12:03, 20/03/2021

Hành, tỏi chật vật tìm đầu ra

Cây hành, tỏi hiện diện trên đất Ninh Hòa đã hơn 20 năm nhưng đến nay, giá cả, đầu ra vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Năm nay, giá tỏi, hành đều xuống thấp khiến người trồng lỗ nặng.

Cây hành, tỏi hiện diện trên đất Ninh Hòa đã hơn 20 năm nhưng đến nay, giá cả, đầu ra vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Năm nay, giá tỏi, hành đều xuống thấp khiến người trồng lỗ nặng.


Hành, tỏi đều mất giá


Về thôn 1, xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) những ngày này, người dân đang hối hả nhổ tỏi. Đã qua nửa vụ thu hoạch nhưng không thấy vui.

 

Người dân phơi khô tỏi.

Người dân phơi khô tỏi.


Lau vội những giọt mồ hôi, bà Cái Thị Đoàn - thôn 1, xã Ninh Sơn cho biết: “Vụ này, tỏi gặp thời tiết mưa lạnh nên bị thối củ, giảm mật độ. Mọi năm, tôi thu được hơn 4 tấn nhưng vụ này chỉ được khoảng 1,2 tấn. Trong khi đó, 3 sào tỏi tôi đầu tư hơn 20 triệu đồng, chưa kể tiền công nhưng với giá bán 17.000 - 19.000 đồng/kg như hiện nay, nếu bán hết cũng không đủ bù chi”. Tiếc ruộng tỏi bị hư hỏng, giảm năng suất sau những ngày vất vả chăm sóc, bà Đoàn đã thuê thêm 4 nhân công nhặt nhạnh những cây còn sót lại. Tuy nhiên, trong câu chuyện với bà, nỗi bận tâm không phải là mất mùa mà là mất giá. Hiện nay, một số người dân bán tháo để có tiền trả công nhưng bán rồi vẫn chưa thấy tiền đâu, có nhà bán cả tháng trời vẫn chưa lấy được nợ.


Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Lưu Chính cũng đang thu hoạch 6 sào tỏi. Tuy sản lượng khá hơn các hộ trong thôn nhưng giá xuống quá thấp mà không có người mua nên hơn 2 tấn tỏi đã nhổ vẫn còn nằm phơi ngoài ruộng. Thời điểm này năm trước, tỏi thu hoạch tới đâu, thương lái thu mua hết đến đó; còn năm nay giá rẻ mà rất ít người hỏi mua. “Gia đình tôi tính phơi khô chờ được giá mới bán nhưng việc bảo quản tốn công, làm không khéo tỏi sẽ bị tóp. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đầu ra của tỏi khô sau này cũng chưa biết thế nào!”, ông Chính nói.

 

Tỏi và hành thu hoạch nhưng chưa có người mua.

Tỏi và hành thu hoạch nhưng chưa có người mua.


Xã Ninh Phước cũng là địa phương có diện tích trồng hành, tỏi lớn của thị xã. Ngang qua cánh đồng trồng hành tím, tỏi đã hơn 11 giờ trưa nhưng những nông dân vẫn đang cần mẫn thu hoạch. Còn nhớ, tầm này năm ngoái, khi rảo bước trên cánh đồng này vào vụ thu hoạch, chúng tôi thường bắt gặp những nụ cười tươi rói của người dân, cảnh thương lái thu mua nhộn nhịp. Còn bây giờ, chỉ nghe tiếng thở dài của người trồng hành, tỏi.

 

1


Dồn lại đống hành vừa mới cắt, ông Lê Văn Hồng - thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước cho biết, vụ này, ông hùn vốn với 2 người trong thôn trồng 4,5 sào hành, thu được khoảng 6 tấn nhưng vẫn đang phơi nắng, chưa có người mua. Vừa qua, có thương lái hỏi mua với giá 6.000 đồng/kg, giảm 2/3 giá so với năm ngoái. Với giá ấy, 6 tấn hành bán ra thu được 36 triệu đồng; trong khi đó, chi phí đầu tư hơn 80.000 triệu đồng. “Xong vụ này, tôi tạm nghỉ vài vụ rồi tính tiếp, chứ tiền nợ mua phân bón còn chưa trả… Hơn 20 năm trồng hành, tỏi, chúng tôi mệt mỏi nhất là chuyện đầu ra. Nông dân làm ra sản phẩm nhưng giá do thương lái quyết định. Mùa hành lá (mùa mưa) thì họ đòi củ to mới mua, khi mùa hành củ (mùa nắng) lại đòi lá đẹp. Họ luôn có cớ để ép giá người trồng”, ông Hồng nói.


Năm nay, gia đình ông Phạm Đức Nhã - thôn Ninh Tịnh trồng 1ha tỏi. Gia đình ông đã thu hoạch hơn 2 sào, năng suất khoảng 9 tạ/sào nhưng vẫn chưa bán được. Năm ngoái, thương lái tới tận ruộng thu mua với giá 27.000 - 29.000 đồng/kg tỏi tươi nhưng hiện nay chỉ 14.000 - 16.000 đồng/kg.


Niên vụ 2020 - 2021, tổng diện tích trồng hành, tỏi trên địa bàn thị xã Ninh Hòa 227ha (trong đó, 63ha hành); tập trung chủ yếu ở các xã: Ninh Phước, Ninh Thọ, Ninh Sơn, Ninh An và một ít ở xã Ninh Xuân. Sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 1.700 tấn tỏi, 650 tấn hành. Đến thời điểm này, toàn thị xã thu hoạch ước được 150ha, năng suất bình quân đạt 10 - 12 tấn/ha.


 Lo giải cứu


Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân giá hành, tỏi xuống thấp do chủ yếu tiêu thụ trong nước nhưng thời gian qua, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh; mặt khác, nhiều địa phương trong cả nước đều được mùa hành, tỏi nên thị trường tiêu thụ bị phân tán. Trong khi đó, đầu ra hành, tỏi của Ninh Hòa phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, lại chưa có thương hiệu nên bị ép giá. Ông Nguyễn Trọng Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phước chia sẻ: “Hiện nay, tỏi Lý Sơn vẫn có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, còn tỏi Ninh Phước giá chưa bằng một nửa. Trong khi đó, số lượng, chất lượng tỏi Ninh Phước không thua kém tỏi Lý Sơn. Do đó, người dân và chính quyền các xã trồng tỏi kiến nghị các sở, ngành của tỉnh, thị xã sớm triển khai xây dựng thương hiệu cho cây tỏi Ninh Hòa. Chúng tôi tin rằng, khi tỏi Ninh Hòa có thương hiệu, sẽ được nhiều người biết đến, đầu ra ổn định hơn, hạn chế tư thương ép giá”.

 

Người dân xã Ninh Phước thu hoạch hành.

Người dân xã Ninh Phước thu hoạch hành.


Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa cho biết, thị xã đang phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai xây dựng thương hiệu tỏi Ninh Hòa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc nên đang trong quá trình xử lý. Trước mắt, để góp phần giúp nông dân trồng hành, tỏi thu hồi một phần vốn chi trả công thu hoạch, các cơ sở hội trên địa bàn thị xã đã tổ chức 4 địa điểm giải cứu, gồm: Ninh Sim, Ninh Phụng, Ninh Xuân, Ninh Hiệp với giá niêm yết 10.000 đồng/kg hành, 20.000 đồng/kg tỏi. Sau 3 ngày, hội đã tiêu thụ được 7 tấn hành, tỏi tươi cho người dân. Theo kế hoạch, chương trình kéo dài đến ngày 20-3 nhưng trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn nên ngày 17-3 hội đã tạm dừng việc giải cứu. Sắp tới, hội sẽ phối hợp với địa phương tổ chức họp dân để có phương án giải cứu hành, tỏi phù hợp, hiệu quả hơn.


Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp hội nông dân trên địa bàn thị xã nên tình hình khả quan hơn. Sáng 17-3, thông tin từ một số địa phương cho biết, thương lái đã tăng giá thu mua tỏi lên 18.000 đồng/kg, hành 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản lượng hành, tỏi trong dân vẫn còn nhiều. Vì vậy, Hội Nông dân thị xã kiến nghị Hội Nông dân tỉnh tiếp tục có giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Cùng với việc giải cứu nông sản, về lâu dài, Hội Nông dân thị xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, xây dựng kế hoạch vận động người dân hình thành các mô hình liên kết sản xuất hành, tỏi; từ đó định hướng cho bà con sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường mở rộng thị trường thông qua việc tham gia các hội nghị, hội chợ nhằm gắn kết giữa người tiêu dùng và người sản xuất để giảm phụ thuộc hoàn toàn đầu ra vào thương lái như hiện nay.


CẨM VÂN