11:02, 02/02/2021

Kết nạp Đảng giữa chiến trường

Lễ kết nạp đảng viên ở chiến trường giản dị nhưng rất thiêng liêng. Những đảng viên trưởng thành trong những năm tháng gian khổ, khốc liệt ấy vẫn luôn vững niềm tin theo Đảng.

Lễ kết nạp đảng viên ở chiến trường giản dị nhưng rất thiêng liêng. Những đảng viên trưởng thành trong những năm tháng gian khổ, khốc liệt ấy vẫn luôn vững niềm tin theo Đảng.


Lễ kết nạp ở chiến khu Hòn Dữ


Mùa xuân này, ông Nguyễn Thế Sương - nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hưu trí tỉnh Khánh Hòa tròn 80 tuổi đời, gần tròn 55 tuổi Đảng. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn nhớ như in những nẻo đường đã qua, vẫn son sắt niềm tin theo Đảng kể từ buổi lễ kết nạp đơn sơ nhưng rất đỗi thiêng liêng ở chiến khu Hòn Dữ, Khánh Vĩnh năm 1966.

 

Tháng 5-1965, đang làm công nhân Công ty Tàu cuốc Hải Phòng, ông Sương nhận lệnh tái ngũ vào Đại đội công binh 216 (trước đó ông có 3 năm đi lính công binh Sư đoàn 320). Sau 3 tháng huấn luyện, tháng 7-1965, đơn vị ông Sương lên đường vào chiến trường miền Nam. “Tàu chỉ chạy đến Thanh Hóa, sau đó chúng tôi phải đi bộ, vượt qua những cao điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, vượt núi, băng rừng mà đi. Mất 5 tháng đơn vị tôi mới đặt chân đến chiến trường Khánh Hòa”, ông Sương kể.

 
 
Ông Nguyễn Thế Sương.

Ông Nguyễn Thế Sương.

 

Những khó khăn, gian khổ đã góp phần tôi luyện phẩm chất những người lính trẻ, giúp họ vững tâm vượt qua những thử thách cam go sau này. Ngày 15-10-1966, nhân ngày kỷ niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, ông Sương được kết nạp Đảng ở chiến khu Hòn Dữ, cùng lúc được đề bạt làm tiểu đội trưởng. “Giây phút kết nạp Đảng tôi run lên vì xúc động. Nhớ lại ngày tham gia Đội Thanh niên xung phong ở Hải Phòng, tôi phải vất vả lắm mới được kết nạp vào đoàn. Lúc đó, vấn đề giai cấp rất khắt khe, gia đình tôi là thành phần tiểu thương (cha làm nghề thuốc bắc), dân nghèo thành thị lại càng khó. Vậy mà 10 năm sau, tôi đã là đảng viên”, ông Sương xúc động nhớ lại.


Trở thành đảng viên, ông Sương xác định trách nhiệm nặng nề hơn, phải gương mẫu cả trong đời sống cũng như trong công tác chiến đấu. Gặp phải địch phục kích ở gò Mả Hương vùng tứ thôn Đại Điền (huyện Diên Khánh), tổ công tác của ông chiến đấu rất dũng cảm, riêng ông bị thương ở lưng. Vừa hồi phục ông đã tham gia Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Nha Trang. Một nửa cán bộ, chiến sĩ của Đội Công binh mãi mãi nằm lại ở gộp Ông Phật, ở bìa rừng gần cầu Cháy (xã Vĩnh Trung), ở ngã ba Cây Sộp trên đường mòn vào chiến khu Đồng Bò…

 
Đất nước giải phóng, ông Sương về công tác tại Ty Giao thông rồi chuyển về Thành ủy, UBND TP. Nha Trang. Dù công tác ở đâu, ông cũng nguyện sống xứng đáng với hương linh của đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường, xứng đáng là một đảng viên. Bởi vậy, sau khi nghỉ hưu vào năm 2000, ông Sương đã có gần 20 năm làm Chủ nhiệm CLB Hưu trí tỉnh. Ông tiếp tục có nhiều cống hiến cho hoạt động của CLB để nơi đây thực sự trở thành mái nhà chung của những cán bộ hưu trí.


Tinh thần đảng viên chốn lao tù


Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Yết Kiêu, ông Trần Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày TP. Nha Trang dành vị trí trang trọng nhất để treo chứng nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

 

Quê ở xã Diên Sơn, Diên Khánh, 15 tuổi, ông Hiệp đã “nhảy núi” đi làm cách mạng. Vóc dáng nhỏ bé nhưng gan lì, ông trở thành lính đặc công trinh sát T88 của Tỉnh đội. Trong trận đánh xã Diên Thủy cuối năm 1967, ông bị địch bắn vỡ xương quai hàm, gãy 3 cái răng, bể xương chậu (thương binh hạng 2/4)… phải an dưỡng mấy tháng liền. Sau Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nhiều cơ sở nội thành bị phá vỡ, ông Hiệp được đơn vị điều về hoạt động hợp pháp tại Nha Trang. Trước khi được tung vào hoạt động nội thành Nha Trang, ông vinh dự được kết nạp Đảng. “Lễ kết nạp Đảng được tổ chức trong hang đá ở chiến khu Đồng Bò. Vì thiếu ánh sáng nên đang ban ngày nhưng phải thắp đèn dầu. Sau khi cấp trên đọc quyết định, tôi hướng về cờ Đảng và ảnh Bác Hồ… tuyên thệ, cảm giác rất thiêng liêng!”, ông Hiệp hồi tưởng.

 

Ông Trần Hiệp đã được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Ông Trần Hiệp đã được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

 

Đóng vai người đi học nghề thợ sắt, hoàn thành được một số nhiệm vụ, sau đó ông Hiệp bị địch bắt do có người chỉ điểm. Ở nhà lao, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn tàn khốc nhưng với tinh thần kiên trung của người đảng viên, ông đã cắn răng chịu đựng. Không moi được thông tin từ người chiến sĩ cộng sản, đầu năm 1969, địch chuyển ông vào khám Chí Hòa ở Sài Gòn, rồi bị đày ra Côn Đảo.  


Ngay khi ra đảo, ông cùng các bạn tù đã chống chào cờ của địch nên bị tra tấn dã man, rồi địch đưa vào “chuồng cọp”. Theo ông Hiệp, ở chốn  địa ngục trần gian, những người đảng viên vẫn thông báo tình hình cho nhau bằng cách gõ vào vách để truyền tin, khi có tình hình mới vẫn họp chi bộ. Đặc biệt, đảng viên vẫn “đóng đảng phí” hàng tháng!. “Không biết từ bao giờ, Đảng bộ ở nhà tù quy ước dùng cọng cỏ thay cho tiền để đóng đảng phí hàng tháng. Mỗi lần ra khỏi buồng giam, người tù - đảng viên ngắt cọng cỏ về để vào túi áo coi như đóng đảng phí. Bạn tù gặp nhau, nếu nhìn thấy túi áo ai có cọng cỏ thì biết người đó là đảng viên”, ông Hiệp kể.


Trước cuộc sống quá khắc nghiệt trong nhà giam, Đảng bộ trong tù quyết định phát động cuộc đấu tranh trên diện rộng, đòi địch chấm dứt đàn áp tù chính trị; phải cải thiện đời sống tù nhân. Cuộc đấu tranh đã bị địch đàn áp rất dã man. Trước tình hình đó, ông Hiệp đã xin được mổ bụng tự sát để nâng cao tính đấu tranh. “Khoảng 18 giờ ngày 28 tháng Chạp năm 1970, tôi dùng 1/2 lưỡi dao lam (cất giữ trong ve áo từ khi còn ở khám Chí Hòa) để rạch bụng. Máu chảy lênh láng nhưng tôi yêu cầu bạn tù không được đắp vết thương, vì như vậy là còn sợ chết, hiệu quả đấu tranh không cao. Đến khoảng 12 giờ đêm, cai ngục cho bác sĩ vào cầm máu, truyền nước cho tôi. Sáng hôm sau, địch nhượng bộ giải quyết một số đòi hỏi của anh em tù nhân, đưa tôi ra bệnh xá để chữa trị vết thương”, ông Hiệp nhớ lại.


Tháng 11-1973, sau Hiệp định Paris, địch đưa ông Hiệp cùng một số bạn tù từ Côn Đảo về Nha Trang, rồi đưa về giam ở Diên Khánh với dự định thả ra rồi thủ tiêu. Lợi dụng sơ hở của địch, ông Hiệp cùng đồng đội đã vượt ngục trở về với cách mạng. Sau năm 1975, ông Hiệp về công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn Phú Khánh. Năm 1978, đang là Bí thư Huyện đoàn Diên Khánh, ông Hiệp tình nguyện tái ngũ, tham gia vào đội quân tình nguyện của tỉnh Phú Khánh sang chiến đấu chống quân diệt chủng tỉnh Mondulkiri của Campuchia đến tháng 4-1979 mới về nước. Sau khi nghỉ hưu năm 2005, ông Hiệp tiếp tục tham gia Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày và Hội Gia đình cơ sở cách mạng TP. Nha Trang.


XUÂN THÀNH