11:12, 04/12/2020

Vắng dần… những ngôi nhà dài

"Những ngôi nhà dài như tiếng chiêng", đó là một câu văn trong sử thi Đam San. Nhưng giờ đây, khi tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà của đồng bào Ê đê, mới thấy, những ngôi nhà như vậy đã dần thưa vắng…
 

“Những ngôi nhà dài như tiếng chiêng”, đó là một câu văn trong sử thi Đam San. Nhưng giờ đây, khi tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà của đồng bào Ê đê, mới thấy, những ngôi nhà như vậy đã dần thưa vắng…
 
Nét văn hóa của người Ê đê
 
Mỗi lần đến xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa), nơi đồng bào Ê đê sống tập trung, tôi luôn có những cảm xúc thật lạ mỗi khi lặng ngắm những ngôi nhà dài. Giữa không gian núi rừng, những ngôi nhà dài vươn mình chở che cho biết bao thế hệ người dân nơi đây. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông Y Tài (thôn Buôn Đung) tỏ rõ niềm tự hào khi nói tới những ngôi nhà dài: “Người Ê đê theo mẫu hệ và ngôi nhà dài thể hiện rõ nhất nét đặc trưng đó. Ngôi nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình gồm nhiều thế hệ. Trong nhà, từ cái cầu thang đến mỗi cây cột, xà nhà đều gắn liền với những biểu tượng của người mẹ. Con gái lớn lên, đi bắt chồng về chung sống thì ngôi nhà được nối thêm gian. Nhà càng nhiều con gái thì càng dài. Trước đây có nhà dài cả trăm mét vì có nhiều thế hệ cùng sống”. 

 

Những ngôi nhà dài ở thôn Buôn Lác nhìn từ trên cao.
Những ngôi nhà dài ở thôn Buôn Lác nhìn từ trên cao.
 
Những ngôi nhà dài của đồng bào Ê đê nơi đây hầu hết đều được làm từ gỗ. Sàn nhà không quá cao, mặt sàn và vách được ghép từ những tấm gỗ. Kết cấu khung nhà vững chắc với hệ thống cột được nối với nhau bằng những dầm ngang mà người dân gọi là đê. Cứ hai cột ngang được nối với nhau bằng một thanh đê và khi nối thêm chiều dài căn nhà cũng đồng nghĩa với thêm một cặp cột. Mái nhà lợp bằng ngói đất, có hệ thống thanh đỡ chắc chắn. Nhìn từ xa, hình dáng ngôi nhà tựa như một con thuyền. Bên trong nhà dài được chia theo chiều dọc gồm hai phần. Từ cửa chính đi vào là một gian nhà rộng gọi là Gah, phần còn lại gọi là Ôk. Gah là nơi được gia chủ dùng để tiếp khách, để tổ chức các hoạt động quan trọng trong gia đình. Vậy nên ở Gah có dãy ghế dài cho khách ngồi đánh chiêng, có chỗ để đặt những cọc gỗ trong các lễ cúng của gia đình và có cả những chỗ đặt các vật dụng quý. Còn Ôk là không gian riêng tư sinh hoạt cho người trong nhà. “Ngôi nhà của tôi được làm từ thời tôi còn con gái, giờ tôi đã hơn 70 tuổi rồi. Ở nhà sàn trời nắng thì mát mẻ, trời mưa thì ấm áp, thích lắm. Đặc biệt, mỗi dịp gia đình có việc, mọi người trong nhà, trong làng lại quây quần bên nhau rất tình cảm”, bà H’Tua - thôn Buôn Tương cho biết. 

 

Bên trong ngôi nhà dài của bà H’Út.
Bên trong ngôi nhà dài của bà H’Út.
 
Trong đời sống của đồng bào Ê đê, ngôi nhà dài là niềm tự hào bởi nó thể hiện vị thế của mỗi gia đình trong buôn. Gia đình giàu có, ở khu vực không gian chung sẽ có nhiều vật dụng quý như cồng chiêng, chum ché rượu cần, nồi đồng. Trong nhà cũng thường diễn ra các hoạt động cúng tế, hội họp mời mọi người trong buôn làng đến dự. Vậy nên, sinh hoạt bên trong ngôi nhà dài cũng mang màu sắc cộng đồng khá đậm nét. Đêm đêm, đại gia đình quây quần sum họp bên bếp lửa. Đàn bà dệt vải, thêu thùa, ru con; đàn ông sửa lại nông cụ; người già kể sử thi, đọc truyện thơ cho con trẻ. Cũng trong không gian đó, các lễ nghi, tập tục văn hóa của người Ê đê được thể hiện trọn vẹn. “Nhà nào có điều kiện, thường tổ chức các lễ cúng lúa mới, cúng thần nước, cúng gia tiên hoặc các buổi lễ chẵn năm cho trẻ, lễ ăn hỏi, lễ cưới cho con gái… Mỗi lần như thế, mọi người lại tập trung đánh chiêng, uống rượu cần, nghe người già kể chuyện rất vui”, ông Y Tài cho biết. 
 
Nỗi lo mai một
 
Đem câu chuyện về những ngôi nhà dài, chúng tôi đến gặp ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây, là một người có nhiều tâm huyết với vốn văn hóa của đồng bào Ê đê nơi đây. Không giấu được tiếng thở dài, ông Y Hy cho biết, trước đây, đồng bào Ê đê ở Buôn Tương, Buôn Đung, Buôn Lác, Buôn Sim đều sống trong những ngôi nhà dài. Tùy điều kiện kinh tế từng gia đình mà có những ngôi nhà nhỏ, nhưng cũng có những ngôi nhà dài mấy chục mét. Bây giờ, chỉ có thôn Buôn Lác, người dân còn giữ lại được nhiều ngôi nhà dài, các thôn còn lại số lượng nhà dài không còn bao nhiêu. “Những năm gần đây, nhiều ngôi nhà dài đã bị người dân dỡ bỏ để xây nhà gạch. Một phần do nhà đã lâu năm, gỗ mục nát mà người dân không thể mua gỗ về thay thế được. Nhưng đáng ngại hơn, lớp trẻ chịu ảnh hưởng của lối sống bên ngoài nên đã không còn thích sống trong những ngôi nhà dài. Vậy nên, ngày càng nhiều ngôi nhà gạch mọc lên và bóng dáng những ngôi nhà dài dần ít đi”, ông Y Hy tâm sự. 

 

Căn nhà gạch đang xây bên cạnh ngôi nhà truyền thống.
Căn nhà gạch đang xây bên cạnh ngôi nhà truyền thống.
 
Nhà dài của bà H’Út được xem là đẹp nhất thôn Buôn Lác. Ngôi nhà làm từ trước ngày giải phóng, đến nay chất gỗ vẫn còn tốt. Bản thân bà H’Út rất hãnh diện khi nói về ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, chị H’Chí - con gái của bà lại thích được ở trong những ngôi nhà gạch như các gia đình xung quanh. “Tôi đi bắt chồng về ở với mẹ trong ngôi nhà này vừa theo tục lệ, vừa là do điều kiện kinh tế. Vợ chồng tôi vẫn mong muốn sau này có điều kiện xây ngôi nhà gạch để ở”, chị H’Chí chia sẻ. 
 
Hoặc như câu chuyện về ngôi nhà dài của ông Y Tài, cách đây 3 năm, chúng tôi từng ở lại, uống rượu cần, chụp hình lưu niệm với gia chủ. Giờ đây, ngôi nhà ấy đã bị phá bỏ hoàn toàn. Một phần gỗ được tận dụng để làm ngôi nhà tạm, trên nền đất cũ giờ là căn nhà cấp 4. “Nhà xuống cấp quá, lại không có gỗ để thay thế, trong khi tôi già cả, khó khăn. Ngay cả căn nhà cấp 4 này cũng được chính quyền xây cho theo diện chính sách”, ông Y Tài cho biết. Còn với ông Y Hy, trước thực trạng những ngôi nhà dài đang dần mất đi, ông cũng đã tích cực vận động bà con giữ lại, nhưng lực bất tòng tâm. Vậy nên, ông chỉ mong muốn có điểu kiện mua lại một ngôi nhà dài của đồng bào về dựng lại trên đất nhà mình để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người Ê đê. 
 
Thời gian gần đây, một số người nơi khác đến Ninh Tây đặt vấn đề mua lại nhà dài. Họ muốn mua lại những ngôi nhà đẹp, gỗ còn tốt để làm quán cà phê, nhà vườn… Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ làm công tác văn hóa của thị xã Ninh Hòa cho rằng, đây là tài sản riêng nên người dân có quyền quyết định. Ở góc nhìn văn hóa, tuy có đáng tiếc trước sự mai một này, nhưng cũng không thể can thiệp. Những ngôi nhà dài cũng không nằm trong diện di sản cần được bảo tồn. Vậy nên, địa phương cũng chưa có một chính sách nào liên quan đến việc gìn giữ, sửa chữa những ngôi nhà dài cho người dân. 
 
Giang Đình - Vĩnh Thành