10:04, 14/04/2022

Có thể đặt tiền thay thế tạm giam trong trường hợp nào?

Hỏi: Tôi nghe nói có trường hợp người bị khởi tố trong vụ án hình sự nhưng không bị tạm giam do họ đặt tiền để thay thế. Xin cho biết việc đặt tiền thay cho việc tạm giam được quy định như thế nào?


Lê Thị Huyền (huyện Cam Lâm)

 

Hỏi: Tôi nghe nói có trường hợp người bị khởi tố trong vụ án hình sự nhưng không bị tạm giam do họ đặt tiền để thay thế. Xin cho biết việc đặt tiền thay cho việc tạm giam được quy định như thế nào?


Lê Thị Huyền (huyện Cam Lâm)


Trả lời: Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Liên ngành công an, kiểm sát, tòa án, quốc phòng, tài chính tại Thông tư liên tịch số 06/2018 quy định: Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tình trạng tài sản, nhân thân của bị can, bị cáo; bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm, có tình tiết giảm nhẹ (như tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội...); việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.


Mức tiền phải đặt để bảo đảm tùy theo tội phạm nhưng không dưới: 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.


Các trường hợp sau đây không chấp nhận đặt tiền bảo đảm: Bị can, bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm; bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã; phạm nhiều tội; phạm tội nhiều lần.


Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG