11:06, 29/06/2018

Xe ôm thời công nghệ

Khác với xe ôm truyền thống, đi GrabBike thường rẻ hơn, xe đẹp hơn, có thể gọi xe bất cứ lúc nào và biết trước số tiền phải trả nên khách hàng hào hứng sử dụng dịch vụ "xe ôm công nghệ".

Khác với xe ôm truyền thống, đi GrabBike thường rẻ hơn, xe đẹp hơn, có thể gọi xe bất cứ lúc nào và biết trước số tiền phải trả nên khách hàng hào hứng sử dụng dịch vụ “xe ôm công nghệ”.


Ra ngõ gặp... GrabBike

8 giờ sáng, ông Trần Thanh Sơn (54 tuổi, phường Phương Sài, TP. Nha Trang) khoác lên mình chiếc áo GrabBike chạy xe ra công viên 23-10 chờ đón khách. “Tôi làm nhân viên cho công ty vệ sĩ, tranh thủ chạy thêm xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Thủ tục làm tài xế của GrabBike rất đơn giản, chỉ cần có giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận nơi cư trú; đồng thời nộp 320.000 đồng phí mua các trang thiết bị như: mũ bảo hiểm, áo, áo mưa… Tôi làm được hơn 1 tháng nay, thu nhập cũng khá ổn”, ông Sơn tâm sự.

 

Đối tác của GrabBike trao đổi, trò chuyện sau những cuốc xe.

Đối tác của GrabBike trao đổi, trò chuyện sau những cuốc xe.


Hiện tại, người làm nghề GrabBike ở Nha Trang khá đông. Đi trên đường phố dễ dàng bắt gặp các “xe ôm công nghệ” chở khách. Khác với giới xe ôm truyền thống thường là người lớn tuổi, xe cũ, các tài xế xe ôm công nghệ thường trẻ hơn. Chỉ cần có xe máy và điện thoại di động thông minh, bất kể ai từ nhân viên văn phòng, sinh viên đều có thể trở thành “bác” xe ôm. Thời gian hoạt động hoàn toàn tự do, khi nào rảnh thì mở app (phần mềm của Grab) lên để nhận khách. Người chạy GrabBike cũng không cần bám điểm để đón khách như xe ôm truyền thống mà có thể ngồi nơi râm mát, thậm chí chọn quán cà phê cóc để đợi khách. Như em Trần Ngọc Xuân đang là sinh viên, trước đây thường đi phục vụ ở quán cà phê nhưng vì gò bó về thời gian nên chuyển sang chạy xe công nghệ. “Có sẵn xe máy nên em đăng ký chạy. Có ngày em chạy được 3 cuốc, có ngày hơn. Tranh thủ những ngày cuối tuần, em chạy về phía trung tâm thành phố để kiếm thêm khách. Nhờ nghề này mà em có mức thu nhập kha khá để trả tiền trọ, tiền ăn, cha mẹ ở quê đỡ chu cấp”, Xuân thổ lộ.


Trò chuyện với chúng tôi, các tài xế GrabBike đều bày tỏ e ngại xung đột với giới xe ôm truyền thống. “Mỗi lần đón khách, bọn em thường đứng cách các tài xế xe ôm truyền thống một quãng. Mình cũng ý tứ thế thôi, chứ các bác ấy cũng hiểu tất cả đều vì miếng cơm manh áo nên không gây khó dễ. Công ty cũng quy định là không được phép đón khách ngoài mà phải thông qua phần mềm”, Xuân cho biết.

 

Khách được một tài xế của GrabBike hướng dẫn trước khi thực hiện cuốc xe.

Khách được một tài xế của GrabBike hướng dẫn trước khi thực hiện cuốc xe.


Hiện nay, tài xế GrabBike ở Nha Trang thường tập trung ở cà phê Milano số 6 đường Ngô Đức Kế, khu vực đường Lạc Thiện - Tôn Thất Tùng, công viên 23-10… Chi nhánh công ty điều hành còn liên hệ để đặt các thùng trà đá miễn phí cho GrabBike và xe ôm truyền thống; tổ chức các cuộc thi tài năng tạo sân chơi bổ ích cho các thành viên và đặc biệt, họ cũng đóng góp và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng. Không dừng lại ở đó, GrabBike còn thành lập các đội cứu hộ (được trang bị đồ sửa xe, sơ cứu y tế) để hỗ trợ cho đối tác chạy GrabBike khi gặp sự cố. Mới đây nhất, một đối tác tên Hồ Phước An trên đường chở khách hàng đi Ninh Ích (Ninh Hòa) đã xảy ra tai nạn. Rất may cả khách và người chở đều an toàn, chỉ có xe bị hỏng. Ngay sau sự việc xảy ra, 2 GrabBike là Bùi Văn Thọ và Nguyễn Văn Định Nguyên đã có mặt kịp thời để hỗ trợ và đưa anh An đến bệnh viện thăm khám và điều trị. Đến sáng hôm sau, một số đối tác cũng đã đưa anh An ra Ninh Ích để lấy xe. “Tôi thấy việc thành lập các đội hỗ trợ, có nơi để mọi người cùng sinh hoạt như thế này rất tiện ích. Mọi người cảm thấy an tâm hơn khi làm nghề”, ông Sơn nói.


Xe ôm truyền thống thất thế


Có mặt ở Nha Trang chưa lâu, nhưng GrabBike đã rất phát triển. Người dân và du khách đã quen với việc gọi GrabBike thay cho xe ôm truyền thống. Ngọc Huy (Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, Nha Trang) cho biết: “Tôi chọn dịch vụ GrabBike vì không phải mất công đi tìm xe như trước đây. Giá xe rẻ hơn, lại được hiển thị ngay trên điện thoại nên không phải mất công trả giá… Khi bắt xe mình cũng biết tên của tài xế, nếu có gì không hài lòng có thể phản ánh đến công ty”.

 

Một tài xế GrabBike chở khách trên đường Thái Nguyên (TP. Nha Trang).

Một tài xế GrabBike chở khách trên đường Thái Nguyên (TP. Nha Trang).

 

Ngày 13-12-2017, ứng dụng của Grab chính thức mở mục chạy GrabBike, cho phép khách hàng truy cập để sử dụng dịch vụ gọi và đi xe máy tại Khánh Hòa. Đại diện truyền thông Grab Việt Nam cho biết, GrabBike hoạt động theo giấy phép thương mại điện tử do Bộ Công Thương cấp phép theo quy định của Nghị định 52 của Chính phủ về thương mại điện tử. Về số lượng phương tiện tham gia làm đối tác, phía Grab không cung cấp cụ thể.

Sáng 29-6, tôi đặt một cuốc GrabBike, điện thoại báo giá 16.000 đồng. Mức giá này chỉ bằng khoảng 50% so với xe ôm truyền thống. Hơi bất ngờ, khi đến đón tôi là một nữ GrabBike tên Vi. Bắt chuyện, Vi cho biết mình đến từ Đắk Lắk, hiện là sinh viên năm cuối một trường đại học trên địa bàn TP. Nha Trang. Biết đến GrabBike khá lâu khi từng có chuyến du lịch tại TP. Hồ Chí Minh nên khi xuất hiện tại Nha Trang, cô đã đắn đo và quyết định thử thách với công việc bán thời gian này. “Tuy mới chỉ tham gia hơn 3 tháng và mỗi ngày chỉ chạy khoảng 3 đến 4 giờ nhưng em thấy khá thú vị. Mình có thể chủ động được thời gian, tranh thủ sau những giờ học tập căng thẳng chạy vài cuốc để kiếm thêm thu nhập. Mục tiêu của em không phải là cố kiếm tiền mà chủ yếu là trải nghiệm thực tế, tiếp xúc với nhiều người để có thêm kỹ năng sống. Niềm vui sau mỗi cuốc xe là đưa khách đến nơi an toàn và khách hài lòng khi đánh giá “5 sao” cho mình”, Vi chia sẻ.


Khảo sát các khách đi “xe ôm công nghệ”, hầu hết đều hài lòng hơn so với đi xe ôm truyền thống. Họ cho rằng, sự ra đời và phát triển của xe ôm công nghệ là phù hợp với thời cuộc. “Bản thân người lao động trong tất cả mọi ngành nghề đều phải tự học hỏi để thay đổi và bắt kịp xu thế mới. Không chấp nhận cũng không được vì đây là xu hướng chung của thời đại”, Nguyễn Duy Minh - khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.


Được tổ chức quản lý bài bản, dịch vụ “xe ôm công nghệ” đã làm thay đổi hoàn toàn nghề xe ôm. Thế nhưng, trong khi khách hàng vui vì có thêm dịch vụ giá rẻ, chất lượng thì một số tài xế xe ôm truyền thống lại cảm thấy hụt hẫng và lo lắng khi khách hàng sụt giảm mạnh. Ông Nguyễn Quang Tuấn (52 tuổi), hành nghề xe ôm tại khu vực ga Nha Trang cho biết: “Chạy xe ôm truyền thống bây giờ rất khó có khách, bởi xe ôm công nghệ giá quá rẻ. Khách đi xe ôm truyền thống bây giờ chỉ là những người không sử dụng điện thoại thông minh và người già. Tôi cũng muốn chuyển sang làm GrabBike nhưng ngặt nỗi là lớn tuổi rồi, không rành công nghệ nên thôi”.


NGUYỄN NAM