10:11, 26/11/2019

Trăn trở làng trầm…

Nhà trưng bày sản phẩm trầm hương Vạn Thắng  ra đời là sự mong mỏi bao đời của người dân thôn Phú Hội (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Công trình này mở ra cơ hội mới cho làng trầm và từ đây, ý tưởng về du lịch làng nghề được nhen nhóm. 

Nhà trưng bày sản phẩm trầm hương Vạn Thắng  ra đời là sự mong mỏi bao đời của người dân thôn Phú Hội (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Công trình này mở ra cơ hội mới cho làng trầm và từ đây, ý tưởng về du lịch làng nghề được nhen nhóm. 
 

Cơ hội mới cho làng nghề

Về làng trầm hương thôn Phú Hội 1 trong những ngày chớm đông, tiết trời se lạnh khiến không gian thoang thoảng mùi trầm như sánh lại. Mới 8 giờ sáng, những chiếc xe hơi đắt tiền đã xuất hiện ở đầu thôn. Khách ghé thăm làng trầm hôm nay là những người đàn ông ngoại quốc. Dừng lại ngay đầu làng, những người đàn ông Ả Rập bước nhanh về Nhà trưng bày sản phẩm trầm hương Vạn Thắng. Trong không gian có hương thơm thanh ngọt, những vị khách Ả Rập luôn miệng xì xồ với nhau bằng ngôn ngữ riêng của họ. Tuy không hiểu họ nói gì, nhưng nhìn nét mặt đầy ngạc nhiên và phấn khích, có thể cảm nhận họ đang rất thích thú với các sản phẩm đang thưởng lãm. Thông qua người phiên dịch, chúng tôi được một vị khách Ả Rập, ông Humaid Shaker chia sẻ: “Từ lâu, tôi đã nghe về trầm Việt Nam, hôm nay được thưởng trầm trực tiếp thấy rất tuyệt vời. Lâu nay, tôi vẫn đưa trầm từ Malaysia sang Dubai bán nhưng trầm hương ở đây thực sự có một sự khác biệt rất lớn. Hương thơm rất ấn tượng. So với trầm Malaysia thì giá ở đây cao hơn nhiều, nhưng về chất lượng chúng tôi hết sức hài lòng, chắc chắn chúng tôi sẽ quay trở lại nhiều lần nữa”.

 

1

Ông Đức giới thiệu sản phẩm trầm hương tại nhà trưng bày.

 

Tiễn những vị khách Ả Rập ra hương lộ, ông Sáu Thời (người trông coi nhà trưng bày) cho biết, trước đây, người dân vùng này chủ yếu gia công cho các cửa hàng ở Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh. Từ khi được tỉnh đầu tư nhà trưng bày, sản phẩm của các hộ làm trầm được đem ra đây để du khách vào xem và trải nghiệm. Tại đây, toàn bộ sản phẩm trầm hương tốt nhất của Vạn Thắng đều có mặt. Từ trầm cảnh, trầm miếng, tới vòng trầm, nhang trầm, bột trầm… Tuy mới hoạt động được gần 3 tháng, nhưng nhà trưng bày đã giúp làng trầm có cơ hội quảng bá sản phẩm đến du khách. Thời gian gần đây, khách Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Ả Rập tìm đến Vạn Thắng thường xuyên hơn, nhờ vậy mà nghề làm trầm hương ăn nên làm ra, kinh tế các hộ gia đình được cải thiện đáng kể.


Gắn với du lịch


Đi dọc làng trầm hương Phú Hội 1, khách thập phương không khỏi ấn tượng với những ngôi nhà bề thế còn nguyên màu ngói mới. Từ đầu làng đã có thể cảm nhận mùi hương thơm nhẹ nhàng, len lỏi trong không gian của làng. Khắp nơi, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh đục đẽo, chạm khắc những cây dó bầu để tạo ra những tác phẩm độc đáo. Để làm mới mình, cùng sự có mặt của Nhà trưng bày sản phẩm trầm hương Vạn Thắng, Hợp tác xã (HTX) Trầm hương Vạn Thắng cũng chính thức ra đời. Với 7 thành viên ban đầu và 350 triệu đồng tiền vốn, HTX đã có những thành công bước đầu. Ông Trần Công Đức - Giám đốc HTX Trầm hương Vạn Thắng chia sẻ: “Thành lập được HTX, anh em cảm thấy rất phấn chấn. Lâu nay, anh em làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, hiện nay tập hợp thành một tập thể thì các mặt hàng làm ra sẽ có tính nhất quán, quy mô hơn. Hiện nay, mỗi thành viên HTX có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng”.

 

1


Theo ông Đức, việc thành lập HTX chỉ là bước đầu, tiếp theo sẽ phát triển làng nghề trở thành một điểm đến văn hóa của du khách gần xa. Rót ly trà trầm mời khách, ông Đức tiết lộ đây là sản phẩm mới để phục vụ khách ghé thăm làng trầm. Ngoài ra, thời gian tới sẽ làm thêm rượu trầm và nước hoa trầm hương nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Bao nhiêu năm nay, người dân làng trầm mong mỏi sản phẩm làng nghề phải gắn liền với du lịch. Chỉ có phát triển du lịch mới có thể khiến cho trầm hương vươn xa hơn và lưu giữ những truyền thống của cha ông. Hiện nay đã có nhà trưng bày, là điều kiện thuận lợi để làm du lịch làng nghề. Muốn vậy, những người làm trầm phải tự làm mới mình, phải thay đổi theo thị hiếu của khách hàng”, ông Đức bày tỏ.  


Chia sẻ về hướng phát triển của làng trầm, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh  cho biết, việc nhà trưng bày đi vào hoạt động sẽ phát huy được thế mạnh sản phẩm của làng nghề; mở ra một hướng đi hoàn toàn mới, đó là phát triển loại hình du lịch nông thôn kết hợp với tham quan làng nghề truyền thống. Các cơ sở, hộ gia đình trực tiếp chế tác sản phẩm trầm hương, cung cấp các sản phẩm lưu niệm được chế tác từ trầm hương cho du khách. Thời gian tới, huyện sẽ tạo điều kiện để Vạn Thắng có thể trở thành một điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

 

Gia công trầm hương mỹ nghệ tại làng trầm Vạn Thắng.

Gia công trầm hương mỹ nghệ tại làng trầm Vạn Thắng.

 

Ông Phạm Tám - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vạn Ninh: Hiện nay, Hội Nông dân huyện đã chọn làng trầm Phú Hội làm điểm phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch. Hội sẽ hỗ trợ làng nghề trang thiết bị sản xuất, kinh phí đào tạo nghệ nhân trẻ. Hộ nào thiếu vốn sẽ tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất. Tương lai, tại khu trưng bày sẽ xây dựng thêm khu chế tác để các nghệ nhân của làng có không gian trình diễn cho du khách. Trước mắt, hội sẽ kết hợp với địa phương khác đưa học sinh và người dân trong huyện đến tham quan làng nghề, tạo nền tảng cho việc phát triển du lịch sau này.

Về phía những người làm du lịch, qua trao đổi với những người có chuyên môn, hầu như ai cũng khẳng định chỉ có du lịch mới giúp nghề truyền thống phát triển bền vững và có cơ hội quảng bá sản phẩm rộng khắp. Ông Trần Minh Đức - Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) cho rằng, việc Vạn Thắng định hướng phát triển du lịch làng trầm là hướng đi đúng, bền vững. Bởi nơi đây lưu giữ nghề truyền thống của cả xứ Trầm Hương. Mỗi hộ gia đình đều có các nghệ nhân chế tác là một điều kiện vô cùng thuận lợi. Phát triển được du lịch làng nghề sẽ biến làng trầm Phú Hội thành một điểm đến văn hóa truyền thống cho du khách, làm đa dạng sản phẩm du lịch của địa phương.


Tuy nhiên, cũng theo ông Minh Đức, từ ý tưởng đến hiện thực là cả một quá trình. Muốn phát triển du lịch làng trầm, cần rất nhiều điều kiện đi kèm. Ngoài có một lực lượng nghệ nhân đông đảo, số lượng lớn sản phẩm với đủ các chủng loại thì cần phải xác định đối tượng khách cụ thể. “Phía lữ hành sẵn sàng đưa khách ra làng trầm nhưng bên cạnh việc ngắm trầm, xem các nghệ nhân chế tác thì còn phải có ẩm thực, hoặc các hoạt động văn hóa truyền thống khác. Không có đơn vị nào chở khách đi 70km chỉ để thăm một điểm chế tác trầm vì như vậy chi phí sẽ rất lớn. Đã làm thì phải làm quy mô, không thể làm tự phát hoặc nhỏ lẻ”, ông Minh Đức nói.


Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng, việc phát triển du lịch làng trầm, hiệp hội hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, để ý tưởng này có thể thành công thì cần phải đầu tư nhiều hơn. Theo ông Thành, làng trầm Phú Hội vốn là một làng ven biển có bề dày văn hóa lâu đời nên để đưa khách tới thì chúng ta cần kết hợp với ẩm thực, diễn xướng dân gian. Các sản phẩm trầm hương phải đa dạng, chất lượng cũng cần được nâng cao. Việc quảng bá cũng hết sức cần thiết. Trước mắt, huyện Vạn Ninh nên kết hợp điểm đến làng trầm với một điểm du lịch biển đảo khác của địa phương thì sẽ dễ thành công hơn.


Đình Lâm - Mạnh Hùng