10:12, 22/12/2019

Giả danh công an để lừa đảo: Bình cũ, rượu cũ…

Chỉ trong 1 tuần qua, tại Nha Trang đã có 2 nạn nhân sập bẫy của các đối tượng giả danh công an, bị chiếm đoạt với số tiền rất lớn…

Chỉ trong 1 tuần qua, tại Nha Trang đã có 2 nạn nhân sập bẫy của các đối tượng giả danh công an, bị chiếm đoạt với số tiền rất lớn…


Một sáng giữa tháng 12, bà D. (trú TP. Nha Trang) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ +89243.8269.538 gọi tới. Từ đầu dây bên kia, một phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu chính viễn thông thông báo với nội dung họ đang giữ một bưu phẩm chuyển phát nhanh của Tòa án nhân dân Hà Nội gửi. “Người này còn nói: “Chúng tôi xác minh và được biết tòa án triệu tập bà đúng 16 giờ chiều nay có mặt tại tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật”, bà D. kể lại. Ngoài việc đọc đúng họ tên, ngày sinh, năm sinh thì những thông tin cá nhân khác của bà D. như: địa chỉ thường trú, số tiền tiết kiệm tại một ngân hàng ở Nha Trang, người phụ nữ này đều nói không sai một chi tiết nào. Tiếp đến, người này khẳng định, mọi thông tin khiếu nại hay thắc mắc gì bà D. cần liên hệ với cán bộ điều tra là trung tá Nguyễn Văn Quảng!

 

Trong khi bà D. đang bàng hoàng, suy nghĩ thì người đàn ông tự xưng là trung tá Nguyễn Văn Quảng gọi tới số điện thoại của bà tiếp tục màn kịch hoàn hảo. “Người này nói với giọng điệu rất nghiêm trọng rằng họ đang điều tra đường dây ma túy gồm nhiều đối tượng, trong đó có người tên Nguyễn Văn Long có 6,8 tỷ đồng được gửi tại ngân hàng B. Quá trình điều tra, họ cho rằng đối tượng này có mối liên hệ với tôi, vì vậy họ yêu cầu tôi phải chuyển toàn bộ số tiền sang số tài khoản cá nhân của tôi để họ xác minh, điều tra”, bà D. trình bày tại cơ quan điều tra.


Tưởng thật, bà D. vội vàng mang theo giấy tờ cá nhân, sổ tiết kiệm tới một ngân hàng ở Nha Trang, sau đó chuyển hết sang số tài khoản cá nhân của chính mình. Sau đó, “trung tá công an Nguyễn Văn Quảng” tiếp tục yêu cầu bà D. cung cấp mã OTP (mã xác nhận giao dịch) để phục vụ “công tác điều tra, phá đường dây ma túy lớn”. Chỉ trong 6 lần cung cấp mã OTP cho cán bộ công an dỏm, số tiền lớn của bà D. gồm 4 tỷ đồng trong ngân hàng chỉ còn lại con số 0. Mãi đến sáng hôm sau, bà D. mới nhận ra mình bị rút sạch tiền và vội vàng đến cơ quan công an trình báo”.


Trao đổi với phóng viên, sáng 20-12, cán bộ điều tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an TP. Nha Trang cho biết, 4 tỷ đồng của người bị hại được tội phạm chuyển đến 2 tài khoản khác nhau, trong đó 1 tài khoản được chuyển đến 3,4 tỷ đồng, tài khoản còn lại chúng chuyển đến 600 triệu đồng. Sau khi tiến hành các biện pháp điều tra ban đầu, đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Công an tỉnh tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.


Theo lãnh đạo Công an TP. Nha Trang, trong ngày 19-12, lại thêm có một người dân bị lừa mất hơn 100 triệu đồng với thủ đoạn tương tự. Trong năm 2019, đã có nhiều nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Trường hợp của bà D. là lớn nhất từ trước đến nay. “Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều; cùng với đó, báo chí, truyền thông cũng nêu về phương thức, thủ đoạn lừa đảo kể trên của các đối tượng nhưng vẫn có người bị lừa đảo quá dễ dàng. Chúng tôi khuyến cáo người dân khi nhận được cuộc gọi theo phương thức này cần đến cơ quan công an nơi gần nhất trình báo, nếu không muốn bị tội phạm lừa”, lãnh đạo Công an TP. Nha Trang cho biết.


THÀNH LONG