng của người bệnh. Nhiều BN có việc làm, hào hứng kể cho chúng tôi nghe nhưng cứ dặn đi dặn lại là đừng gặp họ ở chỗ làm vì sợ người chủ biết họ bị tâm thần sẽ đuổi việc. Nghe thật thương!”. Theo y sĩ Nguyễn Thị Biên, những hoạt động của đội chỉ hỗ trợ một phần cho BN. Liều thuốc tốt nhất cho họ vẫn là sự quan tâm, sẻ chia của gia đình và xã hội.


Chia tay với BN và các thành viên của đội, chúng tôi ra về mang theo trăn trở của đội. Họ chỉ mong muốn các cấp, các ngành có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm thu nhận người khuyết tật, trong đó có BN tâm thần đã được điều trị ổn định vào làm việc. Chỉ có sự chung tay của cộng đồng mới giúp người bệnh nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm được gánh nặng bệnh tật, kinh tế cho gia đình người bệnh và xã hội.



CÁT ĐAN




.