11:03, 28/03/2023

Thánh thót thanh âm đàn đá Khánh Sơn

Sau gần 45 năm được biết đến, đàn đá Khánh Sơn - nhạc khí độc đáo của dân tộc đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ người dân Khánh Hòa. Những thanh âm thánh thót, len lỏi trong núi rừng huyện Khánh Sơn năm xưa giờ đã lan xa, tỏa rộng đến với bạn bè muôn phương.

Sau gần 45 năm được biết đến, đàn đá Khánh Sơn - nhạc khí độc đáo của dân tộc đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ người dân Khánh Hòa. Những thanh âm thánh thót, len lỏi trong núi rừng huyện Khánh Sơn năm xưa giờ đã lan xa, tỏa rộng đến với bạn bè muôn phương.


Ngược dòng lịch sử


Năm 1979, ông Bo Bo Ren - người dân Raglai (Khánh Sơn) đã giao lại cho chính quyền tỉnh Phú Khánh 2 bộ đàn đá mà gia đình đã bảo vệ, cất giữ, xem như vật thiêng trong nhiều năm liền. Thành quả này đến từ nỗ lực vận động của những người làm công tác văn hóa ở địa phương, của Bộ Văn hóa và Thông tin lúc bấy giờ. Cùng với 2 bộ đàn đá, các thành viên trong Tiểu ban công tác đàn đá Khánh Sơn còn phát hiện cả một công xưởng chế tác đàn đá ở đỉnh Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp). Từ đó, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều kết luận quan trọng, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới.

 

2 bộ đàn đá Khánh Sơn do ông Bo Bo Ren giao lại cho chính quyền vào năm 1979. Hình chụp ở Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm 2023.

2 bộ đàn đá Khánh Sơn do ông Bo Bo Ren giao lại cho chính quyền vào năm 1979. Hình chụp ở Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm 2023.


Ngày 12-9-1979, tại TP. Nha Trang, UBND tỉnh Phú Khánh phối hợp với Bộ Văn hóa và Thông tin chính thức công bố những thông tin về 2 bộ đàn đá Khánh Sơn. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm, giao nhiệm vụ cho ngành Văn hóa đi tìm dấu tích đàn đá. 2 bộ đàn đá do ông Bo Bo Ren trao tặng năm xưa đã được lãnh đạo tỉnh Phú Khánh bàn giao cho Viện Nghiên cứu âm nhạc để tiến hành nghiên cứu và đưa đi công diễn nhiều nơi ở trong nước, quốc tế. Sau này, 2 bộ đàn đá được đưa về lưu giữ tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.


Tiếng đàn mãi vang vọng


Gần 45 năm qua, tiếng đàn đá không chỉ ngân lên ở những bản làng miền núi xa xôi, thanh âm của nó đã trở nên quen thuộc với công chúng trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật. Cũng từ đó, lực lượng văn nghệ sĩ trong nước đã phát huy sức sáng tạo của mình, ngày càng có nhiều tác phẩm âm nhạc, ca múa nhạc được viết dành riêng cho đàn đá. Tại tỉnh Khánh Hòa, nhiều nhạc sĩ cũng đã gắn bó với đàn đá qua hoạt động sáng tác, biểu diễn với loại nhạc cụ độc đáo này, như: Ngọc Anh, Nguyễn Phương Đông...

 

Thiếu nữ Raglai  ở huyện Khánh Sơn  biểu diễn độc tấu đàn đá. Ảnh: Công Định

Thiếu nữ Raglai ở huyện Khánh Sơn biểu diễn độc tấu đàn đá. Ảnh: Công Định


Năm 2022, huyện Khánh Sơn đã thực hiện việc bàn giao 10 bộ đàn đá cho các đội văn nghệ ở các xã, thị trấn và Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện. Tất cả những bộ đàn đá này đều được chế tác từ loại đá Rhyolite khai thác tại Khánh Sơn, đảm bảo về kích thước và âm lượng kêu vang, có thể biểu diễn độc tấu, hòa tấu cùng các loại nhạc cụ khác trong những dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng hoặc biểu diễn phục vụ du khách. Huyện cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp nhận đàn đá cử người tham gia lớp học biểu diễn nhạc cụ đàn đá. “Trong nhiều năm qua, đội văn nghệ của huyện đã thực hiện việc biểu diễn nhạc cụ đàn đá trong tất cả các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn nghệ thuật do các cấp tổ chức. Từ đó, không ngừng giới thiệu, quảng bá nét độc đáo, cái hay, cái đẹp của loại nhạc cụ này đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ.

 

Tiết mục hòa tấu đàn đá với các loại nhạc cụ khác do Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn.

Tiết mục hòa tấu đàn đá với các loại nhạc cụ khác do Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn.


Nhạc cụ đàn đá cũng xuất hiện ngày càng phổ biến trong các chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Đơn vị đã dàn dựng nhiều tiết mục độc tấu, hòa tấu hoặc biểu diễn đàn đá kết hợp với múa, hát. Tại một số khu du lịch, như: Danh thắng Hòn Chồng, Làng nghề Trường Sơn… cũng thường tổ chức biểu diễn đàn đá để phục vụ khách tham quan. Điều đặc biệt trong biểu diễn đàn đá là các nghệ sĩ không chỉ đánh lên các làn điệu dân ca, hoặc những bản nhạc mang âm hưởng dân gian Tây Nguyên, mà còn có thể diễn tấu những bản nhạc mới, thậm chí là nhạc nước ngoài. Những năm gần đây, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc chế tác đàn đá để cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu. Đàn đá từ xưởng sản xuất của nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông có sự chuẩn hóa về âm thanh để hỗ trợ cho việc biểu diễn của nghệ sĩ được hiệu quả hơn.

 

Các thành viên đội văn nghệ huyện Khánh Sơn biểu diễn tiết mục hòa tấu đàn đá.

Các thành viên đội văn nghệ huyện Khánh Sơn biểu diễn tiết mục hòa tấu đàn đá.


Đến hôm nay, qua rất nhiều công trình nghiên cứu, giới chuyên môn ở trong nước và thế giới đều công nhận đàn đá là loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Riêng đàn đá Khánh Sơn đã trải qua hành trình từ trong truyền thuyết của đồng bào Raglai về hòn đá lăn hay mã la bằng đá, đến những bộ đàn đá được đặt ở dọc các con suối ven nương rẫy để xua đuổi chim muông, thú rừng và nghe cho vui tai khi lao động. Sau đó, đàn đá được đồng bào diễn tấu trong những ngày lễ hội ăn mừng lúa mới, mừng được mùa. Và đến hôm nay, đàn đá đã trở thành một đại sứ âm nhạc, kết nối những giá trị văn hóa độc đáo từ quá khứ đến tương lai, như trong lời bài hát Đàn ơi! Hát cùng ta của nhạc sĩ Bằng Linh:…Tiếng đàn đá hôm nay/Gọi trống đồng Ngọc Lũ/Nhịp nhàng cùng T’rưng/Thiết tha gọi đàn bầu/Ca ngợi Tổ quốc ta/Non nước đẹp như hoa…


NHÂN TÂM