09:12, 28/12/2022

Cho vay lãi nặng bị xử lý thế nào?

. Hỏi: Cho vay tiền với lãi suất rất cao đang diễn ra khá phổ biến khiến cho không ít người lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất, nhất là với người có hoàn cảnh khó khăn. Pháp luật can thiệp, xử lý việc này thế nào?


Lê Thị Vân (huyện Cam Lâm)

 

. Hỏi: Cho vay tiền với lãi suất rất cao đang diễn ra khá phổ biến khiến cho không ít người lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất, nhất là với người có hoàn cảnh khó khăn. Pháp luật can thiệp, xử lý việc này thế nào?


Lê Thị Vân (huyện Cam Lâm)


. Trả lời: Vay tiền nói riêng, hay vay tài sản nói chung là giao dịch dân sự bình thường của đời sống xã hội. Bên vay phải trả lãi nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.


Pháp luật quy định khống chế lãi suất vay. Cụ thể: Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì trong giao dịch vay tài sản, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Hành vi cho vay tiền trong dịch vụ cầm đồ có cầm cố tài sản mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự thì bị phạt tiền đến 20 triệu đồng.


Trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự là thuộc trường hợp cho vay lãi nặng. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự. Tùy thuộc vào số tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội cho vay lãi nặng có thể bị phạt tù đến 3 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng; đồng thời có thể bị áp dụng một số chế tài khác như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.


Luật sư Nguyễn Thiện Hùng