10:04, 26/04/2019

Trường Sa - những ngày tháng Tư…

Những ngày tháng Tư, Trường Sa như gần hơn với đất liền bởi được đón nhiều chuyến tàu ra thăm đảo. Trên con tàu 561 rẽ sóng đến đảo xa, chúng tôi đã gọi đó là hành trình cảm xúc, như một câu thơ "Trường Sa, khi đi mang theo nỗi nhớ/Khi về mang theo niềm tin…".

Những ngày tháng Tư, Trường Sa như gần hơn với đất liền bởi được đón nhiều chuyến tàu ra thăm đảo. Trên con tàu 561 rẽ sóng đến đảo xa, chúng tôi đã gọi đó là hành trình cảm xúc, như một câu thơ “Trường Sa, khi đi mang theo nỗi nhớ/Khi về mang theo niềm tin…”.

 

<p style=

Nụ cười chiến sĩ.


1. Trong mỗi câu chuyện về Trường Sa, ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, người có thời gian gắn bó với nhiều đảo luôn nói mỗi lần ra Trường Sa, ông cảm thấy như được trở về nhà. Đây cũng là cảm giác của nhiều người từng nhiều lần đến mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là ngôi nhà chung mà mỗi lần trở lại, ai cũng thấy bồi hồi, xúc động. Dù là đảo chìm hay đảo nổi, sức sống luôn hiện diện ở mọi nơi, từ nhành cây phong lan được các anh mang từ đất liền ra treo trên ô cửa hứng chịu nắng gió đến rát người vẫn nở hoa tươi tốt, những vườn rau xanh um… đến các công trình được chăm chút xây dựng từ đôi tay và khối óc của những người lính đảo.

 

Quang cảnh Lễ mittinh kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa được tổ chức trên xã đảo Sinh Tồn.

Quang cảnh Lễ mittinh kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa được tổ chức trên xã đảo Sinh Tồn.


Như hôm tới Nam Yết, mặc dù đã đọc nhiều những bài báo, xem nhiều hình ảnh về hòn đảo xanh này, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thanh bình của đảo. Nhìn từ xa, hòn đảo có hình bầu dục hơi hẹp về bề ngang này như một rừng cây giữa biển khơi sóng gió với những cây xanh cổ thụ phía trong và rặng phong ba bao phủ phía ngoài. Thật khó tưởng tượng là cách đây mấy chục năm, nơi này chỉ là đảo đá san hô và cát trắng. Còn giờ đây, Nam Yết được xem như thủ phủ của các loài cây, từ những cây cổ thụ sum suê bóng mát đến dừa, đu đủ, tra, nhàu… và những vườn rau đủ loại. Trung tá Nguyễn Văn Khương - Chính trị viên của đảo cho biết, Nam Yết là nơi cung cấp nhiều giống cây xanh cho các đảo khác. Như năm vừa rồi, đảo đã ươm, chiết được hơn 550 giống cây xanh, chuyển hơn 500 cây con cho các đảo lân cận. Đi dưới những tán cây xanh ngắt, ghé thăm nhà truyền thống, rồi đến chùa thắp nén hương, hình như ai cũng có cảm giác mình đang trở về nhà của mình, cảm nhận được sự bình yên dù nhìn ra bờ đối diện vẫn thấy rõ sự giương oai của các tàu lạ…

 

Đoàn công tác thăm, làm việc với quân và dân  đảo Trường Sa.

Đoàn công tác thăm, làm việc với quân và dân đảo Trường Sa.

 

Những ngôi nhà mà chúng tôi có dịp ghé qua, từ Thuyền Chài, Sinh Tồn, Đá Tây… tới Trường Sa Lớn, ở đâu cũng thấy toát lên một sức sống mãnh liệt. Nhất là ở Trường Sa Lớn - nơi được xem là thủ đô của huyện Trường Sa. Thật tình cờ là trước đó, tôi đã xem được bộ ảnh tư liệu của các nhà báo ở Thông tấn xã Việt Nam về Trường Sa Lớn năm 1988. Khi ấy, nơi đây chỉ là một bãi đá san hô với nắng gió khắc nghiệt, chỉ có những dãy nhà và những ụ pháo thô sơ… Những bức ảnh của quá khứ và hiện tại cũng đủ để cho ai đó chưa một lần đến Trường Sa hình dung sự đổi thay như thế nào. Nhưng quả thật, khi bước chân qua cầu cảng vào đảo, chúng tôi vẫn thấy choáng ngợp trước hình ảnh một Trường Sa Lớn với những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như: sân bay, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm xá, những ngôi nhà khang trang của các hộ dân và ngôi chùa rộng rãi, nơi chiều chiều vang lên những tiếng chuông ngân dài…

Sức sống ấy ngày một mãnh liệt và lan tỏa, như chính tinh thần hiên ngang, bất khuất của Trường Sa…

2. Chúng tôi bất chợt bắt gặp khoảnh khắc cựu chiến binh Mai Quốc Phòng (đoàn cựu chiến binh Hà Nội) thường đứng lặng người mỗi khi ông đặt chân tới các điểm đảo. 70 tuổi, người lính già này có một thời thanh xuân gắn liền với Trường Sa. Hơn 40 năm sau quay lại, ông thật sự xúc động khi thấy Trường Sa ngày xưa giờ đã thật sự thay đổi. Nói chuyện với những người lính trẻ, ông như tìm lại những ký ức của chính mình. Vẫn là một Trường Sa nắng gió khắc nghiệt, một Trường Sa đối mặt với nhiều thách thức, nhưng trong mắt của những cựu binh này, mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió giờ đã vững mạnh hơn rất nhiều. Nhìn những người lính già bắt tay, hỏi chuyện những người lính trẻ, chúng tôi nhận thấy nụ cười của hai thế hệ Trường Sa rất giống nhau - nồng ấm và chân tình.

 

Chiến sĩ đảo An Bang  trình bày ca khúc tự sáng tác.

Chiến sĩ đảo An Bang trình bày ca khúc tự sáng tác.


Nụ cười ấy có trên gương mặt rám nắng của các chiến sĩ trẻ. Như tân binh Nguyễn Văn Tiến quê ở Ninh Hòa, mới tròn 20 tuổi, háo hức khi gặp đồng hương: “Hồi nhỏ nghe kể về Trường Sa, em đã ao ước một lần được đến nơi này. Giờ thì ước mơ đã thành hiện thực, em đã trở thành chiến sĩ Trường Sa, vui và tự hào lắm chị ạ!”. Hay như Đặng Bảo Tấn - quê Cam Lâm, lúc biểu diễn văn nghệ đã tự tin hát bài hát do mình sáng tác về đảo An Bang với lời tự tình sâu sắc: “An Bang xinh đẹp, An Bang kiên cường, tự hào là người lính Trường Sa…”. Tấn kể mình đã có công việc ổn định là một nhân viên khách sạn ở Nha Trang, nhưng Tấn đã gác lại mọi việc để nhập ngũ. “Thật may mắn là em được ra Trường Sa. Ra đây mới thấy thêm yêu Tổ quốc mình, thêm trân trọng và tự hào về những đóng góp và hi sinh của các thế hệ cha anh đã dày công xây dựng Trường Sa như ngày hôm nay…”, Tấn chia sẻ.


Nụ cười Trường Sa còn có trên gương mặt của các cư dân Sinh Tồn, Trường Sa Lớn. Đúng như câu “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, những hộ dân này đã xem Trường Sa như một ngôi nhà chung mà ở đó họ được sống trong sự yêu thương, đùm bọc, quan tâm của những người lính đảo. Ở nơi này, tình hàng xóm, tình quân dân thật sự sâu đậm, bởi ngày nào họ cũng gặp nhau, hiểu rõ về nhau, cùng san sẻ trong cuộc sống hàng ngày. Trên đảo, không ít lần chúng tôi bắt gặp những cậu lính công kênh trẻ nhỏ, chơi đùa với chúng. Cũng thật lạ là những nụ cười rất trẻ, rất đáng yêu, rất Trường Sa…


3. Nụ cười ấy - ở đảo Cô Lin, lại gợi mở nhiều câu chuyện. Những cậu lính trẻ nhoẻn miệng cười tươi khi được hỏi về cuộc sống trên đảo. Thượng úy Ngô Văn Bun - Chính trị viên đảo Cô Lin cho chúng tôi biết: Cô Lin là đảo cấp 3 với nhiều bãi đá ngầm nên việc di chuyển để vào đảo rất khó khăn. Lương thực, thực phẩm, nước ngọt cũng hoàn toàn trông chờ vào những trận mưa hoặc là những chuyến tàu chuyển hàng ra đảo. “So với trước kia, những khó khăn giờ có thấm gì so với mồ hôi, xương máu của bao người đã nằm xuống để giữ được hòn đảo này”, Thượng úy Bun trầm ngâm và chỉ cho chúng tôi xem hướng con tàu HQ505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14-3-1988. Con tàu ấy đã bị chìm, nhưng dấu tích về những ngày bi tráng vẫn còn in đậm ở nơi này.


Lúc lên đảo, chúng tôi trao nhau những nụ cười với những người lính trẻ. Nhưng thật sự, khóe mắt ai cũng cảm thấy cay cay khi nhắc về trận chiến năm nào. Nhỏ nhoi nhưng mạnh mẽ, kiên cường - đó là hình ảnh của Cô Lin. Bãi đá san hô năm nào giờ đã được xây dựng kiên cố với khối nhà 3 tầng, trên đảo vẫn thấy những mầm xanh đang vươn, cả những bông hoa giấy nở rực rỡ... Tuyệt nhiên không thấy vẻ cứng cỏi của khối bê tông, chỉ thấy đảo như một ngôi nhà nhỏ ấm cúng. Các chiến sĩ cho biết, đây là vùng biển nhạy cảm nhất trong quần đảo Trường Sa, nơi tập trung với mật độ cao số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản của các nước như: Philippines, Malaysia, Trung Quốc… Vì vậy những người lính đảo không bao giờ cho phép mình lơ là mất cảnh giác.


Chợt thấy ấm lòng với những nụ cười của các chiến sĩ. Ấm lòng với những ánh mắt cương nghị, đanh như thép của những anh lính bồng súng đứng gác, dõi về phía bên kia là Gạc Ma…


Tinh thần người lính Trường Sa, qua bao đời vẫn thế!


    Bài: Lệ Hằng  - Ảnh: Phú Quốc