10:09, 13/09/2019

Khởi nghiệp từ nguyên liệu sạch

Nắm bắt xu hướng phát triển chung, nhiều bạn trẻ trong tỉnh Khánh Hòa bắt đầu khởi nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Điểm chung ở họ là sự nhiệt huyết, niềm đam mê và kiên định với con đường đã vạch ra.

 

Nắm bắt xu hướng phát triển chung, nhiều bạn trẻ trong tỉnh Khánh Hòa bắt đầu khởi nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Điểm chung ở họ là sự nhiệt huyết, niềm đam mê và kiên định với con đường đã vạch ra.


Từ tàu hũ CoVang…


Tại hội nghị Khoa học và Công nghệ Nam Trung bộ và Tây Nguyên tổ chức giữa tháng 6, có một gian hàng lúc nào cũng đông khách tham quan. Đó là gian hàng tàu hũ CoVang của anh Bùi Như Mậu (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang).

 

Mô hình sản xuất nấm sạch An Lộc, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa.

Mô hình sản xuất nấm sạch An Lộc, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa.


Cầm trên tay hộp tàu hũ, tôi khá thiện cảm bởi thiết kế logo ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ đội nón lá cùng nụ cười hiền. Khi thưởng thức muỗng đầu tiên, cảm giác thơm mát, mềm mịn của tàu hũ hòa quyện với mùi thơm nhẹ của gừng tươi và lá dứa tan ngay đầu lưỡi. Anh Bùi Như Mậu cho biết, sự khác biệt của tàu hũ CoVang với các tàu hũ khác chính là hạt đậu nành được nhập hoàn toàn từ Canada - một đất nước rất nghiêm ngặt trong khâu bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc; chất tạo đông được dùng từ loại tảo nhập ở Singapore, hương liệu là gừng, lá dứa tươi và đường mía. Sản phẩm không sử dụng chất bảo quản, không chất tạo màu.

 

Tàu hũ CoVang được một số trường đưa vào làm suất ăn tráng miệng cho học sinh.

Tàu hũ CoVang được một số trường đưa vào làm suất ăn tráng miệng cho học sinh.


“Nghề truyền thống của gia đình tôi là sản xuất tàu hũ. Năm 2018, trong lần đi du lịch ở Singapore, tình cờ ăn được món tàu hũ tươi bên đó, tôi ấn tượng mãi vị ngọt thanh. Tìm hiểu mới biết, hương vị đặc biệt đó là do sản phẩm của họ làm hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên, rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Thế là trong tôi nảy ra ý tưởng mang đến một sản phẩm như thế cho người tiêu dùng Việt Nam”, anh Mậu chia sẻ về cái duyên đến với tàu hũ CoVang.


Tháng 4-2018, anh Mậu cùng với người bạn quyết định khởi nghiệp với món tàu hũ tại quê nhà. Sau gần 1 năm rưỡi, trải qua nhiều thất bại, tàu hũ CoVang ra đời. Nhờ sản phẩm ngon, sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, đạt các chỉ tiêu kiểm định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều người tin dùng. Năm 2019, sản phẩm đạt top 50 thương hiệu nổi tiếng do Ban tổ chức Chương trình khảo sát Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng bình chọn. Hiện nay, tàu hũ CoVang đã được nhiều trường tiểu học và một số trường mầm non, nhà hàng tiệc cưới ở Nha Trang sử dụng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 3.000 - 3.500 sản phẩm cung cấp cho thị trường. Bên cạnh món tàu hũ, anh Mậu còn phát triển thêm một số sản phẩm nước uống đóng chai từ đậu nành, mè đen.


… đến dầu gội thảo mộc


Nhiều người gần đây đã biết đến các sản phẩm nước bồ kết thảo mộc cô đặc và chăm sóc tóc từ thiên nhiên của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khánh Thanh (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa).

 

1

Dầu gội thảo mộc và dầu xả hữu cơ của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khánh Thanh.


Theo chị Hoàng Thị Khánh Thanh - Giám đốc công ty, cơ duyên đưa chị đến với dòng sản phẩm thảo mộc là do một thời gian dài chị bị rụng tóc và viêm da đầu. Thử qua rất nhiều sản phẩm dầu gội khác nhau nhưng tình trạng không cải thiện, chị Thanh quyết định bỏ hết các sản phẩm dầu gội có sử dụng hóa chất và thay bằng nước nấu từ quả bồ kết pha thêm vỏ, lá bưởi, sả… để gội đầu. Sau thời gian sử dụng, thấy tình trạng được cải thiện rõ rệt, chị nảy ra ý tưởng sản xuất dầu gội từ các nguyên liệu thảo mộc với nguyên liệu chính là quả bồ kết, có pha thêm tinh chất bồ hòn, vỏ bưởi, vỏ cam, sả, gừng, nha đam, hương nhu, lá ổi, chanh… Đây là những nguyên liệu sạch và an toàn, được hái từ những cây mọc dại hoặc thu mua quả rừng từ những người dân miền núi và một phần do công ty trồng. Sau khi nguyên liệu được rửa sạch, sơ chế sẽ phân chia nấu theo quy trình khác nhau để lấy được các tinh chất cần thiết, sau đó cô đặc và đóng chai.


Bên cạnh sản phẩm dầu gội, chị Thanh còn sản xuất xịt dưỡng tóc từ tinh dầu vỏ bưởi, vỏ cam, hương nhu, hương thảo và dầu xả làm từ dầu dừa, dầu olive, dầu jojoba… Hiện nay, các sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất thuơng mại Khánh Thanh đã hoàn thiện hồ sơ công bố sản phẩm lưu hành thị trường. Tuy mới đi vào sản xuất hơn 9 tháng nhưng do giá phù hợp, chất lượng ổn định nên bình quân mỗi tháng, công ty sản xuất và bán ra thị trường khoảng 800 chai, chủ yếu theo hệ thống bán hàng online.


Ngoài 2 sản phẩm trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có một số bạn trẻ khởi nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm sạch như: nấm sạch An Lộc (phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa); chả cá Hồng sản xuất theo công nghệ Nhật Bản…


Cần sự quan tâm


Nhiều bạn trẻ tham gia khởi nghiệp cho biết, Khánh Hòa là nơi có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để khởi nghiệp về thủy sản, nông nghiệp, ẩm thực, du lịch… Tuy nhiên hiện nay, phong trào khởi nghiệp ở tỉnh chưa mạnh do chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ chính quyền địa phương các cấp.  

 

Anh Lộc (bìa phải) và một người bạn  đang trao đổi kinh nghiệm trồng nấm.

Anh Lộc (bìa phải) và một người bạn đang trao đổi kinh nghiệm trồng nấm.


Anh Nguyễn Hữu Lộc - chủ cơ sở sản xuất nấm An Lộc cho biết: “Hơn 2 năm bắt tay vào sản xuất nấm sạch, tất cả các quy trình, vốn đầu tư tôi phải tự mày mò, tìm hiểu. Hiện nay, tôi muốn mở rộng nhà xưởng để tăng quy mô sản xuất nhưng không biết tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ cho các nhà khởi nghiệp trẻ từ đâu?”. Tương tự, chị Thanh cho biết, chị dự định phát triển thêm việc kinh doanh bằng cách đầu tư mở rộng nông trại trồng cây nhằm đảm bảo việc cung ứng nguyên liệu, tránh khai thác quá mức quả rừng; đồng thời, đầu tư thêm máy móc sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, chị cũng không biết tiếp cận các chính sách, nguồn vốn ưu đãi ở đâu. “Tôi rất mong nhận được hỗ trợ vốn hoặc có chính sách vay ưu đãi cho những người khởi nghiệp. Địa phương cần mở nhiều lớp học nâng cao kiến thức khoa học công nghệ hoặc hỗ trợ tập huấn các kiến thức về kinh doanh cho các doanh nghiệp mới để giúp họ phát triển sản phẩm hiệu quả”, chị Thanh nói. Theo anh Mậu, ngoài những khó khăn trên, các bạn trẻ mới bước chân vào con đường khởi nghiệp còn gặp khó khăn trong việc giới thiệu sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Các sản phẩm mới ra đời luôn cần sự hỗ trợ quảng bá nhưng hầu như ở khâu này họ đều phải tự mày mò, trong khi đây là kênh quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.


Để không chảy máu chất xám, hình thành được thế hệ trẻ có tâm huyết trên con đường khởi nghiệp, mang lại các sản phẩm sạch cho địa phương, đã đến lúc tỉnh cần có chính sách thiết thực, hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp.


LY VÂN - KIM DÀN


 


 

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Khởi nghiệp bằng sản phẩm, nguyên liệu sạch là xu hướng phát triển chung hiện nay và cần được ủng hộ. Sản phẩm của các đơn vị nói trên nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của người tiêu dùng và các nhà khoa học khi được đem đi giới thiệu. Để khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp từ các sản phẩm sạch, gần gũi với thiên nhiên, hàng năm, sở đều có các hoạt động để biểu dương và giới thiệu với công chúng. Ngoài ra, sở chọn những sản phẩm tốt để hỗ trợ thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh. Đồng thời, các ý tưởng, sáng kiến tiềm năng được chọn đưa vào chương trình ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp.