10:12, 29/12/2019

Kỳ 2: Giải pháp nào để giữ rừng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng. Câu hỏi, giải pháp nào để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, giải quyết căn cơ tình trạng lấn chiếm đất rừng là vấn đề dư luận đang quan tâm.

Kỳ 2: Giải pháp nào để giữ rừng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng. Câu hỏi, giải pháp nào để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, giải quyết căn cơ tình trạng lấn chiếm đất rừng là vấn đề dư luận đang quan tâm.


Đi tìm nguyên nhân


Tiếp xúc với các hộ lấn chiếm đất rừng ở huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và thị xã Ninh Hòa, điệp khúc mà chúng tôi nghe được là: Gia đình thuộc hộ nghèo, thiếu đất sản xuất nên lấn chiếm; đất rừng này trước đây thuộc về cha ông chúng tôi canh tác, nay chúng tôi lấy lại để làm… Tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ của nhiều người.

 

Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa  tuần tra liên tục nhưng rừng vẫn bị phá.

Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa tuần tra liên tục nhưng rừng vẫn bị phá.


Lãnh đạo nhiều xã ở các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cho biết, đa số các hộ lấn chiếm không thuộc diện hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất. Bởi những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai chính sách bóc tách đất rừng giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, có bao nhiêu hộ nhận được đất bóc tách và giữ được đất thì lãnh đạo các địa phương không thể nắm được, bởi thực tế một số hộ trên danh nghĩa là có đất nhưng đã thỏa thuận ngầm bán cho người khác, không cần giấy tờ nên lại rơi vào cảnh thiếu đất.


Một nguyên nhân khác “thổi bùng” tình trạng lấn chiếm đất rừng trong năm 2019 là “cơn sốt” đất nông nghiệp ở các địa phương thời gian gần đây. “Tại xã Ninh Tây, 1ha đất rừng căm xe được giao dịch với giá hơn 100 triệu đồng. Điều này đã kích thích nhiều người dân địa phương tìm đủ mọi cách để lấn chiếm đất rừng”, ông Phan Thế Minh - Trạm trưởng Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Ninh Tây cho biết. Một cán bộ Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn đố vui chúng tôi: “Khắc tinh của cây rừng ở Khánh Sơn là cây gì?”. Nói rồi cán bộ kiểm lâm này cắt nghĩa: Đó là các loại cây ăn quả. Những năm qua, cây ăn quả đã mang lại thu nhập rất cao cho người dân Khánh Sơn. Vì vậy, nhà nhà trồng cây ăn quả. Không chỉ vậy, nhiều người từ các tỉnh Quảng Ngãi, Lâm Đồng… cũng tìm đến Khánh Sơn để mua đất lập vườn. Trong khi diện tích đất nông nghiệp của huyện ít, giá 1ha đất trồng cây ăn quả dao động từ vài trăm triệu đến gần cả tỷ đồng. Trong cơn sốt đất lập vườn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã bán đất rồi lại đi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Cứ vậy, rừng thông, rừng tự nhiên ở nhiều địa phương trên địa bàn bị lấn chiếm. 

 
Qua nhiều lần giám sát, khảo sát việc quản lý bảo vệ rừng, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng lấn chiếm đất rừng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xuất phát từ trách nhiệm của các chủ rừng, vì “buông lỏng” quản lý hoặc triển khai nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng, đất rừng được giao không hiệu quả, dẫn đến tình trạng lãng phí đất rừng. Ngoài ra, việc phối hợp giữa chủ rừng, kiểm lâm, UBND các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng chưa thực sự tốt.


Nhiều kiến nghị, đề xuất


Với thực tế rừng căm xe Ninh Tây bị tàn phá nặng nề, sau khi đi kiểm tra, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đã yêu cầu chủ rừng, Đội Liên ngành chống phá rừng của thị xã phải tổ chức, bố trí ngay các chốt trực trong vùng lõi rừng căm xe ở các khu vực trọng điểm. Chỉ có thể ở trong rừng thì lực lượng lực năng mới phát hiện sớm, xử lý kịp thời các vụ xâm hại rừng. Thiết nghĩ, đây là biện pháp hiệu quả cần được các chủ rừng triển khai trước mắt để giải quyết các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng hiện nay. Không ở đâu xa, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương đã rất thành công với việc xây trạm, đóng chốt, bố trí lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ngay tại các điểm nóng, nhờ đó mà diện tích rừng, đất rừng trong lâm phận của công ty được bảo vệ rất hiệu quả.

 

Lực lượng liên ngành thị xã Ninh Hòa tuần tra trong rừng căm xe.

Lực lượng liên ngành thị xã Ninh Hòa tuần tra trong rừng căm xe.


Lý giải về những khó khăn, lãnh đạo nhiều đơn vị chủ rừng cho rằng, lực lượng ít, dàn trải trên lâm phận rộng lớn với nhiều điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng nên khi chủ rừng tập trung lực lượng xử lý ở điểm nóng này thì các đối tượng lại chuyển sang hướng khác, làm phát sinh điểm nóng khác. Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho rằng: “Việc xử lý các đối tượng vi phạm chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng “lờn thuốc”, thậm chí có đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn lớn tiếng đe dọa, thách thức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Theo tôi, phải xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật thì mới có tác dụng răn đe”. Trong khi đó, ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa kiến nghị: “Phải điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng đứng đằng sau xúi giục các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng, lấn chiếm đất rừng để mua bán trái phép”.


Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn đề nghị: Khánh Sơn là địa phương có lợi thế để phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong khi diện tích đất của địa phương rất ít, chỉ có 4.591ha, 13,5% diện tích tự nhiên, phần còn lại là đất lâm nghiệp, trong đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý đến 63%. Địa phương kiến nghị tỉnh xem xét, cho chủ trương để huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, trình UBND tỉnh bóc tách một số diện tích đất lâm nghiệp, chuyển sang đất nông nghiệp để nâng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn lên khoảng 10.000ha nhằm phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, bóc tách một số khu vực đồi thông giao cho huyện quản lý để kêu gọi phát triển du lịch, bảo vệ cảnh quan.

 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn mới đây, ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Nghiêm cấm lợi dụng việc bóc tách đất rừng giao cho các hộ thiếu đất sản xuất để hợp thức hóa diện tích đất rừng bị lấn chiếm; xử lý nghiêm những vi phạm trong lấn chiếm đất rừng. Trường hợp xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật thì phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm.

Một vấn đề đặt ra là muốn giải được bài toán giữ rừng thì phải huy động sự cộng đồng trách nhiệm của cả cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương, cơ sở và quan trọng hơn hết là người dân cùng tham gia. Để khuyến khích người dân tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách. Trong đó, một chính sách được đánh giá mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân khi tham gia bảo vệ rừng và trồng rừng là Nghị định 75 năm 2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 75 trên địa bàn tỉnh quá chậm. Ban đầu, khi các địa phương triển khai thì người dân hào hứng đăng ký nhưng về sau lại không mặn mà. Đơn cử như chính sách hỗ trợ trồng rừng, năm 2019 chỉ có 20 hộ ở xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn) đăng ký trồng rừng. Còn với nhận khoán bảo vệ rừng, nhiều hộ không mặn mà vì cho rằng kinh phí khoán bảo vệ 400.000 đồng/ha/năm là thấp.

“Muốn giữ được rừng thì phải giao cho tổ chức hoặc hộ bảo vệ nhưng phải cho phép kết hợp sản xuất dưới tán rừng, người dân phải thu lợi dưới tán rừng thì họ mới mặn mà với việc bảo vệ rừng”, ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây nói.   


Trong khi đó, ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng hiện nay, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Trước mắt, các đơn vị chủ rừng địa phương phải thành lập, bố trí lực lượng để giữ rừng từ gốc, vấn đề này cũng cần được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng địa phương. Về lâu dài, các đơn vị chủ rừng nhà nước phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trên cơ sở đó xây dựng dự án kêu gọi tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đầu tư, vừa bảo vệ rừng vừa phát triển kinh tế dưới tán rừng. Đồng thời, các địa phương phải triển khai, phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước để huy động cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng tham gia công tác bảo vệ rừng, giữ rừng bền vững.


HẢI LĂNG