11:01, 19/01/2021

Vũ điệu đón xuân

Khi những tiếng trống múa lân rộn rã hòa cùng những giai điệu xuân, cũng là lúc Đoàn lân - sư - rồng Thọ Phước Đường (thành phố Nha Trang) bước vào cao điểm tập luyện để trình làng vũ điệu đón Tết. Đằng sau những màn biểu diễn mãn nhãn đó là những giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí bị chấn thương...

Khi những tiếng trống múa lân rộn rã hòa cùng những giai điệu xuân, cũng là lúc Đoàn lân - sư - rồng Thọ Phước Đường (TP. Nha Trang) bước vào cao điểm tập luyện để trình làng vũ điệu đón Tết. Đằng sau những màn biểu diễn mãn nhãn đó là những giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí bị chấn thương...

Náo nức chuẩn bị


Cuối năm, góc sân Nhà Thiếu nhi tỉnh rộn ràng tiếng trống hội. Trong nhịp trống dồn, chú lân vươn mình trên cột sắt cao, gật gật đầu chào. Đôi lân dưới đất tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, quay trái, quay phải… thể hiện tiết mục “Lân địa bửu”. Góc kia, rồng vàng khoan thai cúi chào, rồi bay bổng uốn lượn, xoắn ốc, lúc mau lúc khoan vờn đuổi trái châu trong màn “Xích long tranh châu”. Tiếng vỗ tay nổi lên rào rào. Mấy em nhỏ bật cười khanh khách khi chú lân trên giàn “Mai hoa thung” ngồi đu đưa một chân, nghênh đầu, chớp chớp mắt...

 

1

Chồng người chạy liên hoàn trên “Mai hoa thung” được tính đạt điểm độ khó.


Đoàn lân - sư - rồng Thọ Phước Đường do ông Đoàn Đức Phước thành lập đã hơn hai chục năm. Để có cái lắc đầu hay bước nhảy thanh thoát, chính xác của con lân, các thành viên phải chăm chỉ tập luyện ít nhất 3 tối/tuần, liên tục nhiều tháng, nhiều năm, đổ không ít mồ hôi, nước mắt, thậm chí bị chấn thương. Múa lân luôn cần 2 người, 1 người múa đầu, 1 người múa đuôi lân và phải khỏe mạnh, ăn ý trong từng động tác để thể hiện được điệu bộ dũng mãnh của lân khi tranh lộc, vẻ đùa giỡn của lân khi chơi với trẻ em; thể hiện được thần thái của lân khi đứng, ngồi, nằm, chồm lên, thu mình… Muốn vậy, họ phải tập luyện rất kỹ những tấn pháp phổ biến dùng khi múa lân như: Trung bình tấn, hạc tấn, đinh tấn, xà tấn, tọa tấn... Người đánh trống, chiêng cũng phải luyện cho âm thanh phát ra thật rộn ràng, hòa quyện với động tác của lân khi vờn, lúc ngủ, khi giận dữ hay nũng nịu… Tất cả đòi hỏi sự phối hợp ăn ý của từng cặp lân, cả đội lân, giữa trống, chiêng với lân và ngược lại.

Gạt những giọt mồ hôi trên trán sau hơn chục lần tập đinh tấn, em Nguyễn Văn Quang (15 tuổi) vui vẻ nói: “Em đam mê múa lân từ nhỏ, càng lớn càng ghiền. Em thích cảm giác con lân oai vệ bay nhảy trên cao rất ngầu! Luyện tập cực thật, nhưng em được thỏa mãn đam mê múa lân và mang đến niềm vui cho mọi người”.


Tuyệt kỹ trên “Mai hoa thung”


Bước lên giàn “Mai hoa thung” với 21 trụ sắt (cao nhất 2,25m), Quách Minh Vinh (21 tuổi, múa đuôi lân) và Đoàn Nhật Quang (16 tuổi, múa đầu lân) quên hết xung quanh, tập trung thực hiện động tác nâng người nhảy trên đỉnh các trụ sắt. Gần 2 giờ liền, cả hai tập đi tập lại hàng chục lần mà chưa được một vòng như ý. Nhảy xa hàng mét trên cao, tiếp đúng điểm đã khó, thể hiện đúng động tác, tư thế của lân còn khó hơn nhiều. Anh Nguyễn Hải Hà (phường Phước Long, TP. Nha Trang) nhận xét: “Người bình thường ít ai dám đứng trên trụ cao, đừng nói nhảy trúng!”. Nhưng với con mắt người thầy, ông Phước cho rằng, 2 thành viên mới đạt được 2 độ khó. Để diễn được chừng 10 phút, người diễn phải đạt tối thiểu 7 độ khó, lên thung từ trụ tứ cao ngang đầu người; thả thòng nửa trên lân rồi kéo lên; chồng người đi bước lui; xoay người trên thung…

 

Múa lân trên “Mai hoa thung” vẫn là khát khao của nhiều người học múa lân.

Múa lân trên “Mai hoa thung” vẫn là khát khao của nhiều người học múa lân.


 


Múa lân trên giàn “Mai hoa thung” (múa thung) được xem là khó nhất, là đỉnh cao của kỹ thuật múa lân. Nó đòi hỏi 2 người diễn phải phối hợp rất ăn ý. Có lẽ vì vậy, chú lân bay nhảy trên giàn “Mai hoa thung” với các động tác mạo hiểm như đập ống, thả đầu, câu eo, chạy liên hoàn, nhảy xa, chồng người chạy lùi, chồng người quay 180 độ, lộn ngược tiếp đất… đã tạo nên những pha lo lắng thót tim, cuốn hút người xem.


Theo ông Phước, muốn diễn được lân lên “Mai hoa thung”, không tính thời gian tập võ và múa lân bộ (múa trên mặt đất), người diễn cần ít nhất 1 năm rưỡi tập phối hợp đầu, đuôi lân cho khớp. Ban đầu tập di chuyển người, sau đó mặc đồ lân vào và tập từng động tác từ dễ đến khó. Dù vậy, tập thành thạo mới chiếm khoảng 2/10 thành công, bởi vì chỉ cần đôi chút tâm lý, mất tập trung, phối hợp không hài hòa, tai nạn té thung là khó tránh. Đã có người gặp tai nạn do nhảy ngược bị hụt chân; hoặc trượt chân khi phóng tới quá nhanh; quay đáp ống bị mất thăng bằng… Nhưng như vậy chưa đủ! Bên cạnh tập trung thực hiện các kỹ thuật khó, người diễn còn phải chú ý thể hiện thần thái của lân, với 8 bộ: Kinh, nghi, động, tĩnh, hỷ, nộ, ái, ố, để tạo vẻ sống động cho lân trong lúc biểu diễn.

 

Chưa hết, múa thung còn khó gấp bội khi trùm lên đồ hóa trang con lân. Người diễn phải thể hiện các kỹ thuật chính xác tuyệt đối trong điều kiện tầm nhìn hạn chế. Đầu lân thường nặng 3 - 5kg. Người cầm đầu lân phải linh hoạt tung hứng, biểu cảm như con lân đích thực. Người ở đuôi lân bị trùm kín phải trụ vững và hoàn toàn tin tưởng vào người múa đầu lân để nhảy theo tiếng trống. Vì vậy, cả hai phải luyện nhuần nhuyễn đến độ có thể múa theo… quán tính! Vinh chia sẻ: “Mặc đồ lân vào, độ khó tăng lên gấp 3 - 5 lần”. Vinh đã tập võ hơn 1 năm, tập múa lân gần 3 năm, giờ mới được tập lên thung. Ông Phước chốt lại: “Để múa thung phải gan dạ và đam mê; chịu được cường độ luyện tập cao và… chịu được đau. Vì sau khi bị té nhẹ, nếu nghỉ dài ngày, lúc tập lại sẽ quay về điểm xuất phát. Nhưng chính sự dày công tập luyện và kỹ thuật biểu diễn ngoạn mục mới khiến múa thung hấp dẫn”.

 

Luyện tập tiết mục “Xích long tranh châu”.

Luyện tập tiết mục “Xích long tranh châu”.


 

Sau nhịp trống lân…

 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Đoàn lân - sư - rồng Thọ Phước Đường không chỉ đóng góp biểu diễn trong những sự kiện của TP. Nha Trang mà còn tham gia các sự kiện văn hóa - thể thao của tỉnh nhiều năm qua. Hoạt động múa lân - sư - rồng góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của du khách và người dân mỗi độ Tết đến, xuân về. Đây cũng là một trong những hoạt động giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

6 năm trước, khi đang luyện võ, anh Trương Thành Trọng (29 tuổi) bị chấn thương cột sống cổ. Cũng từ đó, anh phải dừng múa thung, cho dù đã trải qua 14 năm luyện võ, tập múa lân. Nhưng với anh, đam mê đã ngấm vào máu, không thể bỏ. Anh vẫn tập tiếp, dù chỉ được múa lân bộ. Một thành viên lâu năm cho biết, chấn thương lân - sư - rồng chủ yếu do té thung; gãy tay, gãy xương vai không hiếm nhưng họ vẫn theo đuổi vì niềm đam mê. Vinh lý giải: “Mong muốn chinh phục vẫn lớn hơn. Khi múa thung, cảm giác được mọi ánh mắt ngước nhìn, được nghe tiếng vỗ tay là thấy ham. Chỉ cần đam mê và được sống với đam mê là đủ!”. Quang kể: “Lần đầu lên thung, thầy bảo nhảy, em xin xuống vì sợ. Nhảy lần đầu em bị tét chân nhưng tập 1 - 2 tháng lại ham. Mỗi lần té lại muốn nhảy lại bằng được”. Ngô Phi Khánh (14 tuổi) cũng khẳng định chắc nịch sau 3 tháng tập múa lân: “Nhảy trên cao sợ thật nhưng em vẫn muốn tập đến ngày được lên thung. Đây cũng là nét văn hóa đẹp cần gìn giữ”.


Chia tay các thành viên trong mưa xuân lất phất, chúng tôi thấy ánh mắt háo hức của mấy em nhỏ đang xem chú lân sặc sỡ vờn múa trong tiếng trống chiêng giục giã. Nếu không gặp gỡ họ, thật khó biết rằng, đằng sau màn diễn sinh động, đầy hào hứng đó, là những lưng áo đẫm mồ hôi, cả những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tập luyện. Tất cả chỉ để thỏa niềm đam mê…


TIỂU MAI - THANH TRÚC