09:06, 08/06/2021

Kẻ đốt tàu

Phiên tòa kết thúc với bản án dành cho bị cáo N.H.T (sinh năm 1967, trú tỉnh Bắc Giang) 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 13 năm tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, tổng hợp thành 14 năm tù; không xét bồi thường do bị hại không yêu cầu. Nghe tuyên xong, bị cáo T. cúi đầu, còn người góp vốn đầu tư vào con tàu thì bật khóc.

Phiên tòa kết thúc với bản án dành cho bị cáo N.H.T (sinh năm 1967, trú tỉnh Bắc Giang) 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 13 năm tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, tổng hợp thành 14 năm tù; không xét bồi thường do bị hại không yêu cầu. Nghe tuyên xong, bị cáo T. cúi đầu, còn người góp vốn đầu tư vào con tàu thì bật khóc.


Ông nói, ông đã tán gia bại sản vì những gì bị cáo gây ra, nhưng lại không thể yêu cầu bồi thường, bởi biết chắc bị cáo không thể thực hiện: “Vụ án xảy ra, cơ nghiệp cả đời tôi cũng đi tong. Tôi đã bán cả nhà lấy tiền sửa tàu. Giờ tuổi tôi đã cao, bị cáo chỉ có 2 sào đất ruộng, tôi yêu cầu bồi thường cũng vô ích! Những năm tuổi già chưa biết ra sao…”. Nghe vậy, bị cáo T. chỉ lén nhìn ông rồi lại cúi gục mặt và im lặng.


Trước đó, khi tòa hỏi về khoản thiệt hại được định giá vài tỷ đồng, bị cáo còn “vô tư” cho rằng quá nhiều, không thể đền nổi và xin được bồi thường dần bằng tiền công. Câu nói này không chỉ khiến các bị hại bức bối, ngay vị đại diện viện kiểm sát cũng nói thẳng: Giả sử không phải đi tù, bị cáo đi làm hết đời cũng không chắc bồi thường xong!


Có lẽ, mọi ăn năn hối hận của bị cáo chỉ là khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình. T. thừa nhận, tối đó, T. đang nằm ngủ thì thuyền trưởng đến, yêu cầu đi tuần tra trên tàu. T. liền lấy ngay một đoạn sắt dài đâm vào ngực thuyền trưởng. Nghe tiếng cãi vã, thuyền phó đang ngủ cùng phòng ngồi dậy, lập tức cũng bị T. dùng đoạn sắt đâm vào ngực. T. còn tiếp tục đuổi đánh thuyền trưởng chạy quanh cabin, gây thương tích 6% cho thuyền trưởng và 7% cho thuyền phó.


Lý giải cho những hành vi hung hăng đó là bởi lúc đó bị cáo đã uống rượu say. Nhưng lời thanh minh này không nhận được sự cảm thông của người dự, đơn giản bởi thời điểm đó, T. là thuyền viên, chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng là việc bình thường; mệnh lệnh đó cũng đơn giản, không gây khó gì. Nhưng khó chịu vì bị đánh thức, T. lại quay ra hành hung cấp trên.


Chưa hết, T. còn hành xử nông cạn, xem nhẹ tài sản của người khác. Sau khi thuyền trưởng và thuyền phó đi cấp cứu, nghe tin thuyền phó chết, T. vào bếp ăn của tàu, rút dây dẫn khí nối với bình gas, khiến khí gas bị rò rỉ ra ngoài, rồi châm lửa đốt với mục đích tự tử. Khi ngọn lửa bùng lên, T. không chịu nổi hơi nóng, hoảng hốt nhảy xuống nước tháo thân, để lại con tàu bốc cháy dữ dội. Toàn bộ hệ thống điện, thiết bị và cabin tàu cháy rụi. Theo kết luận giám định, riêng thiệt hại đối với hệ thống điện và cabin tàu đã hơn 3,3 tỷ đồng; các trang thiết bị hàng hải và vật dụng trong cabin do không có hồ sơ xác định hiện trạng, thông số kỹ thuật và chủng loại nên từ chối giám định.


Giám đốc công ty sở hữu con tàu từng yêu cầu số tiền bồi thường thiệt hại nhiều hơn đáng kể so với số tiền giám định là đã tính đến giá trị các trang thiết bị này. Nhưng cuối cùng, người này vẫn rút hết yêu cầu bồi thường. Có lẽ bởi, nếu tòa tuyên phải bồi thường thì phần trách nhiệm dân sự cũng chỉ để ghi trong bản án, thực tế không khả thi với T. Không riêng những người đầu tư vào con tàu, cả thuyền trưởng và thuyền phó đã bị T. tấn công gây thương tích, từng đòi bồi thường 30 triệu đồng, cũng rút hết yêu cầu bồi thường. Hơn ai hết, họ biết không thể đòi bồi thường từ một người chưa tháng nào tiết kiệm được vài đồng tiền công.


Thuyền trưởng, thuyền phó quyết định tự lo điều trị sức khỏe; các đồng chủ tàu oằn mình với ngổn ngang khoản nợ từ con tàu cháy nham nhở, nhưng tất cả vẫn “miễn trừ” bồi thường cho T. Có điều, thật khó để họ quên T. là kẻ đốt tàu!


TAM THUẬT