11:01, 08/01/2019

Thắp sáng ước mơ

Như những chồi non vươn mình lớn lên trong giông bão, hai em học sinh trong bài viết của chúng tôi tuy hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung nghị lực vượt lên trên những thiệt thòi, biến cố trong cuộc sống…

Như những chồi non vươn mình lớn lên trong giông bão, hai em học sinh trong bài viết của chúng tôi tuy hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung nghị lực vượt lên trên những thiệt thòi, biến cố trong cuộc sống…


“Chim cánh cụt” viết chữ đẹp


Một sáng như mọi ngày, bé Nguyễn Anh Kiệt, lớp 1.2, Trường Tiểu học Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) được mẹ chở đến trường. “Mẹ ơi, sao mẹ đẻ chị Trân có tay mà con không có tay?”, câu hỏi thơ ngây của cậu con trai khiến chị Nguyễn Thị Kim trào nước mắt. Nhưng cậu bé thì chẳng bận tâm lâu. Đeo cặp sách trên vai, cậu bé tươi cười chào mẹ, rồi bước chân sáo líu ríu, khua khua cánh tay phải bị cụt đến khuỷu, tay trái chỉ có 3 ngón không đều để gọi bạn rồi thi nhau nói cười rổn rảng. Đến chỗ ngồi quen thuộc ngay bàn đầu lớp học, rất mau lẹ, Kiệt tự lấy đồ dùng học tập, sách vở. Cũng 3 ngón tay nhỏ xíu ấy, cậu bé thoăn thoắt với lấy chiếc bút, nghiêng nghiêng đầu tì vào vai rồi cặm cụi lia từng con chữ tròn vành, rõ nét. Thỉnh thoảng, cô giáo phải chỉnh tư thế ngồi vì cậu bé mải mê tập viết. “Những ngày đầu đến lớp, các thầy cô giáo chỉ dám mong Kiệt sẽ học thuộc mặt chữ, biết đọc, biết ghép vần chứ không dám nghĩ đến việc con sẽ viết được chữ. Vậy mà không lâu sau, con cầm bút thuần thục và tự viết được chữ rất đẹp, mà lại là viết bằng tay trái”, cô Phan Thị Thanh Kiều - giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết.

 

Bé Nguyễn Anh Kiệt rất hòa đồng với các bạn.

Bé Nguyễn Anh Kiệt rất hòa đồng với các bạn.


Nhớ lại 6 năm về trước, chưa kịp hưởng niềm hạnh phúc đón đứa con thứ hai chào đời, chị Nguyễn Thị Kim phải đối diện với cú sốc lớn khi biết con trai bị khiếm khuyết đôi tay. “6 lần siêu âm, kể cả siêu âm màu ở các mốc quan trọng của thai kỳ nhằm phát hiện dị tật thai nhi, bác sĩ đều không phát hiện điều gì bất thường. Có lúc tôi còn tưởng họ trao nhầm con…”, chị Kim kể. Những năm đầu đời sức đề kháng của Kiệt rất yếu, thường xuyên đau ốm. Không biết bao lần hai vợ chồng chị ôm con gõ cửa các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, chạy đi chạy về các trung tâm phục hồi chức năng. Có lúc, kinh tế gia đình rơi vào khó khăn, hai vợ chồng chị phải tìm đủ cách xoay sở để có tiền chạy chữa cho Kiệt.


Hai tay không lành lặn, nên việc tập bò, tập đi của Kiệt đều vất vả hơn những đứa trẻ khác. Thế rồi sau bao lần vấp ngã, con đã có thể tự mình ngồi dậy, rồi chập chững bước những bước đi đầu đời. Đến tuổi đi học mẫu giáo, chị Kim dắt con đi các trường xin học nhưng đều nhận được cái lắc đầu. May mắn, chị cũng xin cho con được vào học ở một trường. Đi đâu chị cũng dẫn con theo, cho con tiếp xúc nhiều với mọi người và cuộc sống xung quanh để thêm dạn dĩ.

 

Đối với những đứa trẻ bình thường, việc bắt đầu tập viết chữ vốn đã khó khăn, thì với Anh Kiệt, viết được chữ tưởng như là chuyện không thể. Ban đầu, chị Kim hướng dẫn cho con dùng chân để kẹp cây viết. Nhưng cậu bé bướng bỉnh không chịu, nhất định dùng tay trái nguệch ngoạc những nét bút đầu tiên theo cách của mình. Những ngày đầu bàn tay còn lóng ngóng, nét chữ méo mó không thẳng hàng. Nhưng cậu bé không bỏ cuộc. Giờ đây không chỉ viết đẹp, Kiệt còn tự xúc cơm ăn, tự cầm bàn chải đánh răng, tự rót nước, đặc biệt là rất hứng thú và thành thục với trò chơi ghép hình. Có khi lại lăng xăng đòi phụ giúp bố mẹ lau nhà, quét dọn… Hỏi Kiệt có thích đi học không, cậu bé vô tư đáp: “Đi học con vui lắm. Có bạn Kim Yến, Tiến Đạt, Anh Phúc… chơi thân với con. Các bạn hay giúp đỡ con. Ai chọc con, Kim Yến lên méc chị (chị gái của Kiệt)…!”. Mơ ước của cậu bé là có thể xây nhà cho mẹ, vì “thấy mẹ vất vả, con thương mẹ lắm...!”.


Là người có nhiều kinh nghiệm dạy học sinh khuyết tật, cô Phan Thị Thanh Kiều cho biết: “Thông thường, học sinh khuyết tật sẽ được học chương trình giảm nhẹ so với học sinh bình thường, nhưng Kiệt không cần giảm nhẹ mà ngược lại, con rất thông minh, có thể làm rất tốt, rất giỏi đề kiểm tra chung. Đặc biệt là làm Toán nhanh. Nhiều bạn chưa hiểu bài còn đến hỏi Kiệt. Con cũng rất hòa đồng, vui vẻ với các bạn. Tuy có lúc bị anh chị lớp lớn tò mò, trêu chọc, nhưng Kiệt vẫn là cậu bé mạnh dạn, lạc quan. Mọi hoạt động ở trường, thầy cô đều tạo điều kiện cho Kiệt phát huy tính tích cực, tự lực.” Thầy Hoàng Văn Nga - giáo viên Thể dục cho biết, Kiệt thuộc đối tượng học sinh được miễn hoàn toàn môn Thể dục nhưng con vẫn thích tập, thích vận động. Khả năng của Kiệt ngày hôm nay vượt ngoài sức tưởng tượng của cha mẹ, gia đình, thầy cô giáo và nhiều người.


Cô học trò đam mê văn học Việt Nam


5 năm trước, gia đình em Phạm Ngọc Trang Hòa gặp biến cố lớn khi ba phải ngừng công việc sửa chữa điện tử vì bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối, đã di căn vào xương. Với đồng lương nhà giáo, mẹ em - cô Phan Thị Thúy Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Lộc Thọ phải vất vả xoay sở để vừa nuôi 2 con nhỏ, vừa chạy chữa cho chồng. Mới đây, mẹ em lại đột nhiên bị phù không rõ nguyên nhân, phải nằm viện và hiện vẫn đang phải tiếp tục theo dõi.

 

Em Phạm Ngọc Trang Hòa (bên phải) cùng bạn.

Em Phạm Ngọc Trang Hòa (bên phải) cùng bạn.


Những biến cố gia đình không làm cho cô bé lớp 9.8 Trường THCS Âu Cơ (TP. Nha Trang) nản lòng. Thành tích học tập, rèn luyện của Hòa khiến bạn bè và thầy cô đều nể phục. Hầu như năm học nào kết quả học tập của em cũng đứng nhất nhì khối. Học kỳ 1 năm học 2018 - 2019, Hòa xuất sắc đạt điểm trung bình các môn là 9,7. Em cũng vừa đạt giải nhất Ngữ văn thành phố năm học 2018 - 2019, đóng góp vào thành tích trường là đạt giải nhất toàn đoàn và chuẩn bị tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Không chỉ vậy, với năng khiếu điều phối và quản lý, ngay từ tiểu học, Hòa đã có “thâm niên” làm lớp trưởng, làm chỉ huy đội và từng được nhận giấy khen học sinh nhỏ tuổi nhất tham gia công tác đoàn.

3 năm đầu cấp 2 làm liên đội phó, năm học này Hòa được cô Tổng Phụ trách Đội tin tưởng giao làm liên đội trưởng. Cô bạn còn vẽ rất đẹp và khéo tay, thường xuyên tham gia vẽ báo tường và các cuộc thi ở trường, lớp…

 

Bức tranh chị Võ Thị Sáu do em Phạm Ngọc Trang Hòa vẽ năm lớp 8.

Bức tranh chị Võ Thị Sáu do em Phạm Ngọc Trang Hòa vẽ năm lớp 8.


Những thành tích và năng khiếu ấy, phải nhờ cô giáo và mẹ chia sẻ, chúng tôi mới biết tỏ tường. Bởi Hòa rất khiêm nhường khi nói về mình, càng không ai thấy em than vãn về hoàn cảnh. Cô Phan Thị Thúy Hằng chia sẻ, chẳng bao giờ thấy con gái đòi hỏi, mè nheo. Cô bé học rất tự giác, có lần nửa đêm mẹ tỉnh dậy bỗng giật mình vì thấy con vẫn đang cặm cụi ngồi học. Thói quen, và cũng là sở thích của Hòa là viết và đọc. Em đặc biệt say mê những tác phẩm văn học Việt Nam và sách viết về các nhà văn nổi tiếng trong nước. Thư viện tỉnh là địa chỉ quen thuộc mà mỗi khi rảnh rỗi Hòa đều lui tới. Cô học trò nhỏ nhắn còn tham gia làm cộng tác viên ở thư viện trường để giới thiệu sách hay cho các bạn. Không thần tượng ca sĩ, diễn viên… như nhiều bạn bè cùng trang lứa, thần tượng của Hòa là “một chị học rất giỏi của lớp 10 chuyên Văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn”.


Cô Trần Thị Thanh Huyền - giáo viên chủ nhiệm lớp 9.8 nhận xét: “Suy nghĩ của Hòa chững chạc hơn đa số các bạn. Em là một liên đội trưởng, lớp trưởng rất gương mẫu, học giỏi, nhiệt tình và có trách nhiệm trong công tác lớp. Thường xuyên giúp đỡ bạn bè trong học tập; lại rất hòa đồng, vui vẻ nên được tất cả các bạn yêu mến, rất nể và tin tưởng”. Còn cô Lê Thị Thanh Nga - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Âu Cơ cũng dành nhiều lời khen cho Hòa: “Em rất ngoan, nhiệt tình, chăm chỉ, có trách nhiệm trong mọi việc. Dù có lúc bị ốm nhưng Hòa vẫn thực hiện nhiệm vụ được giao, không vì hoàn cảnh mà làm ảnh hưởng”.


Như có một phép màu, thời gian gần đây bố Hòa có thể đi lại được, sức khỏe cũng có những biến chuyển tốt. Mẹ em cũng đã có thể đi dạy trở lại và quán xuyến việc nhà. Hòa đặt mục tiêu trước mắt cho mình là năm học tới sẽ thi đỗ vào lớp 10 chuyên Văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Nhưng trong tương lai, cô bé lại thích trở thành một nhà kinh doanh, một “người phụ nữ thành đạt, để đền đáp cho ba mẹ”.



HOÀNG NGÂN