10:08, 20/08/2019

Ngắm "rừng" dưới biển

Đi du lịch biển đảo tại Nha Trang mà chưa ngắm rạn san hô ở đảo Hòn Mun thì quả là đáng tiếc. Dù đi tàu đáy kính hay lặn, du khách sẽ không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp của rạn san hô ở đây, nơi được ví như "thủ phủ san hô" ở Việt Nam.

Đi du lịch biển đảo tại Nha Trang mà chưa ngắm rạn san hô ở đảo Hòn Mun thì quả là đáng tiếc. Dù đi tàu đáy kính hay lặn, du khách sẽ không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp của rạn san hô ở đây, nơi được ví như “thủ phủ san hô” ở Việt Nam.


Trải nghiệm thú vị


Mới hơn 8 giờ sáng, khu vực lặn đã nườm nượp khách đến. Từng chuyến cano chở người đến các tàu dịch vụ lặn, rồi lại hối hả về bờ để đón lượt khách khác đang chờ. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, du khách được trải nghiệm nhiều loại hình dịch vụ là bơi biển hoặc lặn biển ngắm san hô... Để có trải nghiệm thú vị hơn, đa phần mọi người đều chọn dịch vụ lặn. Nói là lặn, nhưng thực chất, chỉ cần biết được cách thở bằng miệng với bình oxy, các động tác bơi cơ bản là du khách đã có thể thoải mái chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hệ sinh thái rạn san hô, vì mỗi du khách đều được một thợ lặn của các công ty dịch vụ theo sát và hướng dẫn trong suốt quá trình trải nghiệm.

 

Vẻ đẹp của hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun.

Vẻ đẹp của hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun.


Đeo một vòng chì nặng trịch quanh bụng, khoác cho mỗi người một bình oxy sau lưng, anh Hưng - thợ lặn của dịch vụ lặn biển Easy Dive Club hướng dẫn chúng tôi các ký hiệu cơ bản bằng tay để giao tiếp dưới nước như: nắm bàn tay lại, ngón cái duỗi ra hướng thẳng lên mặt nước có nghĩa là đi lên, hướng xuống có nghĩa là lặn xuống sâu hơn; ngón cái và ngón trỏ chụm lại tạo thành vòng tròn có nghĩa là mọi thứ vẫn ổn, khi thợ lặn ra dấu hiệu này, người lặn cần đáp trả tương tự để cho biết mình vẫn bình thường, hoặc duỗi toàn bộ bàn tay thẳng ra, lắc cổ tay để cho biết là đang mệt hoặc có vấn đề cần hỗ trợ...


Xuống dưới mặt nước, rạn san hô đầy màu sắc hiện ra lung linh trong làn nước trong vắt. Lặn sâu khoảng 3m, tôi đã có thể chiêm ngưỡng vô số cá thể san hô và đủ loại cá vây quanh. San hô sống có rất nhiều hình thù và kiểu cách khác nhau trông như một thảm thực vật rực rỡ dưới đáy biển. Lũ cá rất dạn, chúng vây quanh người lặn và tranh nhau từng mẩu đồ ăn do các thợ lặn chuẩn bị sẵn. Chỉ trong khoảng 15 đến 20 phút, tôi đã được anh Hưng dẫn tham quan một vòng rạn san hô và thỏa thích chụp hình dưới nước với những loại thủy sinh khó có thể thấy được ở những vùng biển thông thường.


Thức cùng rạn san hô


Chòng chành trên con tàu tuần tra vịnh Nha Trang 01 đã 3 ngày, ông Nguyễn Hữu Tín - thành viên Đội Tuần tra Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang cho biết, hôm nay giao ca xong là ông có thể về bờ với gia đình. Hỏi mới biết, mỗi kíp trực tuần tra với 5 người/ca, các thành viên của đội phải ở trên tàu liên tục 3 ngày. Để khỏi gián đoạn công việc, trước khi nhận ca, những nhu yếu phẩm như đồ ăn, đồ sinh hoạt cá nhân đều được mọi người chuẩn bị đầy đủ. Sự có mặt của tàu trên mặt nước quanh khu vực Hòn Mun và khu vực vịnh gần như 24/7.

 

Vẻ đẹp của hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun.

Du khách chụp hình check-in với san hô.


Làm nhiệm vụ tuần tra và phát hiện, xử lý vi phạm trên khu vực vịnh, nhưng tập trung phần lớn cho phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, các thành viên của đội phải liên tục theo sát từng hoạt động diễn ra ở đây cả trên bờ lẫn dưới nước. Đội có tổ lặn gồm 3 người làm nhiệm vụ lặn dưới nước để lắp đặt, sửa chữa phao neo, phao phân vùng, giám sát, theo dõi các du khách, thợ lặn dịch vụ và can thiệp khi có biểu hiện, hành động tác động tới hệ sinh thái rạn san hô. Ban ngày, họ giám sát các hoạt động nhưng cùng lắm cũng chỉ là ngăn chặn những hành động vô ý của các du khách có thể phá hủy san hô. Còn khi màn đêm buông xuống, công việc mới thực sự khó khăn… “Chẳng ai biết được những chiếc ghe, tàu đang nổ máy trong màn đêm đi ngang qua khu bảo tồn liệu có phải là những tay săn trộm lão luyện hay không. Họ là những ngư dân từ Ninh Hòa, Cam Ranh, thậm chí Vạn Ninh vào. Ban đêm, họ tắt đèn trên xuồng, lén di chuyển đến khu vực bảo vệ rồi lặn vào vùng lõi để đánh bắt hải sản. Họ hành động khá tinh vi nên chúng tôi phải liên tục kiểm tra”, ông Tín chia sẻ. Tôi thắc mắc, làm sao có thể phát hiện nếu họ lặn dưới nước lại trong bóng tối? Ông Tín nói: “Chỉ cần thấy dưới nước có ánh đèn là biết ngay có người đang săn trộm. Một khi đã cố tình vi phạm thì bị bắt họ sẽ phản ứng, chống đối dữ lắm!”, ông Tín chia sẻ. Theo lãnh đạo Đội Tuần tra, trong hai năm qua, số lượt vụ vi phạm được kịp thời phát hiện và ngăn chặn tương đối nhiều, không có số liệu cụ thể. Trong đó, có 2 vụ việc bị lập biên bản, chuyển cho đội công tác liên ngành kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với các hoạt động trên vịnh Nha Trang, trình UBND thành phố xử phạt với số tiền 25 triệu đồng/trường hợp.


Nỗ lực bảo tồn


Để giữ gìn hệ sinh thái rạn san hô Hòn Mun, gần như những người làm công tác bảo tồn không ngày nào không cập nhật thông tin về sức khỏe của các loài thủy sinh trong rạn. Chỉ một biểu hiện nhỏ như: tảng san hô có dấu hiệu bị bệnh, sao biển gai (loại sinh vật gây hại cho san hô) xuất hiện nhiều, xuất hiện thêm loài mới..., mọi người đều được thông tin qua những “tai mắt” là các thợ lặn hay những người làm dịch vụ ở đây. “Những người làm dịch vụ ở đây là lực lượng cập nhật thông tin hiệu quả cho chúng tôi. Từng biểu hiện nhỏ nhất của hệ sinh thái ở đây, họ đều nắm hết và báo kịp thời”, ông Đàm Hải Vân - Trưởng phòng Bảo tồn BQL vịnh Nha Trang chia sẻ.


Theo khảo sát mới nhất, giá trị trung bình độ phủ san hô sống ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun khoảng 82%, nằm ở thang bậc xếp loại tuyệt vời. Tuy nhiên, việc xuất hiện ít các loài cá rạn san hô lại thể hiện sự khai thác quá mức; bên cạnh đó, các động vật thân mềm như: ốc tù và, cầu gai sọ không bắt gặp ở các mặt cắt khảo sát của đơn vị, đây là đối tượng thường bị săn bắt vì có giá trị cao đã gây mất cân bằng hệ sinh thái. Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, Hòn Mun là một trong các đảo có hệ sinh thái rạn san hô đứng đầu Việt Nam hiện nay. Hệ sinh thái rạn san hô rất nhạy cảm, thường chịu tác động với các yếu tố thiên nhiên như bão, thời tiết; bên cạnh đó, còn có các yếu tố do con người gây ra như: xây dựng làm ảnh hưởng đến môi trường nước, khai thác, phát triển quá mức của hoạt động du lịch biển. Chính vì vậy, công tác bảo tồn vô cùng quan trọng.


Thời gian qua, BQL vịnh Nha Trang đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, duy trì hệ sinh thái biển ở Hòn Mun. Trong đó, phối hợp thường xuyên với các doanh nghiệp du lịch lặn biển, các hộ kinh doanh thúng đáy kính tại đây giám sát tình hình hệ sinh thái, giữ sạch môi trường biển. Trong công tác giáo dục, tuyên truyền, đơn vị đã phối hợp đưa nội dung về đa dạng và bảo vệ hệ sinh thái vào giảng dạy tại 16 trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Cùng với đó, đơn vị đã đề xuất tăng thêm 4 điểm lặn biển mới nằm ngoài khu vực Hòn Mun, hiện nay đã được UBND TP. Nha Trang đồng ý về chủ trương, nếu được UBND tỉnh thông qua, đi vào hoạt động sẽ giảm tải được áp lực cho hệ sinh thái biển ở Hòn Mun.


“Qua các khảo sát, hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun vẫn đang giữ được hiện trạng trong những năm gần đây, ngoại trừ những tác động do khí hậu, thiên tai. Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn hệ sinh thái của Hòn Mun và trên toàn vịnh Nha Trang, giúp nâng cao giá trị du lịch biển cho không chỉ Nha Trang mà còn của tỉnh Khánh Hoà”, ông Vân nói.


V.T