11:12, 11/12/2018

"Bác sĩ" của tàu cá

Ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, Nha Trang có rất nhiều tiệm sửa chữa máy tàu cá, với hàng chục thợ máy không bằng cấp nhưng rất lành nghề. Nhiều năm qua, họ đã không ngại đường xa, vượt sóng gió, ra khơi ứng cứu, sửa chữa tàu cá của ngư dân đang gặp nạn trên biển...  Ngư dân yêu mến ví cánh thợ này là "bác sĩ" của tàu cá.

Ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, Nha Trang có rất nhiều tiệm sửa chữa máy tàu cá, với hàng chục thợ máy không bằng cấp nhưng rất lành nghề. Nhiều năm qua, họ đã không ngại đường xa, vượt sóng gió, ra khơi ứng cứu, sửa chữa tàu cá của ngư dân đang gặp nạn trên biển...  Ngư dân yêu mến ví cánh thợ này là “bác sĩ” của tàu cá.


Những ngày này, các tiệm sửa máy tàu cá ở Hòn Rớ như: tiệm ông Ba Tường, Quang Anh, Thành Các, Phúc Việt… đang nhộn nhịp với việc bảo trì, lắp máy cho ngư dân chuẩn bị ra khơi sau mùa mưa bão. Dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, những chiếc máy tàu cá hiệu Yanma 450CV, 700CV được bày sát mặt đường…

 

Thợ máy đang vệ sinh ống piston.

Thợ máy đang vệ sinh ống piston.


Chẩn bệnh cho tàu


8 giờ ngày 1-12, anh Nguyễn Văn Quang (chủ cơ sở sửa chữa máy tàu Quang Anh, ở Hòn Rớ) nhận được điện thoại của ông Võ Quang - chủ tàu cá Bình Định. Con tàu hơn 1.000CV của ông Quang đợt này hay chảy nhớt, nghe qua, anh Quang chẩn ngay bệnh: “Máy tàu bị mòn bạc rồi, phải thay thôi”. Kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề giúp anh Quang có thể chẩn đoán khá chính xác những hỏng hóc của máy tàu, dù đôi khi chỉ nghe mô tả triệu chứng qua điện thoại. Tàu được kéo về khu neo đậu, anh Quang liền cho tốp thợ 6 người ra tháo máy để bảo trì, thay bạc cho piston của máy tàu.


Theo chân tốp thợ, tôi ra tận nơi, chui vào khoang máy của tàu để xem cánh thợ sửa chữa. Tàu có 3 máy, ngoài máy chính hơn 1.000CV còn có 2 máy phụ 320CV dùng để phát điện. Hầm tàu nóng bức, chật chội, mọi việc đều phải làm bằng tay, nhưng chỉ một lúc tốp thợ lành nghề đã mở xong lớp vỏ ngoài. Từng cục piston lần lượt được đem ra ngoài… Mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm lưng áo, mặt lấm lem dầu mỡ, nhưng những người thợ sửa tàu vẫn cần mẫn với công việc của mình. Lâu lâu lại có một vài câu pha trò cho không khí bớt trầm lắng. Phạm Hồng Sáng (quê xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh) tâm sự, trước đây anh học nghề sửa ô tô, sau này mới theo làm nghề sửa máy tàu thủy. “Nghề này tự dạy nhau là chính, không trường lớp chính quy nhưng làm lâu cũng quen, riết rồi thành thạo, mọi linh kiện đều thuộc như lòng bàn tay…”, anh Sáng tâm sự.

 

Anh Lê Nguyễn Hoàng bên máy tàu 710CV.

Anh Lê Nguyễn Hoàng bên máy tàu 710CV.

 
Cách đó không xa, tiệm của ông Nguyễn Khánh (mọi người quen gọi là Ba Tường) ở số 304-305 đường Nguyễn Văn Linh, các thợ máy cũng đang chỉnh lại chiếc máy Yanma 710CV để lắp cho khách. Người đặt hàng thay máy là anh Võ Quốc Bảo, cũng ở Hòn Rớ. Bắt chuyện anh Bảo cho biết: “Tàu nhà tôi đang chạy máy 320CV, lần này tôi bỏ ra gần 400 triệu đồng nâng cấp lên máy 710CV, đưa máy cũ ra làm máy phát điện. Bây giờ đánh bắt khơi xa, phải lắp máy có công suất lớn thì mới có thể đi dài ngày, chịu được sóng gió”. Từ nhiều năm nay, gia đình anh đều đặt niềm tin vào tiệm sửa máy tàu thủy của ông Ba Tường, có hư hỏng hay cần thay máy gì đều tìm đến tiệm của người thợ già này. “Ở Hòn Rớ này có rất nhiều tiệm sửa máy tàu thủy có uy tín. Tuy là thợ tay ngang, không qua trường lớp đào tạo nhưng họ đều là những thợ máy lành nghề, thao tác xử lý cực nhanh không thua gì các kỹ sư cơ khí chính hiệu. Những chuyến đi biển của ngư dân được thuận lợi hay không một phần nhờ vào các thợ máy ở khu vực này”, anh Bảo chia sẻ.


Cấp cứu ở khơi xa


Không chỉ sửa chữa tại xưởng, những cơ sở sửa chữa máy tàu cá lớn ở khu vực Hòn Rớ… đều có những tốp thợ chuyên sửa chữa lưu động, họ có mặt khắp nơi khi tàu của ngư dân gặp sự cố. Cách đây nửa tháng, nhóm thợ máy của tiệm Quang Anh phải lặn lội vào Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) để “cấp cứu” tàu cá 750CV của ông Tằng Canh (Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa). “Máy tàu bị bể piston. Chúng tôi mang theo phụ tùng bắt xe vào TP. Hồ Chí Minh, sau đó đi tiếp xuống Hà Tiên rồi đi ghe ra nơi tàu đang neo đậu để sửa chữa”, anh Lê Công Bình - một trong những thợ tham gia nhóm sửa tàu kể lại. Đời thợ sửa máy tàu chuyện phải vào Nam, ra Bắc để sửa chữa tàu đã trở thành chuyện thường ngày. Anh Quang vẫn nhớ chuyến đi năm 2011 phải ra tận đảo Thổ Chu để sửa tàu cho ông Thiện ở đảo Trí Nguyên, Nha Trang. “Nghe chủ tàu gọi về tôi đoán ngay là tàu bị bể hộp số. Đường xa, nhiều chặng phải đi thuyền, nên tôi cho anh em tháo hộp số ra nhiều phần nhỏ, ra đến nơi mới ráp lại, thay thế cho hộp số bị hư hỏng”, anh Quang kể.

 

Mới đây, một tốp thợ của tiệm ông Ba Tường cũng đã ứng cứu tàu cá của ông Ba Bụng (Vĩnh Nguyên, Nha Trang) ở vùng biển gần Bình Tuy, tỉnh Bình Thuận vì máy tàu bị gãy cốt. Trước đó, tốp thợ này cũng phải đi sửa tàu ở Phú Quốc, Kiên Giang cho một chủ tàu cá Bình Định… “Đời của người thợ máy tàu đã gắn chặt với các chủ tàu cá. Họ ăn nên làm ra thì mới có điều kiện nâng cấp, đại tu máy móc… mình mới có việc làm. Khi khó khăn, ngư dân đặt niềm tin vào mình. Mình không thể phụ lòng của họ. Dù máy có bị hư hỏng khó khăn đến đâu cũng phải sửa cho kỳ được mới thôi”, ông Ba Tường - một trong những người thợ lâu năm nhất, cũng là thầy dạy của nhiều thợ sửa máy tàu ở khu vực Hòn Rớ tâm sự.

 

Một thợ máy đang thay vòng bạc cho piston của máy tàu cá.

Một thợ máy đang thay vòng bạc cho piston của máy tàu cá.

 

Tiếng lành đồn xa


Ở khu vực Hòn Rớ, ngoài thế hệ lớn tuổi như ông Ba Tường, Năm Châu… còn có những người thợ lành nghề với 10 - 20 năm kinh nghiệm. Anh Lê Nguyễn Hoàng - một thợ có kinh nghiệm 20 năm làm nghề cho biết, có những loại máy móc đời mới của nước ngoài nhập về không có sách hướng dẫn lắp ráp, họ lại phải lên mạng Internet, lần theo số hiệu của máy để tìm hướng dẫn lắp ráp; có lúc phải nhờ người biết tiếng Anh dịch ra rồi về mày mò tự lắp ráp, hoàn chỉnh đâu vào đấy.


Theo đánh giá của ngư dân, các thợ sửa chữa tàu cá ở Nha Trang có trình độ hàng đầu ở khu vực Nam Trung bộ. Họ có thể sửa chữa được những đời máy mới nhất. Thế nên, ngoài tàu cá của Khánh Hòa, các tàu cá của nhiều tỉnh, thành trong khu vực như: Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam… cũng kéo về đây sửa chữa. Người các nơi cũng về đây học nghề. Anh Nguyễn Văn Quang - chủ tiệm Quang Anh cho biết, hơn 20 năm trước, từ quê nhà ở Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi anh đã nghe tiếng các thợ máy ở Nha Trang rất giỏi nghề. Thế nên, 17 tuổi vừa học hết lớp 10 anh đã khăn gói vào Nha Trang để theo học nghề ở tiệm của thầy Ba Tường. Dự định học xong sẽ về quê lập nghiệp, nhưng rồi anh đã gắn bó luôn với mảnh đất này. “Năm 2007, sau 11 năm theo học và làm nghề, tôi lập gia đình rồi xuống Hòn Rớ mở xưởng sửa chữa máy phục vụ ngư dân, vừa dạy nghề cho lớp đàn em”, anh Quang chia sẻ.


Đi qua các tiệm sửa máy tàu ở khu vực Hòn Rớ, tôi gặp đủ các giọng nói trong Nam, ngoài Bắc đang làm nghề, học nghề ở đây. Tại tiệm của ông Ba Tường, tôi gặp Nguyễn Đình Tuấn (24 tuổi, quê Bình Định) đã học nghề 3 năm, thường xuyên đứng máy tiện để tiện bu lông. Nhìn cách Tuấn chăm chú vào từng động tác tôi như thấy được nỗi đam mê học và làm nghề của em.  Cũng tại đây, tôi gặp Nguyễn Văn Khánh (18 tuổi, quê ở Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đang học nghề được khoảng 1 năm. “Em đọc báo thấy ở Nha Trang có nhiều tiệm sửa máy tàu thủy rất nổi tiếng nên vào đây xin học nghề. Quê em cũng có nhiều người đi biển, nên mơ ước của em là sau này sẽ về quê mở được tiệm sửa máy tàu cho bà con quê mình”, Khánh nói. Ở tuổi mà nhiều người còn đang “ăn bám” gia đình, Khánh đã xác định cho mình một hướng đi rất rõ ràng.


Đến với những người thợ sửa chữa máy tàu cá, tôi không khỏi khâm phục tinh thần làm việc chăm chỉ và quyết tâm vượt khó của họ. Bởi đâu phải ai cũng đủ quyết tâm, đam mê để suốt ngày làm bạn với máy móc, linh kiện, áo quần lấm lem dầu mỡ… Chia tay cánh thợ máy, tôi cứ nhớ mãi ánh mắt lấp lánh của Khánh khi nói về ước mơ mai này sẽ mở tiệm sửa chữa máy tàu cho người dân quê mình.



THÀNH NGUYỄN