11:11, 13/11/2020

Ngư dân thời 4.0

Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, ngư dân Khánh Hòa ngày càng quan tâm đầu tư nâng cấp tàu thuyền, trang thiết bị đáp ứng cho những chuyến biển an toàn và hiệu quả.

Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, ngư dân Khánh Hòa ngày càng quan tâm đầu tư nâng cấp tàu thuyền, trang thiết bị đáp ứng cho những chuyến biển an toàn và hiệu quả.

 

Đội tàu đánh bắt xa bờ neo đậu  tại cảng Hòn Rớ.

Đội tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng Hòn Rớ.


 

Trang bị đầy đủ thiết bị hàng hải


Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm một số tàu cá ở cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang). Sau khi đôn đốc bạn thuyền chuẩn bị cho chuyến khơi xa, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thạnh (tàu KH 98417 TS) mời chúng tôi vào cabin, bật công tắc màn hình và chậm rãi giới thiệu về các thiết bị hàng hải trên tàu: Đây là máy định dạng Sunhang nhằm xác định chướng ngại vật phía trước con tàu khi chúng còn cách xa hàng chục kilômét. Kia là máy định vị Haiyang (đều của Hàn Quốc) cho biết tàu đang ở đâu trong vùng biển, vị trí, tọa độ thế nào để thuyền trưởng có thể điều khiển con tàu chủ động tránh bão, không đi vào vùng cấm… Tàu còn được trang bị máy bộ đàm I-com, thiết bị giám sát hành trình để kết nối liên lạc với đất liền. Ông Thạnh khoe, nhờ có các thiết bị này mà tàu của ông tránh được bão. “Năm 2018, tàu chúng tôi đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa thì một cơn bão tiến vào khu vực đảo Song Tử Tây, Song Tử Đông. Nếu lúc này chúng tôi đi vào âu thuyền Song Tử Tây thì sẽ “dính” bão, nhưng nhờ thiết bị định vị, chúng tôi đã mở hết tốc lực chạy xuống phía nam. Tàu chạy được 120 hải lý thì bão đuổi tới. Lúc này, sức gió đã giảm còn cấp 7 - 8 nên tàu chỉ bị ảnh hưởng nhẹ vì đã đi ra phần rìa của bão”, ông Thạnh chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Xuân Thạnh giới thiệu về hệ thống giám sát hàng hải.

Ông Nguyễn Xuân Thạnh giới thiệu về hệ thống giám sát hàng hải.


Ở một tàu cá khác, thuyền trưởng Nguyễn Văn Phụng (phường Vĩnh Trường) giải thích cho chúng tôi hoạt động của các loại máy dò cá: Máy dò đứng Furuno sóng quét theo chiều thẳng đứng, phát hiện đàn cá theo độ sâu tối đa 50m; máy dò ngang Hodex (đều của Nhật Bản) sóng quét chiều ngang, phát hiện đàn cá ở bán kính tối đa 1.000m. Chỉ vào màn hình, vị thuyền trưởng giải thích: “Khi quét, màn hình hiển thị vòng ngoài cùng đặc trưng cho địa hình đáy biển. Các vòng bên trong là các điểm gần con tàu. Tùy theo năng lực, máy dò càng lớn càng đắt tiền, khả năng phát hiện đàn cá càng cao. Hiện nay, thị trường bán cả loại máy dò chụp, quét 3600, trị giá hàng tỷ đồng, có năng lực dò cá rất tốt”.  

 

Theo nhiều ngư dân, những năm gần đây, đội tàu cá của tỉnh trang bị được nhiều loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa như: máy thu lưới vây, máy thu - thả câu cá ngừ đại dương… vừa giảm sức lao động, vừa nâng cao hiệu quả khai thác. Đặc biệt, các thiết bị điện tử hàng hải hiện đại được ngư dân quan tâm lắp đặt, sử dụng như: máy dò cá, máy định vị, ra-đa hàng hải, điện thoại vệ tinh, máy nhận dạng tự động…, đảm bảo an toàn cho việc khai thác trên biển.


Hiện thực hóa giấc mơ phát triển nghề khai thác thủy sản


Trong ngôi nhà 7 tầng, phía trên thiết kế nhà yến, dưới là văn phòng làm việc, ông Lê Văn Quyền (Vĩnh Trường) kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời “chìm nổi” của mình. Vào đời bằng hai bàn tay trắng, ông đã làm đủ thứ nghề từ đạp xích lô, bốc vác, thợ cơ khí…, thậm chí lặn lội ra Quảng Bình đi biển, thiết kế đèn điện cho ngư dân đánh bắt đạt sản lượng cao. Tích lũy được chút vốn, ông sắm chiếc tàu 30CV nhưng rồi cũng thất bại và quay lại con đường làm thuê. Dấu mốc khiến cuộc đời ông thay đổi là chuyến đi Trung Quốc học hỏi về nghề làm mành chụp. Sau khi học được nghề này, về Nha Trang, ông dồn vốn đầu tư tàu gỗ làm mành chụp, rồi làm ăn liên tục thắng lợi. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư 4 con tàu, có công suất từ 560 đến 1.100CV. Trên tàu trang bị đầy đủ từ thiết bị hàng hải đến máy móc khai thác như: Ra-đa, máy dò cá, máy định vị, giám sát hành trình; hệ mành chụp với ngư lưới cụ, tangon trị giá 1,2 tỷ đồng/giàn/tàu, máy chính 1.100CV, máy cấp đông, máy chạy bảo quản hải sản…

 

Ông Nguyễn Văn Phụng giải thích về hệ thống máy dò cá.

Ông Nguyễn Văn Phụng giải thích về hệ thống máy dò cá.

 

Lái thuyền máy đưa chúng tôi ra tham quan con tàu composite, ông Trần Ngọc Đông (Hòn Rớ, xã Phước Đồng) không khỏi tự hào về đội tàu của mình. 49 tuổi, 32 năm bám biển, sau bao nhiêu thăng trầm, đến nay, ông đã có 9 con tàu, trong đó có 1 chiếc vỏ composite 400CV. Tất cả tàu cá của ông đều được trang bị máy móc, thiết bị khá hiện đại phục vụ việc đánh bắt xa bờ.

 

Nghị định 17 của Chính phủ quy định: Hỗ trợ ở mức 35% giá trị đầu tư đối với đóng mới tàu cá 800 - 1.000CV (nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu); từ 1.000CV trở lên (không quá 8 tỷ đồng/tàu); tàu vỏ composite từ 800CV trở lên không quá 6,7 tỷ đồng/tàu…

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 748 tàu đánh bắt xa bờ, với các ngành nghề chính như: Nghề lưới cản khơi, sản lượng trung bình 7 - 12 tấn/chuyến biển; nghề câu cá ngừ đại dương, sản lượng 0,7 - 1,5 tấn/chuyến; nghề mành chụp, sản lượng 17 tấn/chuyến; nghề vây khơi, sản lượng 10 tấn/chuyến. Ngư trường truyền thống của các đội tàu này là khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1. Hiện nay, đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh đang phát triển theo hướng hiện đại, công suất lớn, sử dụng thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại, đáp ứng năng lực đánh bắt xa bờ, phòng, chống thiên tai. Thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, toàn tỉnh có 31 tàu composite và tàu vỏ thép được đóng mới. Thực hiện Nghị định 17 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, Khánh Hòa có thêm 6 tàu composite được đóng mới. Đội tàu đánh bắt xa bờ hành nghề mành chụp hay câu cá ngừ đại dương đang chuyển dần từ sử dụng đèn siu (đèn cao áp truyền thống) sang đèn led để tiết kiệm nhiên liệu; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 85% số lượng tàu, máy dự báo thời tiết, ra-đa hàng hải đạt 100% số lượng tàu…


Ông Lê Đình Khiêm - Trưởng phòng Tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản cho biết, định hướng những năm tới là giảm cường độ khai thác; tăng tỷ trọng nuôi biển; hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ; giảm, cấm tàu cá hoạt động gây ảnh hưởng môi trường, lạm sát thủy sản như nghề giã cào. Ngành khai thác cũng khuyến khích ngư dân đầu tư hầm bảo quản và phương pháp bảo quản hiện đại phục vụ sơ chế sản phẩm trên biển nhằm bảo đảm chất lượng, tăng giá thành sản phẩm. Tỉnh cũng có văn bản đề nghị Trung ương cho phép tỉnh hỗ trợ 50% máy, 50% tiền cước (điện thoại vệ tinh) từ ngân sách tỉnh cho tàu cá để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển…


Vĩnh Lạc