01:04, 22/04/2020

Gây nguồn thảo dược

Những năm qua, ở Khánh Hòa, nhiều loài thảo dược được các cá nhân, doanh nghiệp bảo tồn và phát triển thành những vùng rộng lớn. Thực tế này đã và đang mở ra một hướng đi mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiềm năng phát triển kinh tế từ thảo dược, phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Những năm qua, ở Khánh Hòa, nhiều loài thảo dược được các cá nhân, doanh nghiệp bảo tồn và phát triển thành những vùng rộng lớn. Thực tế này đã và đang mở ra một hướng đi mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiềm năng phát triển kinh tế từ thảo dược, phục vụ sức khỏe cộng đồng.


Bảo tồn thảo dược


Những năm qua, ít ai biết, tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang có tồn tại một khu bảo tồn thảo dược rộng lớn. Người quản lý, giữ nguồn gen các loài thảo dược này chính là lương y Từ Đình Hải, chủ nhà thuốc Hiệp Sanh Đường, Hòn Rớ. Vừa trèo lên những con dốc thẳng ngược quanh co, ông Hải vừa giới thiệu cho chúng tôi những cây thảo dược vừa được ông trồng thêm ở ven 2 bên đường dẫn lên đồi. Các loài thảo dược có trong tự nhiên như: thông thiên, gắm, củ đèn, đỏ ngọn, xuyến chi… đang được ông chăm sóc và phát triển ngày càng nhiều tại khu vực này.

 

Ông Hải đã phát hiện một số cây thảo dược mọc hoang có thể làm thuốc cứu người.

Ông Hải đã phát hiện một số cây thảo dược mọc hoang có thể làm thuốc cứu người.


Ông Hải kể, gia đình ông có truyền thống 3 đời nghiên cứu về đông y, bào chế dược liệu để làm thuốc chữa bệnh, cứu người. Thay vì nhập các loài dược liệu về làm thuốc, gia đình đã sử dụng quả đồi của gia đình để bảo tồn và phát triển các loài thảo dược bản địa mọc hoang trong tự nhiên. Theo lời giới thiệu của ông, trong khu vườn của ông có rất nhiều loại cây thân gỗ, dây leo mọc tự nhiên, có giá trị chữa bệnh. Ngoài ra, ông còn sưu tầm nhiều loại cây thảo dược từ các địa phương khác trong tỉnh đưa về trồng để nhân giống, bảo tồn gen. “Ngoài những cây thuốc phổ biến, có những loài, nhiều người chỉ nghĩ đó là cây dại bình thường, nhưng với những người trong nghề thì đó chính là thảo dược quý. Khi cần có thể hái về bào chế thuốc đặc trị một số bệnh”, ông Hải nói.

 

Ông Hải giới thiệu về dây gắm thân gỗ  điều trị bệnh gút.

Ông Hải giới thiệu về dây gắm thân gỗ điều trị bệnh gút.


Trong câu chuyện trồng thảo dược, chúng tôi nhìn thấy cái tâm của người thầy thuốc. Hiện nay, trong khi nhiều người muốn tìm kiếm những ngành nghề có thể đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhanh kiếm ra tiền để làm giàu, thì 20 năm qua, ông Hải đã chọn cho mình một con đường riêng, âm thầm lên núi cần mẫn nghiên cứu, tìm kiếm cây thảo dược để bảo tồn nguồn gen làm thuốc chữa bệnh, cứu người…


Chuyên canh cây thuốc


Từ hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Công ty TNHH trang trại dược liệu Liên Sơn cũng bỏ nhiều tâm huyết, công sức để trồng các loài cây thảo dược ở thôn Ba Cẳng, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh. Vùng đất núi này đã được ông Bình biến thành vùng chuyên trồng thảo dược với các loài như: Sa nhân, gừng, sả, hoài sơn (củ mài), dâu tằm… đang phủ xanh, tươi tốt.

 

Cây sa nhân trồng ở xã Khánh Hiệp đã lên xanh tốt.

Cây sa nhân trồng ở xã Khánh Hiệp đã lên xanh tốt.


Ông Bình chia sẻ, cuộc đời ông đã gắn bó hơn 30 năm với nghề dược, vì vậy, ông luôn đau đáu về việc phát triển các loài cây thảo dược để thay thế cho nguồn dược liệu khai thác từ tự nhiên đang cạn kiệt dần, có loài đã tận diệt. Ông đã có thời gian dài, mày mò tìm hiểu qua nhiều vùng đất núi ở Khánh Hòa và cuối cùng ông chọn Ba Cẳng - nơi có khí hậu phù hợp, tốt cho quá trình phát triển tự nhiên của thảo dược bản địa. “Những loài thảo dược tôi đang nghiên cứu trồng đều có nguồn gốc bản địa. Khánh Hiệp có lượng mưa hàng năm tương đối lớn, độ ẩm cao, đất đai rộng rãi, cách xa khu dân cư, sạch sẽ, yên tĩnh, mát mẻ, trong lành. Như vậy, thảo dược phát triển ít bị tác động tiêu cực về môi trường thì sẽ cho chất lượng cao, mới có giá trị trong bào chế dược liệu”, ông Bình nói.

 

Cây bạc hà đã được trồng thành công trên đất xã Sông Cầu, Khánh Vĩnh.

Cây bạc hà đã được trồng thành công trên đất xã Sông Cầu, Khánh Vĩnh.


Qua 3 năm tìm kiếm, nhân giống, trồng và chăm sóc cho thấy, các loài thảo dược mà ông trồng rất phù hợp với thổ nhưỡng tại đây, một số loài đã cho thu hoạch. Như hoài sơn đã trồng thành công và cho thu hoạch vụ đầu tiên; sa nhân sau khi trồng 2 năm phát triển tốt, đã khép tán, dự kiến sẽ cho thu hoạch sau 2 năm nữa; cây dâu tằm đã phủ xanh lá, tươi tốt… Ông Bình cho biết, trồng thảo dược là một công việc khó, thời gian kéo dài, nếu không có tình yêu, tâm huyết, muốn làm giàu nhanh thì khó theo đuổi. Bởi công việc của ông đang làm với mục đích bảo tồn nguồn gen thảo dược đang bị khai thác tận diệt ngoài tự nhiên; đồng thời phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất thuốc; phần còn lại cung cấp nguyên liệu thô nội địa cho các doanh nghiệp bào chế dược liệu có nhu cầu. “Tôi cần thêm thời gian nghiên cứu, nếu hướng đi hiệu quả, tôi sẽ kết hợp với nông dân địa phương biến vùng đất nơi đây thành vùng chuyên trồng thảo dược rộng lớn, nhằm hướng tới các mục tiêu dài hạn hơn”, ông Bình chia sẻ.

 Chiết xuất tinh dầu


Tận mắt thấy gần 2ha bạc hà phát triển xanh mướt gần Cụm Công nghiệp Sông Cầu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết vùng đất này có thể trồng thành công loại cây trồng có giống từ Nhật Bản này. Gần một năm nay, Công ty TNHH Nam Phú Khánh đã biến vùng đất này thành nơi trồng bạc hà để sản xuất tinh dầu.
 

 Ông Nguyễn Ngọc Phú - Giám đốc Công ty TNHH Nam Phú Khánh chia sẻ, là người gốc Khánh Hòa nhưng ông học tập và làm luật sư hơn 10 năm tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian này, ông đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư về nông nghiệp tại Việt Nam, trong đó có mô hình trồng cây bạc hà giống Nhật Bản để chiết xuất tinh dầu tại tỉnh Bình Thuận. Ông nhận thấy mô hình này có lợi thế và phát triển phù hợp tại Việt Nam. Từ đó, ông đã học hỏi và quyết định đưa mô hình này về trồng tại quê hương Khánh Hòa. Qua khảo sát nhiều vùng, ông đã chọn Sông Cầu - nơi có thổ nhưỡng hợp với cây bạc hà để đầu tư tại đây.

 

Ông Phú giới thiệu về cây bạc hà dùng để sản xuất tinh dầu.

Ông Phú giới thiệu về cây bạc hà dùng để sản xuất tinh dầu.


Theo ông Phú, phát triển cây bạc hà có lợi thế hơn những cây ăn quả hay rau màu khác bởi thời gian trồng ngắn, chỉ 3 tháng có thể thu hoạch; sau khi cắt cành, cây sẽ tiếp tục phát triển cho ra lứa khác. 1 năm có thể thu hoạch 3 đợt và vòng đời cây có thể kéo dài đến 5 năm. Nếu nguồn nguyên liệu nhiều, sau thu hoạch có thể phơi khô trữ kho để dành. Tinh dầu bạc hà hiện đang được thị trường thế giới và nội địa ưa chuộng trong bào chế dược liệu và bảo vệ sức khỏe. Vì vậy, việc đầu tư mô hình này cũng không phải lo lắng đầu ra. “Cây bạc hà nếu làm hiệu quả sẽ cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, chúng tôi đã được doanh nghiệp phía Nhật Bản bao tiêu đầu ra. Sắp đến, chúng tôi dự kiến sẽ lắp đặt thiết bị để chiết xuất tinh dầu tại chỗ, kết hợp trồng một số cây ăn quả tạo cảnh quan, phục vụ cho người dân, khách du lịch có thể đến tham quan mô hình”, ông Phú nói.


Hướng đi mới


Có thể nói, việc chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thảo dược để bảo tồn gen, sản xuất hàng hóa dược liệu của các cá nhân, doanh nghiệp trên là một trong những hướng đi phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nền nông nghiệp trong những năm gần đây. Ông Phú khẳng định, vùng đất Sông Cầu có nhiều yếu tố thuận lợi và cơ hội để hình thành vùng chuyên sản xuất bạc hà bởi lợi thế đất bằng phẳng, ít chịu tác động bởi phân, thuốc hóa học, vận chuyển thuận lợi. Hiện nay, công việc trồng bạc hà của ông đã giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương. Ông Bình cũng chia sẻ, ông kỳ vọng trong tương lai có thể liên kết với các hộ dân địa phương để phát triển các vùng trồng thảo dược, cải thiện thu nhập cho người dân. Hiện công ty ông đang sử dụng khoảng 30 lao động địa phương thay phiên nhau làm việc, canh tác.


Ông Lê Bá Hoàng Lâm, một lao động đang chăm sóc vườn bạc hà của Công ty Nam Phú Khánh cho biết, ông từng làm du lịch, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thất nghiệp và xin vào công ty chăm sóc bạc hà với mức lương 5 triệu đồng/tháng. “Ở miền núi, với mức lương như thế này là tôi thấy phù hợp. Nếu công việc ổn định, công ty phát triển tốt, tôi sẽ chọn gắn bó lâu dài tại đây để được làm việc gần nhà, đi lại thuận tiện hơn”, ông Lâm nói.


Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, mấy năm gần đây, huyện Khánh Vĩnh đẩy mạnh việc chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày không hiệu quả như: mì, bắp, mía, cải tạo vườn tạp sang trồng các vùng cây ăn quả chuyên canh. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển cây ăn quả với thế mạnh như cây bưởi da xanh cũng đã lên đến hơn 600ha, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Về tương lai, huyện sẽ tìm thêm những cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, xây dựng mô hình để người dân làm theo. Việc 2 doanh nghiệp trồng thành công thảo dược, huyện rất phấn khởi và ủng hộ, mở ra một hướng đi mới, tạo thêm cơ hội lựa chọn giống cây trồng cho người dân, phát huy thêm tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất.


Hướng đi mới nào ban đầu cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn và thách thức, nhưng những con người đi tiên phong trong lĩnh vực này đang mang đến một niềm tin, sẽ mở ra một triển vọng về phát triển kinh tế cho tỉnh nhà.


Minh Thiết - Thanh Trúc

 


 

Theo kết quả nghiên cứu, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung dược liệu quý với gần 4.000 loài đang được sử dụng làm thuốc trên tổng số 12.000 loài thực vật hiện có. Nhưng hiện nay, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trở thành hàng hóa có giá trị cao và được sử dụng rộng rãi.