11:12, 30/12/2020

Kỳ 2: Trách nhiệm thuộc về ai?

Chuyện "quên" tái bổ nhiệm cho 67 cán bộ quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là chưa từng có tiền lệ. Qua đó cho thấy, công tác cán bộ ở cơ sở lâu nay chưa được xem trọng.

 

Kỳ 2: Trách nhiệm thuộc về ai?

 

Chuyện “quên” tái bổ nhiệm cho 67 cán bộ quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là chưa từng có tiền lệ. Qua đó cho thấy, công tác cán bộ ở cơ sở lâu nay chưa được xem trọng.


Nguyên nhân của sự tắc trách


Để tìm câu trả lời cho sự việc “xưa nay hiếm” trong công tác cán bộ, chúng tôi làm việc với lãnh đạo Phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa. Trong phòng làm việc, ông Lê Quang Thạch - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa ngồi vò đầu, bứt tai rất lâu khi phóng viên đề cập đến sự tắc trách khi “quên” tái bổ nhiệm 67 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Sau nhiều lần thở dài, ông Thạch giãi bày: “Để xảy ra sự việc này là lỗi thuộc về Phòng GD-ĐT. Vấn đề này đã diễn ra từ nhiều thế hệ lãnh đạo trước, bản thân tôi khi đó đã thấy được mức độ nghiêm trọng, có góp ý với trưởng phòng nhưng sự việc không được giải quyết thấu đáo. Ngày đó, người phụ trách công tác tổ chức nói là thất lạc hồ sơ bổ nhiệm của các trường gửi lên, nhưng thực chất là mất hồ sơ. Nguyên nhân này khiến cho công tác tái bổ nhiệm bị chậm và quá thời gian quy định. Chính vì vậy, việc tái bổ nhiệm bị gác lại vô thời hạn. Cái sai sau chồng lên cái sai trước và hậu quả mới xảy ra sự việc 67 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được tái bổ nhiệm”. Ông Thạch cho biết, năm 2018, khi được bổ nhiệm làm trưởng phòng, nhận thấy việc chậm bổ nhiệm lại đối với nhiều cán bộ quản lý trường học là sai nguyên tắc cán bộ nên quyết định báo cáo và làm tờ trình xin chủ trương từ cấp trên.

 

Trường THCS Võ Thị Sáu (Ninh Ích) đang có hiệu trưởng bị chậm bổ nhiệm lại gần 8 năm.

Trường THCS Võ Thị Sáu (Ninh Ích) đang có hiệu trưởng bị chậm bổ nhiệm lại gần 8 năm.


Để xảy ra sự việc này, không chỉ lỗi riêng của Phòng GD-ĐT mà là lỗi cả hệ thống. Công tác cán bộ đã không được Phòng Nội vụ, cao hơn là UBND thị xã kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thực hiện không theo quy định. Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa thừa nhận, tuy UBND thị xã đã ủy quyền cho Phòng GD-ĐT thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý trường học nhưng lại không kịp thời kiểm tra, giám sát nên mới để xảy ra sự việc kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ. Bản thân một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi hết thời hạn bổ nhiệm cũng không làm hồ sơ trình Phòng GD-ĐT thị xã.


Vai trò tập thể không được phát huy


Trong quá trình đi tìm bản chất của sự việc, điều khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều nhất chính là câu hỏi tại sao công tác cán bộ rất quan trọng nhưng lại để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy? Bên cạnh giám sát của cấp trên còn có chi bộ, đảng bộ và tập thể giáo viên của các trường. Vậy nhưng, việc “quên” tái bổ nhiệm vẫn diễn ra kéo dài suốt nhiều năm. Phải chăng, công tác cán bộ trong lĩnh vực giáo dục tại thị xã Ninh Hòa đang bị xem nhẹ?


Qua làm việc với nhiều cá nhân bị chậm tái bổ nhiệm cho thấy, công tác cán bộ tại các trường lâu nay chưa thực sự được quan tâm. Nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thừa nhận chỉ quan tâm đến công tác chuyên môn, vấn đề công tác cán bộ đôi khi không sâu sát. Thậm chí, khi chúng tôi đặt vấn đề công tác cán bộ hàng năm của cấp ủy, thầy Nguyễn Ngọc Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Ninh Ích), người bị chậm tái bổ nhiệm gần 8 năm vô tư cho biết: “Hàng năm, trong báo cáo công tác cán bộ, trường không báo cáo Đảng ủy xã. Đảng ủy có hỏi đâu mà báo cáo, chỉ khi nào lấy ý kiến để bổ nhiệm, tái bổ nhiệm mới báo cáo xin ý kiến”.


Bản thân Đảng ủy xã, nơi có các trường hợp cán bộ bị chậm tái bổ nhiệm khi nhận được báo cáo về sự việc cũng không có động thái xử lý. Thầy Lâm Thành Nghiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây cho biết: “Hàng năm, trong báo cáo của chi bộ về phần công tác cán bộ gửi Đảng ủy xã đều có báo cáo đầy đủ về việc bị chậm tái bổ nhiệm. Tuy nhiên, phía Đảng ủy cũng chỉ nhắc nhở sơ sơ”.


Theo nhiều hiệu trưởng, vấn đề mấu chốt đều nằm ở sự nể nang. Dù thấy sai nguyên tắc nhưng người này nể người kia, cấp dưới nể cấp trên nên vai trò tập thể không được phát huy, công tác giám sát cũng vì thế mà lu mờ. Điều đáng nói, có giai đoạn việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của Phòng GD-ĐT thị xã chưa làm tốt việc hiệp thương với Đảng ủy địa phương. “Chính vì nể nang, qua loa nên cái sai nhỏ thành cái sai lớn, cứ thế càng ngày sự việc càng nghiêm trọng hơn. Nếu chỉ cần một cơ quan làm nghiêm ngặt thì chắc chắn không bao giờ có chuyện để việc chậm tái bổ nhiệm diễn ra trong thời gian dài như vậy và sẽ không có những sai sót đáng tiếc xảy ra”, ông Thạch khẳng định.


Gian nan giải quyết


Để xảy ra sự việc này, trách nhiệm thuộc về ai cơ bản đã rõ. Song, để có thể giải quyết dứt điểm là điều không hề đơn giản. Với những người còn đủ tuổi bổ nhiệm hoặc thời gian chậm bổ nhiệm lại ít sẽ có hướng giải quyết, còn các trường hợp “quên” tái bổ nhiệm cách đây hơn cả nhiệm kỳ thì không hề dễ dàng. “Với trách nhiệm người đứng đầu, mặc dù cấp trên có xử lý trách nhiệm bản thân như thế nào, tôi cũng quyết định đưa sự việc ra làm lại cho đúng”, ông Thạch nói với chúng tôi về hướng khắc phục. Nhưng theo ông Thạch, cái khó bây giờ là không biết căn cứ vào đâu để bổ nhiệm lại. Bây giờ, các quyết định bổ nhiệm lần đầu đối với những thầy, cô này đã hết hạn nhiều năm nên không thể căn cứ vào quyết định bổ nhiệm đã hết hạn đó để tiến hành các thủ tục bổ nhiệm lại.


Hướng giải quyết ra sao đối với 67 trường hợp bị chậm bổ nhiệm kéo dài nhiều năm thực sự rất khó. Bản thân ông Nguyễn Vĩnh Thạnh cũng đang đau đầu không biết sẽ xử lý như thế nào để vừa đúng quy định của pháp luật, vừa hợp tình. UBND thị xã đã tham khảo ý kiến của các sở, ngành chuyên môn và đang xin ý kiến Ban Thường vụ Thị ủy Ninh Hòa, đề xuất hướng giải quyết đối với những trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện bổ nhiệm (năng lực, độ tuổi, uy tín) theo hướng bổ nhiệm lại từ đầu. “Cái khó đang nằm ở các trường hợp không đủ điều kiện để bổ nhiệm, thường là các thầy, cô sắp nghỉ hưu, không còn đủ nhiệm kỳ 5 năm, UBND thị xã cũng không thể ban hành quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với các trường hợp này do trước đó chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại. Về vấn đề này, UBND thị xã đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn tập trung tham mưu hướng giải quyết. Họ đã làm lãnh đạo nhiều năm nay, bây giờ không đủ điều kiện để bổ nhiệm thì sắp xếp thế nào cho hợp lý là điều không đơn giản”, ông Thạnh phân vân.


Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 67 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ được UBND thị xã Ninh Hòa tập trung giải quyết trong quý I/2021. Đây thực sự là bài học trong công tác cán bộ và hệ quả của nó có thể khiến một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không thể tiếp tục giữ chức vụ.


Đình Lâm - Hồng Đăng