07:06, 21/06/2020

Nghề báo - những năm tháng không quên

Ở tuổi 79, nhà văn Cao Duy Thảo vẫn nhớ như in những năm tháng viết văn, làm báo thời kháng chiến chống Mỹ. Tập kết ra Bắc năm 1955, sau khi tốt nghiệp Trường Điện ảnh, cuối năm 1966, ông hăm hở trở lại miền Nam. Hai tháng trời ròng rã đi bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh (có đoạn phải vòng qua Lào), ông mới đến được Khu ủy Khu V (đóng ở Quảng Nam) và được phân về làm ở Tạp chí Văn nghệ Giải phóng.

Làm báo ở chiến trường Khu V

 

Ở tuổi 79, nhà văn Cao Duy Thảo vẫn nhớ như in những năm tháng viết văn, làm báo thời kháng chiến chống Mỹ. Tập kết ra Bắc năm 1955, sau khi tốt nghiệp Trường Điện ảnh, cuối năm 1966, ông hăm hở trở lại miền Nam. Hai tháng trời ròng rã đi bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh (có đoạn phải vòng qua Lào), ông mới đến được Khu ủy Khu V (đóng ở Quảng Nam) và được phân về làm ở Tạp chí Văn nghệ Giải phóng.

 

Nhà văn Cao Duy Thảo (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng các nhà báo Mỹ.

Nhà văn Cao Duy Thảo (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng các nhà báo Mỹ.


Lật album xem lại những tấm ảnh kỷ niệm một thời đạn lửa, nhà văn Cao Duy Thảo kể: Ở Khu V trong thời kháng chiến chống Mỹ có 4 tờ báo được Khu ủy cho phép phát hành: Báo cờ giải phóng của Đảng bộ Khu V, Tạp chí Văn nghệ Quân khu V, Tạp chí Văn nghệ Giải phóng của Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Trung bộ và hoạt động của Phân xã Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đặt ở đây. Ba tờ đầu là báo giấy, in chữ chì; còn tờ thứ tư gần giống báo điện tử ngày nay, tin bài do Phân xã điện ra Hà Nội xử lý lên bản tin của TTXVN.


Trong hoàn cảnh chiến trường khó khăn, nhất là thiếu giấy in, nên tạp chí không xuất bản định kỳ mà phải vài ba tháng mới ra một số. Ban biên tập (nằm bên cơ quan Tiểu ban Văn nghệ trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu V) phân công luân phiên trực tạp chí và cử người đến cơ sở in để theo dõi, chấm mo-rát khi báo lên khuôn. Nhà in đóng trong rừng, quy mô nhỏ, vận hành theo lối thủ công từ khâu sắp chữ, lăn mực… đến khâu dập khuôn in ra giấy rồi đóng xếp lại sản phẩm đều phải làm bằng tay. Công nhân in khoảng hơn 10 người, ngoài việc in báo cho cả 3 tờ báo in, nhà in còn chịu trách nhiệm in sao tài liệu Khu ủy khi có yêu cầu. “Tôi còn nhớ tạp chí số 1 in khá trang trọng trên giấy Bãi Bằng (được chi viện từ miền Bắc). Những kỳ tiếp theo không phải lúc nào cũng có được thứ giấy “hạng sang” đó, nhiều số phải in cả trên giấy kẻ ca rô dùng cho trẻ con tập viết được mua dưới đồng bằng mang lên. Nhờ có đội ngũ giao liên, các số tạp chí đã được trao tận tay bạn đọc khắp các vùng miền Khu V. Nhiều tác phẩm được bạn đọc lúc bấy giờ rất chú ý”, nhà văn Cao Duy Thảo nhớ lại.

 

Nhà báo Hà Bình tại chiến trường Phú Yên  năm 1973.

Nhà báo Hà Bình tại chiến trường Phú Yên năm 1973.


Tuy là báo chuyên về văn nghệ nhưng do yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thời chiến, nên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng rất chú trọng đến các thể loại có khả năng phản ánh nhanh cuộc sống lao động của quân dân ta như ghi chép, phóng sự, bút ký… Để đáp ứng yêu cầu đó, các chiến sĩ văn nghệ đã vượt khó, bám sát cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Nhiều nhà văn, nhà báo đã hy sinh khi đi công tác. Có lần từ Quảng Ngãi trở về, đơn vị đã di chuyển đến địa điểm mới, nhà văn Cao Duy Thảo đành ở lại điểm cũ và được “đón chào” bằng một trận bom B52. May mà có hầm trú ẩn nên ông không bị thương tích.


Thời đó, không chỉ viết cho Tạp chí Văn nghệ Giải phóng, ông cùng nhiều đồng đội, đồng nghiệp còn cộng tác với Phân xã TTXVN. Trong tác phẩm Bê Trọc, nhà báo Việt Long - phóng viên TTXVN ở chiến trường Khu V thời ấy kể lại: “Ngày 17-11-1972, nhận được bài ghi nhanh “Lòng dân đã quyết” của Dao Thủy (tức Cao Duy Thảo ở Tiểu ban Văn nghệ) từ Bình Định gửi về, ghi lại vài nét dư luận và hành động hưởng ứng tuyên bố ngày 26-10 (về việc Mỹ lật lọng ở đàm phán Paris, quay lại ném bom miền Bắc) của Chính phủ ta. Bài ghi nhanh ngắn, những chi tiết cũng bình thường, nhưng tôi và anh Đảo (phụ trách Phân xã) đánh giá rất cao. Khi Chính phủ ta mới ra tuyên bố, chúng tôi rất mong có một bài như thế. Ở đây thể hiện sự nhạy bén của người làm báo, thông tấn. Chỉ cần một vài bài nhạy bén chính trị như thế là đã có thể đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của Đảng trong từng giai đoạn, hơn cả những bài dài dòng…”.

 

Nhà văn Cao Duy Thảo đang xem lại ảnh tư liệu về những năm tháng  viết văn, làm báo ở chiến trường Khu V.

Nhà văn Cao Duy Thảo đang xem lại ảnh tư liệu về những năm tháng viết văn, làm báo ở chiến trường Khu V.


Những năm tháng làm báo ở chiến trường Khu V, nhà văn Cao Duy Thảo có rất nhiều kỷ niệm xúc động. Trong chuyến đi vào Bình Định công tác, nhờ cơ sở kết nối, ông đã được gặp lại mẹ già sau 17 năm xa cách. “Trong đêm tối, không nhìn rõ mặt người, má đưa tay rờ rẫm gương mặt của tôi như chưa tin vào sự thật là tôi đã trở về. Cũng đêm đó, tôi nghe má tôi báo tin là ba tôi và anh trai đều đã mất…”.  Ông và các đồng nghiệp từng gặp gỡ phóng viên của Đài CBS của Mỹ, với phóng viên của Nhật Bản khi họ vào quay phim trong khu vực giải phóng sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Họ rất ngạc nhiên, khâm phục khi thấy trong điều kiện thiếu thốn như vậy nhưng những người cách mạng vẫn tổ chức được hoạt động báo chí rất tốt.

Duyên nợ với nghề báo


Cũng thuộc thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, tháng 10-1964, chàng thanh niên Hà Bình từ quê nhà Nam Định đi vào chiến trường Khu V. Đầu năm 1968, ông về hoạt động ở Phú Yên và bị thương trong đợt tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968. Được cho ra Bắc an dưỡng nhưng ông xin ở lại, rồi được điều về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên. “Ông nội và bố tôi, cùng các chú các bác đều làm nghề chụp ảnh, nên tôi cũng biết sơ sơ về nhiếp ảnh. Vì thế, khi về Ban Tuyên huấn tôi nhận nhiệm vụ chụp ảnh”, ông kể về duyên nợ với nghề. Cũng trong thời gian đó, Phân xã TTXVN ở Khu V điều một tổ phóng viên 4 người vào cắm ở Phú Yên, nhưng 1 người bị sốt rét chết trên đường đi, nên ông được điều sang thế chân. “Tôi thường đi cặp với anh Hữu Quả, anh ấy viết còn tôi chụp hình”, nhà báo Hà Bình nhớ lại buổi đầu làm báo. Làm báo ở chiến trường phải luôn sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. Không có buồng tối để rọi ảnh, nên nhà báo Hà Bình và các đồng nghiệp sử dụng hầm tránh đạn để làm buồng tối. Có những lần đại hội thi đua, ông dùng đèn pin và lá cây để rọi ảnh tặng cho các chiến sĩ ngay sau khi chụp.

 

Nghề báo là nghề nguy hiểm. Nghề báo trong chiến tranh càng gian khổ và nguy hiểm hơn… Những câu chuyện về nghề của những nhà báo thời kháng chiến chống Mỹ đã cho thấy những phẩm chất cao quý của người làm báo cách mạng.

Năm 1970, chiến trường mở rộng, nhóm phóng viên TTXVN được rút về Khu V, nhà báo Hà Bình trở lại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên nhưng vẫn công tác như phóng viên của TTXVN. “Không còn người viết, nên tôi vừa chụp ảnh, vừa viết tin bài rồi gửi đi. Hồi đó, tôi có nhiều bài viết đăng trong mục Sổ tay chiến sự… Nhiều hôm nghe tin của mình được đọc trên đài mà đầy cảm xúc”, ông kể. Năm 1969, khi Bác Hồ mất, cả nước gửi những vật liệu quý giá nhất về miền Bắc để xây lăng Bác. Tỉnh ủy Phú Yên quyết định đốn hạ cây gỗ mun lớn ở gần sông Trà Bương, huyện Sơn Hà để gửi ra Bắc, nhà báo Hà Bình chụp lại quá trình khai thác cây gỗ quý này. Năm 1971, bộ đội Phú Yên tấn công vào quận lỵ Củng Sơn (huyện Sơn Hòa ngày nay) để mở rộng vùng giải phóng, nhưng bị địch huy động lực lượng phản kích khiến quân ta bị tổn thất nặng nề, nhà báo Hà Bình cũng bị thương (được chứng nhận thương binh hạng 4/4).


Nằm viện một thời gian, hồi phục sức khỏe, nhà báo Hà Bình lại cuốc bộ đi xuống các vùng giải phóng, vùng giáp ranh để lấy tư liệu, viết tin bài. Cho đến bây giờ, ông vẫn nhớ lần xuống Tuy An nhờ cơ sở cách mạng mua máy phóng ảnh. “Ban ngày tôi ra nằm hầm ở ngoài bãi cát, tối vào làng để hỏi tin tức, suốt một tuần mới nhận được máy. Sau này, tôi mới biết cái máy rọi đó mua của ông Phan Đồng - tiệm ảnh Hưng Đạo ở Tuy Hòa”, nhà báo Hà Bình cho biết. Đầu năm 1975, nhà báo Hà Bình theo đoàn quân tiến về giải phóng thị xã Tuy Hòa và đã ghi lại được nhiều hình ảnh lịch sử, trong đó có bức ảnh quân giải phóng cắm cờ trên Tháp Nhạn. “Hiện nay, Bảo tàng Phú Yên, Bảo tàng cách mạng Việt Nam… còn trưng bày nhiều tác phẩm của tôi. Đời làm báo chỉ cần có sự đóng góp nhỏ như vậy là vui rồi”, nhà báo Hà Bình tự hào.  


Tôi hỏi các nhà văn, nhà báo lão thành, điều gì khiến họ nhớ nhất khi nghĩ về những năm tháng làm báo ở chiến trường. Tất cả đều nói rằng, đó là sự hy sinh của các đồng nghiệp cùng thời. “Họ đã xông pha hết mình với tư thế người trong cuộc. Sự hy sinh của họ rất xứng đáng được tôn vinh như bất cứ tấm gương yêu nước nào đã ngã xuống cho cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước của nhân dân ta”, nhà văn Cao Duy Thảo bày tỏ.

XUÂN THÀNH