10:12, 26/12/2021

Vụ giải quyết yêu cầu bồi thường sau tai nạn giao thông: Chưa bảo đảm quyền lợi của nguyên đơn

Trải qua 2 cấp xét xử, vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tài sản bị xâm phạm xảy ra tại TP. Nha Trang vẫn chưa đến hồi kết vì cấp giám đốc thẩm cho rằng, việc giải quyết chưa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.  
 

Trải qua 2 cấp xét xử, vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tài sản bị xâm phạm xảy ra tại TP. Nha Trang vẫn chưa đến hồi kết vì cấp giám đốc thẩm cho rằng, việc giải quyết chưa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.  
 
Yêu cầu bồi thường hơn 169 triệu đồng
 
Sáng 23-3-2017, ông N.Đ.T. - lái xe theo hợp đồng thời vụ của một công ty taxi (trụ sở tại TP. Nha Trang) điều khiển ô tô trên đường Trần Phú, đến khu vực đối diện Viện Pasteur thì gây tai nạn với ông T.V.Q. (trú phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) đang đi xe đạp cùng chiều phía trước, làm ông Q. thương tích 31%. Cơ quan chức năng xác định, tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của lái xe. Ngày 5-12-2018, Công an TP. Nha Trang quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
 
Sau tai nạn, ông Q. khởi kiện, yêu cầu ông T. và công ty taxi liên đới bồi thường hơn 169 triệu đồng. Trong đó, có 30 triệu đồng tiền mất thu nhập trong 10 tháng điều trị; 10 triệu đồng bồi dưỡng trong thời gian điều trị; 3,5 triệu đồng giá trị chiếc điện thoại di động bị mất; chi phí dự kiến phục hồi 6 răng bị gãy 78 triệu đồng, 2 răng bị lún 10 triệu đồng và phục hồi môi dưới bị rách 10 triệu đồng; áo khoác, quần và giày 850.000 đồng.
 
Ông T. đã bồi thường cho ông Q. 1,8 triệu đồng và trình bày yêu cầu trên là quá cao, ông không có điều kiện bồi thường. Còn công ty taxi chỉ chấp nhận bồi thường tiền thuốc điều trị, nẹp bó bàn chân, mua nạng gỗ, sửa xe đạp và 5 triệu đồng bồi dưỡng trong thời gian điều trị; phục hồi 6 răng bị gãy 18 triệu đồng, 2 răng bị lún 2 triệu đồng, phục hồi môi dưới 5 triệu đồng; tổng cộng hơn 36,7 triệu đồng. 
 
Chấp nhận hơn 38,5 triệu đồng
 
Tháng 8-2020, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Nha Trang xử sơ thẩm, buộc ông T. và công ty taxi liên đới bồi thường cho ông Q. hơn 56,7 triệu đồng (cấp này cộng nhầm thành hơn 57,9 triệu đồng). Ông Q. kháng cáo. 
 
Tháng 2-2021, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh tuyên đình chỉ giải quyết yêu cầu của ông Q. về phần bồi thường chi phí dự kiến phục hồi các răng bị gãy, lún và môi bị rách; buộc công ty taxi bồi thường cho ông Q. hơn 36,7 triệu đồng; tổng cộng chấp nhận hơn 38,5 triệu đồng.
 
Đáng lưu ý là cách giải quyết đối với một số yêu cầu của ông Q. ở 2 cấp. Về yêu cầu bồi thường điện thoại, áo, quần, giày, tòa cấp sơ thẩm đều không chấp nhận; tòa cấp phúc thẩm chấp nhận bồi thường áo, quần, giày. Về yêu cầu bồi dưỡng trong thời gian điều trị, 2 cấp đều chấp nhận 5 triệu đồng như công ty taxi nêu. Về yêu cầu bồi thường mất thu nhập trong 10 tháng điều trị, tòa cấp sơ thẩm không chấp nhận do ông Q. không chứng minh được; tòa cấp phúc thẩm chấp nhận 6 triệu đồng cho 2 tháng điều trị. Về yêu cầu bồi thường chi phí dự kiến phục hồi các răng bị gãy, lún và môi bị rách, tòa cấp sơ thẩm chấp nhận như mức công ty taxi đưa ra; tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận vì chi phí chưa xảy ra. 
 
Sau đó, ông Q. gửi đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị, đề nghị hủy 2 bản án trên. 
 
Hủy cả 2 bản án
 
Tháng 9-2021, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm và nhận định: Đối với yêu cầu bồi thường chiếc điện thoại, trước khi bị tai nạn, ông Q. là kỹ sư, làm việc tại một cơ quan nhà nước, việc sử dụng điện thoại di động giá 3,5 triệu đồng là phù hợp; trong tình trạng đa chấn thương, việc bị mất điện thoại và yêu cầu bồi thường là có cơ sở. Tòa án 2 cấp không chấp nhận là không phù hợp thực tế.
 
Đối với yêu cầu bồi thường tiền mất thu nhập trong 10 tháng điều trị và tiền bồi dưỡng trong thời gian điều trị, ông Q. có giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc ghi đã trả lương đến hết ngày 30-4-2017. Lẽ ra, tòa án 2 cấp phải xác minh ông Q. hưởng lương bao nhiêu, sau khi điều trị ở bệnh viện có khả năng lao động không, điều trị tại nhà bao lâu, khi nào xin được việc làm khác… để giải quyết mới đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ông. 
 
Đối với yêu cầu bồi thường chi phí dự kiến phục hồi các răng bị gãy, lún, môi dưới bị rách, thực tế, các chi phí này rất cao và phải ứng trước, trong khi trước khi bị tai nạn, ông Q. chỉ hưởng lương 3 triệu đồng/tháng. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, công ty taxi đồng ý bồi thường các khoản này tổng cộng 25 triệu đồng. Lẽ ra, tòa cấp phúc thẩm cần yêu cầu ông Q. cung cấp bảng báo giá chi phí thay răng gãy, phục hồi răng lún và môi dưới bị rách; cần thiết xác minh tại cơ sở y tế để quyết định, ít nhất bằng mức công ty taxi đã đồng ý đền bù mới đảm bảo nguyên tắc “để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời...” theo Nghị quyết số 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
 
Cấp giám đốc thẩm đã tuyên hủy cả bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm nói trên, giao TAND TP. Nha Trang xét xử sơ thẩm lại theo quy định.
 
NGUYỄN BÌNH LÂN