09:02, 20/02/2020

Ứng phó với dịch Covid-19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề lao đao, chịu nhiều tổn thất. 
 

 
Kỳ 1: Đối mặt với khó khăn  
 
 
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề lao đao, chịu nhiều tổn thất. 
 

Du lịch thiệt hại nặng

 

Đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc và lan ra thế giới khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, trong đó du lịch vốn là ngành nhạy cảm chịu tổn thương khá nặng nề. Ở Khánh Hòa, nơi du khách Trung Quốc chiếm đến 70% lượng khách quốc tế, hoạt động du lịch đã lao dốc khi dòng khách này ngưng hẳn từ cuối tháng 1-2020. Theo ước tính của Sở Du lịch, quý I/2020, Khánh Hòa sẽ sụt giảm khoảng hơn 1 triệu lượt khách. Trong đó, khách Trung Quốc  giảm từ 95% - 100% (trên 470.000 lượt khách); khách quốc tế các thị trường khác giảm từ 50% - 70% (trên 250.000 lượt khách); khách du lịch nội địa giảm 40% - 50% (trên 300.000 lượt khách).

 

 Xe vận chuyển khách du lịch xếp hàng dài vì vắng khách.
Xe vận chuyển khách du lịch xếp hàng dài vì vắng khách.
 
 
Lượng khách sụt giảm khiến việc kinh doanh lưu trú gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, phần lớn các khách sạn trên địa bàn Nha Trang, công suất phòng chỉ còn trên dưới 20%. Dự báo nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 6, nhiều khách sạn sẽ thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, một số khách sạn đã gửi thông báo đến Sở Du lịch về việc tạm ngưng hoạt động để hạn chế thiệt hại.
 
Các điểm tham quan, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh cũng thiệt hại nặng nề vì lượng khách du lịch sụt giảm đến 90%. Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động đưa đón khách Trung Quốc trên địa bàn tỉnh gần như tạm ngưng vì mất hẳn nguồn khách. Một số tàu du lịch biển hủy chuyến đến Nha Trang gây tổn thất cho các đơn vị lữ hành tàu biển. Các tour du lịch outbound (đưa khách đi nước ngoài) cũng chịu tổn thất khá lớn khi khách hủy tour trong dịp này.
 
 
Buôn bán ế ẩm
 
Lượng khách du lịch sụt giảm khiến những người buôn bán phục vụ khách du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Chỉ trong vòng 3 tuần, nhiều quán ăn, nhà hàng hoạt động cầm chừng hoặc phải sang nhượng mặt bằng. Các cửa hàng phục vụ khách du lịch Trung Quốc đồng loạt đóng cửa. Khách du lịch nội địa cũng hạn chế đến những nơi đã công bố dịch như Nha Trang, làm cho lượng khách hàng càng giảm sâu hơn. Người kinh doanh như ngồi trên đống lửa khi giá thuê mặt bằng cao ngất ngưởng mà việc buôn bán ảm đạm. “Mỗi tháng tiền thuê mặt bằng của siêu thị tôi gần 180 triệu đồng, chưa kể chi phí điện, nước, tiền công nhân viên. Dịch bệnh xảy ra, khách du lịch giảm hẳn nên doanh thu chỉ còn bằng 1/4 trước đây. Hiện nay, chúng tôi đang gắng gượng để duy trì hoạt động, nhưng với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, không biết chúng tôi còn duy trì được bao lâu”, ông H., chủ một siêu thị mini trên đường Trần Phú than.
 

 

 Tôm hùm bị tồn đọng do không xuất khẩu được sang Trung Quốc.
Tôm hùm bị tồn đọng do không xuất khẩu được sang Trung Quốc.

 

Nhà hàng, quán ăn đóng cửa kéo theo hoạt động của tiểu thương ở các chợ truyền thống gặp khó. Các trường học trên địa bàn TP. Nha Trang cho học sinh nghỉ học dài ngày, các bếp ăn bán trú đóng cửa cũng khiến việc buôn bán của các tiểu thương ở chợ... khóc ròng. Ông Nguyễn Hữu Cường - Phó Trưởng ban Quản lý chợ Xóm Mới cho biết: Sức mua bán tại chợ giảm khoảng 50% so với ngày thường, cá biệt những ngành hàng bỏ mối cho khách sạn, nhà hàng, quán ăn giảm mạnh đến 70% các mặt hàng như: thịt heo, hải sản, trứng… Hoạt động kinh doanh của các siêu thị trên địa bàn TP. Nha Trang cũng khó khăn do dịch Covid-19. Với tâm lý e ngại đến nơi đông người, người dân giảm hẳn các hoạt động vui chơi, tham quan, mua sắm tại các siêu thị. Đại diện siêu thị Big C Nha Trang cho biết, doanh thu trong thời gian qua của siêu thị giảm 30% so với trước. Trong đó, những sản phẩm được khách Trung Quốc ưa chuộng như: cà phê, mặt nạ dưỡng da, nông sản chế biến, nước yến… giảm nhiều nhất. Việc kinh doanh của siêu thị Lotte Mart Nha Trang cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi khách Hàn Quốc cũng suy giảm. Lượng khách đến tham quan, mua sắm tại siêu thị giảm 25% so với ngày thường. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm trong siêu thị như: ăn uống, trò chơi, rạp chiếu phim… cũng giảm về lượng khách và doanh thu.
 
 
Công nghiệp khó đầu vào, nông nghiệp tắc đầu ra
 
Dịch Covid-19 cũng đã tác động đến cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ngay khi dịch bệnh xảy ra, các sản phẩm như: yến sào, thuốc lá, đồ hộp… bị tụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Đặc biệt, mặt hàng bông sợi bị tác động rất mạnh. 80% bông sợi của tỉnh được xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện nay tình hình dịch bệnh khiến các đơn hàng bị dừng, đầu ra bị giảm mạnh. Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Các nhà máy Trung Quốc hiện vẫn chưa hoạt động trở lại nên các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này gặp không ít khó khăn. Đồng thời, những diễn biến bất thường của dịch bệnh đã tác động đến tâm lý của khách hàng trên thế giới. Hầu như hiện nay các đối tác chỉ đặt hàng với số lượng ít và trong ngắn hạn, chứ không đặt hàng cả năm như trước. Trong trường hợp dịch bệnh chấm dứt sớm, thì mức độ ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài nhiều tháng”
 

 

Dệt may khó khăn khi xuất nhập khẩu bị ngưng trệ.
Dệt may khó khăn khi xuất nhập khẩu bị ngưng trệ.
 
Ảnh hưởng lớn nhất là chuỗi cung ứng nguyên liệu may mặc. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn bộ nguyên liệu này đã bị ngừng nhập vì ngành sản xuất này của Trung Quốc tê liệt. Hiện nay, các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh đang phải sử dụng nguyên liệu tích trữ trong kho để sản xuất, song khoảng giữa tháng 3 trở đi, nguồn vải nguyên liệu sẽ cạn kiệt, các đơn hàng khó có thể thực hiện được theo cam kết. Từ quý II tới, nếu nguồn cung chưa được cải thiện thì nhiều nhà máy khó duy trì hoạt động. Ông Lê Văn Hoạt - Trưởng phòng Hành chính nhân sự Xí nghiệp May Khatoco lo lắng: “Vấn đề thiếu nguyên liệu đầu vào hiện nay rất nhiều đơn vị gặp phải. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện đơn hàng. Nếu không giải quyết sớm vấn đề này, chỉ khoảng hơn 1 tháng nữa ngành dệt may sẽ rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn”.
 
Gần 1 tháng nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôm hùm không thể xuất qua Trung Quốc khiến người nuôi tôm hùm như ngồi trên đống lửa. Ông H. (đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) cho biết, do không bán được qua Trung Quốc nên nhiều thương lái ra Bình Ba mua để bán trong nước. Tuy nhiên, giá tôm giảm xuống rất thấp mà lượng tiêu thụ không được bao nhiêu. Trước Tết, tôm hùm xanh loại 1 (3 con/kg) có giá 800.000 đồng/kg nhưng hiện nay thương lái chỉ mua với giá 430.000 đồng/kg, tôm hùm bông loại 1 có giá 2 triệu đồng/kg thì nay chỉ còn 1,4 triệu đồng/kg. “Gia đình tôi nuôi gần 300 lồng tôm, trong đó có đến 50% đã đạt trọng lượng bán nhưng phải cầm cự nuôi gần 1 tháng nay. Cứ tính trung bình mỗi lồng tôm một ngày tiền thức ăn hết 2 triệu đồng là biết thiệt hại lớn thế nào”, ông H. nói.
 
Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, toàn xã hiện có khoảng 1.100 hộ nuôi với gần 10.000 lồng nuôi, trong đó chủ yếu là tôm hùm xanh. Tính đến thời điểm này, toàn xã có khoảng 100 tấn tôm thịt đến thời kỳ xuất bán. Đáng lo hơn, do việc xuất khẩu tôm bị ách tắc, nên nhiều thương lái vẫn còn nợ tiền bán tôm của người dân hơn 20 tỷ đồng. Hộ bị nợ nhiều nhất khoảng 2 tỷ đồng, còn lại khoảng 500 đến 700 triệu đồng. “Trước đây, sau thu mua 1 - 2 tuần, thương lái sẽ trả tiền cho ngư dân rồi lại lấy tôm đi tiếp. Hiện nay việc xuất khẩu tôm bị đình trệ, thương lái cũng bị người mua phía Trung Quốc nợ tiền nên họ không có tiền để trả. Người nuôi phải vay mượn tiền để mua thức ăn cho tôm, trong khi không liên lạc được với các thương lái này nên rất lo lắng!”, ông Thông cho hay.  
 
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin, năm 2019, toàn tỉnh có 49.400 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng hơn 1.440 tấn. Khoảng 80% tôm hùm của Khánh Hòa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, 20% còn lại tiêu thụ nội địa. Dịch bệnh đã khiến việc xuất khẩu tôm bị ngưng trệ,  việc tiêu thụ tôm ở thị trường nội địa cũng khó khăn khi khách du lịch sụt giảm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh còn tồn 587 tấn tôm hùm xanh và tôm hùm bông, trong đó có 550 tấn (chủ yếu là tôm hùm xanh) tại địa bàn TP. Cam Ranh, 30 tấn tôm hùm (chủ yếu là tôm hùm bông) tại địa bàn huyện Vạn Ninh và 7 tấn tôm hùm tại địa bàn TP. Nha Trang. Những người nuôi tôm cho biết, những năm gần đây, chi phí nuôi tôm hùm tăng cao; để nuôi 1kg tôm hùm bông nông dân phải đầu tư hơn 1,2 triệu đồng, với tôm hùm xanh giá trị đầu tư mỗi kg cũng hơn 450.000 đồng. Với việc giá tôm xuống thấp nhưng vẫn phải nuôi cầm chừng chờ thị trường hồi phục, người nuôi tôm hùm đang cầm chắc phần thua lỗ nặng.
 
NHÓM PHÓNG VIÊN
 
Kỳ 2: Cùng vượt khó