11:03, 31/03/2021

Một số quy định về hòa giải, đối thoại tại tòa

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành nhiều thông tư quy định chi tiết.

Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã ban hành nhiều thông tư quy định chi tiết. Ngày 3-3-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 16 (có hiệu lực từ ngày ban hành) về mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí HGĐT tại tòa án và thù lao hòa giải viên tại tòa án. Dưới đây là một số nội dung được nhiều người quan tâm.
 
Đối tượng, thời điểm hòa giải, đối thoại tại tòa
 
Ông Nguyễn Anh - Chánh án TAND tỉnh: Ngay sau khi Luật HGĐT tại tòa án có hiệu lực, TAND tỉnh đã tiến hành bổ nhiệm 49 hòa giải viên, nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày 1-1-2021; phối hợp tổ chức tập huấn; chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu HGĐT tại tòa án. TAND tỉnh đang triển khai cấp thẻ hòa giải viên. 
Theo thẩm phán Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, đối tượng HGĐT là các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (gọi chung là vụ việc dân sự); khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
 
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định 7 trường hợp không tiến hành HGĐT tại tòa án, gồm: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; những vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; người khởi kiện, bị kiện… đã được mời tham gia HGĐT hợp lệ lần 2 nhưng vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia vì lý do chính đáng; một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; một trong các bên đề nghị không HGĐT; một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; trường hợp khác theo quy định pháp luật. 
 
Thời điểm HGĐT diễn ra trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án; không áp dụng với hoạt động HGĐT đã được luật khác quy định. 
 
Khi nào phải trả chi phí?
 
Luật HGĐT tại tòa án quy định, Nhà nước khuyến khích áp dụng HGĐT và đảm bảo kinh phí từ ngân sách Nhà nước cũng như từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bên tham gia HGĐT tại tòa án phải chịu chi phí phát sinh. Nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định 16. Cụ thể, pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch phải trả: Chi thù lao cho hòa giải viên; chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải (văn phòng phẩm, nước uống, cước phí bưu chính, viễn thông phục vụ trực tiếp việc hòa giải) và một số chi phí phát sinh quy định đối với các vụ việc HGĐT còn lại. 

 

Một buổi hòa giải, đối thoại trong giai đoạn thí điểm tại Nha Trang.
Một buổi hòa giải, đối thoại trong giai đoạn thí điểm tại Nha Trang.
 
Theo đó, đối với vụ việc HGĐT còn lại, các bên tham gia phải chịu chi phí khi: Các bên tham gia thống nhất lựa chọn địa điểm HGĐT ngoài trụ sở tòa án (chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của hòa giải viên; chi phí thuê địa điểm và chi phí khác trực tiếp phục vụ việc HGĐT theo thực tế phát sinh); hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở (chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của hòa giải viên; thuê trang thiết bị, máy móc hoặc thuê tổ chức có chức năng để xem xét hiện trạng tài sản); phiên dịch tiếng nước ngoài (thuê người biên dịch, phiên dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại).
 
Mức thu, cách thu chi phí
 
Mức thu để chi thù lao của hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch tại tòa án là 2 triệu đồng/vụ việc.
 
Mức thu để chi phí với các vụ việc HGĐT còn lại như sau: Đối với các khoản chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành, thu theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đó. Đối với các khoản chi khác, thu căn cứ theo thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ hợp pháp, đảm bảo đúng quy định. Các bên tham gia HGĐT tại tòa án nộp chi phí theo tỷ lệ do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, các bên nộp chi phí theo tỷ lệ như nhau. Tòa án nơi giải quyết vụ việc HGĐT là cơ quan thu chi phí HGĐT tại tòa án. Cơ quan này phải thông báo cho các bên tham gia hòa giải tại tòa án về tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch để nộp tạm ứng trước ít nhất 1 ngày diễn ra phiên hòa giải đầu tiên. Thông báo phải nêu số tiền tạm nộp, thời gian, hình thức nộp (nộp vào tài khoản tiền gửi của tòa án tại kho bạc nhà nước nơi giao dịch hoặc nộp tiền mặt tại tòa).
 
Thù lao cho hòa giải viên
 
Theo Điều 40 Luật HGĐT tại tòa án, việc HGĐT chấm dứt khi thuộc 1 trong 6 trường hợp sau: Hòa giải thành, đối thoại thành; các bên không đạt được thỏa thuận, thống nhất về toàn bộ nội dung vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính hoặc chỉ thỏa thuận, thống nhất được một phần nhưng phần đó liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục HGĐT hoặc vắng mặt sau 2 lần được thông báo hợp lệ về việc HGĐT; trong quá trình HGĐT phát hiện vụ việc thuộc 7 trường hợp không được HGĐT tại tòa án; một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong quá trình HGĐT; người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn.
 
Đối với vụ việc HGĐT thành, hòa giải viên được thù lao từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/vụ việc. Trường hợp người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn, hòa giải viên được thù lao từ 500.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng/vụ việc. Đối với các vụ việc chấm dứt HGĐT còn lại, mức thù lao là 500.000 đồng/vụ việc. Thù lao do tòa án nơi giải quyết vụ việc HGĐT chi trả sau khi đã tiến hành HGĐT và chấm dứt HGĐT.
 
 

 
Cuối năm 2018, Khánh Hòa là 1 trong 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lựa chọn thí điểm về đổi mới, tăng cường HGĐT trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Trong 1 năm thí điểm (từ ngày 1-11-2018 đến 31-10-2019), 7 trung tâm HGĐT tại tòa án ở Khánh Hòa đã HGĐT thành 3.525 vụ việc, đạt 71,8%.
 

 
 
NGUYỄN VŨ