06:02, 05/02/2019

Tết cổ truyền nơi đầu sóng ngọn gió

Không được "gieo rắc ngàn phồn hoa" như ở đất liền, sóng vẫn lớn và gió không thôi ngừng gào thét, dẫu vậy, ngày Tết ở Trường Sa vẫn ấm áp bằng tình cảm thắm đượm giữa những con người của biển khơi.

Không được “gieo rắc ngàn phồn hoa” như ở đất liền, sóng vẫn lớn và gió không thôi ngừng gào thét, dẫu vậy, ngày Tết ở Trường Sa vẫn ấm áp bằng tình cảm thắm đượm giữa những con người của biển khơi. Hẳn nhiên, bánh chưng xanh, câu đối đỏ và những lời chúc mừng vẫn là phong vị không thể thiếu trong niềm rộn ràng của ngày Tết dân tộc.

 

Ấm áp chiều cuối năm

 

Chiều 28 Tết, cùng với quân dân trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, các chiến sĩ trên đảo Nam Yết tiến hành gói bánh chưng. Và để thêm phần thú vị, cuộc thi gói bánh được tổ chức thường niên là hoạt động đón nhận được nhiều sự quan tâm nhất của mọi người. Không chỉ thơm bùi của nếp quyện với vị ngọt nồng của thịt ướp tiêu, bánh chưng Trường Sa còn mang thêm chút gia vị đắng chát đặc trưng bởi bánh được bao gói bằng lá bàng vuông.

 

Cuộc thi gói bánh chưng là một hoạt động truyền thống vao dịp Tết của bộ đội Trường Sa.
Cuộc thi gói bánh chưng là một hoạt động truyền thống vao dịp Tết của bộ đội Trường Sa.

 

Những chiếc lá bàng to, non mơn mởn được người lính khéo léo hấp lên, rồi bao gói vuông vức, đẹp không kém gì so với gói bánh bằng lá dong như ở đất liền. “Đây là hoạt động không chỉ ở Nam Yết, mà hầu hết các hòn đảo trên quần đảo Trường Sa thân yêu đều tổ chức nhiều hoạt động vui xuân đón tết trên tinh thần vui tươi, ý nghĩa, tiết kiệm” - Trung tá Đào Văn Khả, Chỉ huy Trưởng đảo Nam Yết chia sẻ. Điều đặc biệt ở Nam Yết, nơi có cây bàng vuông được công nhận là cây di sản, những chiếc bánh chưng được làm từ lá bàng vuông càng trở nên ý nghĩa hơn.

 

Qua bàn tay khéo léo của người lính, những chiếc lá bàng vuông gói bánh chưng rất đẹp.
Qua bàn tay khéo léo của người lính, những chiếc lá bàng vuông gói bánh chưng rất đẹp.

 

Giữa không khí vui tươi ngày Tết, chúng tôi được đến gia đình anh Sầm Văn Lương tại đảo Song Tử Tây. Khi chúng tôi đến, người vợ Trương Thị Mùi đang tất bật dọn mâm cỗ tất niên có đủ thịt, cá, rau xanh và không thể thiếu bánh chưng, dưa hành và giò lụa. Đứa con gái chuẩn bị bước sang tuổi thứ 6 của anh chị cũng đã biết phụ giúp mẹ một tay, còn anh Lương đang loay sửa sang lại bàn thờ gia tiên, trang hoàng lại phòng khách cho tươm tất để chuẩn bị mời hàng xóm sang ăn tất niên. Chị cho biết, bữa cơm cuối năm nơi đây không khác nhiều so với đất liền. “Bà con chòm xóm cuối năm ai cũng bận rộn, ai cũng cúng tất niên, nhưng cũng đều dành cho nhau một ít thời gian qua nhà của nhau quây quần, ấm cúng như một thời khắc ôn lại năm cũ, tống cựu nghinh tân” – anh Lương cho biết.

 

Bữa tiệc tất niên ở một gia đình tại đảo Song Tử Tây
Bữa tiệc tất niên ở một gia đình tại đảo Song Tử Tây

 

Cạnh nhà anh Lương, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Được, chị Lan cũng nghi ngút khói bếp quyện với mùi thơm của thức ăn, hoa trái. Vừa mở những gói bánh, kẹo, trái cây, cắm hoa để sửa soạn cho bàn thờ gia tiên, anh Được cho biết hồi còn nhỏ, tôi lớn lên ở vùng biển, có nuôi tôm và làm nghề biển, nên tôi đã gắn bó với biển từ bé thơ đến giờ. Tết trên đảo không được rộn ràng như ở đất liền, nhưng nơi đây cũng có nhiều hoạt động vui lắm, như là giao lưu thể thao, kéo co, cờ tướng, nhảy bao bố, văn nghệ…

 

Vợ chồng anh Được chuẩn bị bánh kẹo, hoa quả đón Tết
Vợ chồng anh Được chuẩn bị bánh kẹo, hoa quả đón Tết

 

Trong câu chuyện ở bữa cơm tất niên, nhiều đôi vợ chồng, con cái cùng ngồi lại với nhau. câu chuyện giữa những anh chồng là mẻ lưới, con cá… còn các bà vợ không quên “khoe” nhau về những vườn rau đủ thứ xanh mướt mà họ đã dày công vun xới. Chị Lưu Thị Cẩm Hằng, nhà ở số 4 cho biết: “Ngày thường, ngoài việc cơm nước, trồng trọt, chăm sóc con cái, tôi còn làm thêm nghề tay trái là uốn tóc, gội đầu cho chị em trong xóm. Xóm nhỏ, nên toàn bộ đều là khách ruột” – chị cười lớn.

 

Không được “hoành tráng” như ở các đảo nổi, tại các đảo chìm, với diện tích nhỏ hẹp, các hoạt động vui xuân đón tết nơi đây cũng bị bó hẹp theo. Văn nghệ, cờ tướng, bóng bàn là 3 chương trình “ruột” tại các đảo chìm. Cũng như tại nhiều đảo khác, phòng họp thường ngày trên các đảo chìm là nơi tổ chức các hoạt động chính trong những ngày xuân. Nơi đây được các chiến sĩ trang hoàng đẹp mắt bởi những sợi dây kim tuyến, ánh đèn nhấp nháy và mâm bánh kẹo, trái cây… tuy đơn sơ nhưng cũng rất tươm tất.

 

Sâu lắng ngày đầu năm

 

Nếu như các hoạt động chuẩn bị đón năm mới diễn ra khá sôi nổi, nhộn nhịp, thì ngược lại, buổi sáng mùng 1 Tết ở Trường Sa như tĩnh lặng hơn, sâu lắng hơn. Chúng tôi đến đảo Sinh Tồn Đông, hòn đảo nhỏ xinh đón chào năm mới như thông lệ là buổi lễ chào cờ đầu năm uy nghi, trang trọng. Tiếng quốc ca Việt Nam vang lên giữa trùng khơi mang lại cho mọi người cảm xúc khó tả. Trung úy Phạm Văn Việt, nhân viên cơ yếu chia sẻ: “Đây là lần thứ 4 tôi đón Tết trên đảo. Mỗi khi đứng trước lá Quốc kỳ, hát lên tiếng Quốc ca hùng tráng, tôi lại thấy khóe mắt cay cay. Xúc động, tự hào và càng thêm quyết tâm giữ chắc tay súng, vững tâm gìn giữ biển đảo quê hương”.

 

Đến với đảo Sơn Ca, nơi có ngôi chùa Sơn Linh kỳ vĩ, cổ kính, cả hòn đảo được đánh giá xinh đẹp bậc nhất quần đảo Trường Sa này vào sàng mùng 1 tết như lắng lại. Buổi lễ chùa đầu năm cùng với lời thỉnh cầu về sức khỏe, bình an, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn mong cho đất nước được bình yên, cho từng tấc đất, tấc biển được gìn giữ. Tương tự, tại chùa Song Tử Tây trên đảo Song Tử Tây, quân và dân trên đảo cùng nhau tìm đến với điểm tựa tâm linh này để gửi gắm khát vọng bình an – không chỉ cho bản thân mà còn cho cả đất nước, khát vọng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

 

Lễ chùa đầu năm tại Đảo Song Tử Tây
Lễ chùa đầu năm tại Đảo Song Tử Tây

 

Ngày Tết ở Trường Sa rất đặc biệt. Có nét sôi nổi ngày giáp tết, có chút lắng lại trong dịp đầu năm. Tất thảy diễn ra trong bối cảnh “nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc đặt lên hàng đầu”, hoàn cảnh, điều kiện, không phải là thuận lợi nhất cho mọi người có thể thoải mái vui xuân, đón tết. Nhưng Tết cổ truyền ở Trường Sa vẫn luôn thắm đượm nét truyền thống của dân tộc.

 

Hồng Đăng