11:12, 10/12/2019

Đìu hiu làng chiếu Mỹ Trạch

Nghề dệt chiếu ở tổ dân phố Mỹ Trạch (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã có một thời hưng thịnh. Trải qua thời gian, hiện nay làng chỉ còn 13 hộ làm nghề…

 

Nghề dệt chiếu ở tổ dân phố Mỹ Trạch (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã có một thời hưng thịnh. Trải qua thời gian, hiện nay làng chỉ còn 13 hộ làm nghề…

Một thời nhộn nhịp


Một ngày cuối tháng 11, tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Luồn - người cao tuổi nhất ở làng chiếu Mỹ Trạch còn theo nghề dệt chiếu. Tuy đã 88 tuổi nhưng bà Luồn vẫn đưa cói rất nhanh nhẹn cho cô con gái dệt chiếu. Hỏi chuyện nghề, bà Luồn chầm chậm kể: “Nghề dệt chiếu ở Mỹ Trạch không biết có từ bao giờ, lớn lên tôi đã thấy người làng làm nghề này. Cũng chẳng cần dạy dỗ gì nhiều, 8 tuổi tôi đã biết đưa cói cho mẹ dệt chiếu, thêm vài tuổi nữa thì có thể ngồi khung dệt…”. Trong ký ức của bà Luồn cũng như những người già ở Mỹ Trạch, một trong những tiêu chí để chọn con dâu ngày trước là phải biết dệt chiếu đẹp. Nhiều cô dâu còn tự tay dệt cho mình đôi chiếu cưới thật đẹp để mang theo về nhà chồng.

 

Những chiếc chiếu đầy sắc màu được đem phơi sau khi dệt.

Những chiếc chiếu đầy sắc màu được đem phơi sau khi dệt.


Chiếu Mỹ Trạch làm bằng cây cói sống ở nước chà hai, lại thêm người dân nơi đây rất cẩn thận “sáng phơi chiều cuốn”, chứ không phơi qua đêm nên sợi cói rất dai, chiếu bền. Người làm nghề để hết tâm huyết vào khung dệt nên chiếu làm ra rất đẹp, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng. Những năm sau giải phóng, nghề dệt chiếu thịnh hành, Ninh Hà thành lập hợp tác xã chiếu, tổ chức khai hoang mở rộng diện tích trồng cói để phát triển làng nghề. Chỉ riêng đội trồng cói đã có 50 - 60 người. Lúc cao điểm, 90% hộ dân trong làng Mỹ Trạch làm nghề dệt chiếu; nhà nào cũng có từ 1 - 2 khung dệt. “Cứ gần Tết, đường làng lại rực rỡ sắc màu của chiếu hoa. Người dân dệt chiếu suốt ngày đêm để kịp giao cho thương lái. Chiếu Mỹ Trạch không chỉ được dùng trong tỉnh mà còn được đưa đi bán ở Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lâm Đồng… “Nghề dệt chiếu tuy không mang lại giàu sang nhưng lo được cái ăn, cái mặc cho người dân Mỹ Trạch”, bà Nguyễn Thị Nhung - thợ dệt chiếu lâu năm ở Mỹ Trạch chia sẻ.


Khắc khoải nghề xưa


Nghề chiếu ở Mỹ Trạch thịnh hành đến cuối những năm 90 của thế kỷ XX rồi bắt đầu đi xuống. Khi ấy, phong trào nuôi tôm nở rộ nên chính quyền địa phương đã thu hẹp lại diện tích trồng cói, nhường chỗ cho vuông tôm nhiều lợi nhuận nên nguyên liệu dần khan hiếm. Lại thêm sự ra đời của chiếu nhựa, chiếu trúc… khiến  chiếu cói không còn đắt hàng như trước nên nhiều gia đình chuyển nghề. Năm 2013, cả làng còn gần 50 hộ làm nghề, đến năm 2015 còn 26 hộ làm nghề. Theo thống kê mới nhất của UBND phường Ninh Hà, hiện nay, ở Mỹ Trạch chỉ còn 13 hộ làm nghề dệt chiếu cói. Diện tích trồng cói thu hẹp dần và đến nay chỉ còn khoảng 1,5ha. Vì thiếu cói nên người Mỹ Trạch phải mua cói tươi từ Ninh Ích  hoặc mua cói khô từ các nơi nhập về để dệt. Nguyên nhân lớn nhất khiến nghề dệt chiếu cói ở Mỹ Trạch lụi tàn đó là thu nhập quá thấp. “Cói các nơi nhập về chất lượng nhiều khi không bằng cói mình tự trồng nhưng đành phải chấp nhận. Tôi cố gắng duy trì việc trồng cói để chủ động phần nào nguồn nguyên liệu cho mình”, bà Nguyễn Thị Trang (62 tuổi) - một trong số ít hộ còn trồng cói ở Mỹ Trạch cho biết.

 

Bà Tôn Nữ Lệ Nguyên đang phơi cói sau khi nhuộm.

Bà Tôn Nữ Lệ Nguyên đang phơi cói sau khi nhuộm.


Một điều khá lạ, trong khi nhiều nơi đã chuyển sang dệt máy thì người Mỹ Trạch vẫn trung thành với việc dệt chiếu cói bằng tay. Để dệt một chiếc chiếu thường cần có hai người, một người dệt chiếu và một người đưa cói vào khung để dệt. Tùy theo hình dáng hoa văn mà người dệt chiếu sẽ điều khiển mắc cửi đơn hoặc kép cho phù hợp. Bàn tay phải khéo léo điều khiển sợi đay lúc nâng lên, lúc chìm xuống để tạo ra các hình dáng hoa văn thật ăn khớp nhau. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề gồm 2 loại: chiếu hoa (còn được gọi là chiếu đặt) và chiếu hàng (dệt thưa hơn). Nói vậy nhưng đi khắp cả làng Mỹ Trạch, tôi không thấy ai dệt chiếu hoa. “Làm chiếu hoa cần phải có cói đẹp, dệt rất tốn công nên phải có người đặt trước chúng tôi mới làm. Mình có làm ra thương lái cũng không mua vì giá chiếu hoa đắt gấp đôi chiếu hàng…”, bà Trang giải thích.

 

Ở Mỹ Trạch hiện nay chỉ còn người già theo nghề dệt chiếu.

Ở Mỹ Trạch hiện nay chỉ còn người già theo nghề dệt chiếu.


Cũng vì dệt chiếu bằng tay nên thu nhập của người dệt chiếu ở Mỹ Trạch rất thấp. Bà Tôn Nữ Lệ Nguyên - một người dệt chiếu lành nghề cho biết: “Hai người mỗi ngày dệt được 3 đôi chiếu, giá từ 40.000 - 100.000 đồng/đôi tùy theo kích cỡ, trừ tiền cói, thuốc nhuộm, dây đay… thu nhập chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng/người/ngày. Đó là chưa tính công mình đi cắt cói, phơi cói”. Nghe bà Nguyên nói, tôi không khỏi giật mình, không ngờ nghề dệt chiếu cho thu nhập thấp đến vậy. Cũng bởi vậy, ở Mỹ Trạch bây giờ chỉ có người già và những người không có sức lao động mới bám trụ với nghề này.


Lớn lên ở Mỹ Trạch, ông Nguyễn Minh Nhật - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hà rất trăn trở trước thực trạng nghề dệt chiếu cói đang dần mai một ở đây.  Tuy nhiên, để khôi phục được làng nghề không đơn giản, bởi nghề dệt chiếu cói cho thu nhập khá thấp nên lớp trẻ không mặn mà. “Năm 2016, UBND tỉnh đã công nhận nghề dệt chiếu cói ở Mỹ Trạch là nghề truyền thống. Sau đó, UBND tỉnh đã hỗ trợ 130 triệu đồng để khôi phục làng nghề. Chúng tôi dự định dùng số tiền này để tổ chức tập huấn dạy nghề nhưng không có ai đăng ký tham gia. Cũng có ý kiến đề xuất nên thành lập điểm sản xuất tập trung kết hợp với tham quan du lịch. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải có kinh phí lớn hơn và phải có sự đồng thuận của các hộ làm nghề cũng như sự kết nối với các đơn vị làm du lịch…”, ông Nhật bày tỏ.  

 

Bà Nguyễn Thị Trang (bên trái)  đang kết hợp với người hàng xóm để dệt chiếu.

Bà Nguyễn Thị Trang (bên trái) đang kết hợp với người hàng xóm để dệt chiếu.


Chia tay làng dệt chiếu Mỹ Trạch, tôi cứ canh cánh trong lòng tâm sự của bà Luôn: “Với đà này, độ vài năm nữa chắc làng chiếu Mỹ Trạch sẽ bị xóa sổ”. Và tôi tự hỏi, liệu có quá muộn không cho một đề án bảo tồn và khôi phục nghề dệt chiếu ở Mỹ Trạch… Và, tôi cầu mong lòng yêu nghề, quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống của những người làm chiếu ít ỏi còn lại ở Mỹ Trạch sẽ kịp chờ đợi một cuộc giải cứu từ các cấp, ngành liên quan, giúp nghề dệt chiếu còn đẹp mãi như tên đất, tên làng nơi đây.


XUÂN THÀNH