05:05, 17/05/2021

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh phiên đầu tuần

Sáng nay (17/5), giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục tăng mạnh. Thiếu hụt nguồn cung hàng hóa tại Mỹ đẩy giá vàng tăng cao do nhu cầu trú ẩn dòng tiền.

Sáng nay (17/5), giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục tăng mạnh. Thiếu hụt nguồn cung hàng hóa tại Mỹ đẩy giá vàng tăng cao do nhu cầu trú ẩn dòng tiền.

 

Giá vàng trong nước và quốc tế tăng mạnh phiên đầu tuần. Ảnh minh họa.

Giá vàng trong nước và quốc tế tăng mạnh phiên đầu tuần. Ảnh minh họa.


Sáng nay, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giao dịch quanh mức gần 1.853 USD/ounce, tăng gần 10 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối tuần qua.


Giá vàng trong nước sáng nay cũng tăng so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mức 56,1 - 56,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch trong khoảng 56,1 - 56,47 triệu đồng/lượng.


Các thị trường trên đều tăng 80.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 350.000 đồng/lượng.


Giá vàng SJC tại Doji trên thị trường Hà Nội quanh mức 56,1 - 56,5 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 400.000 đồng/lượng.


Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,1 - 56,5 triệu đồng/lượng, tăng 130.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 400.000 đồng/lượng.


Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 52,1 - 52,8 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.


Nhẫn Gold của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 51,9 - 52,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.


Giá vàng mở cửa phiên đầu tuần vẫn có chiều hướng đi lên. Nguyên nhân được cho là dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn sản xuất và lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ bị hạn chế, do đó đẩy giá hàng hóa tăng cao do nguồn cung thiếu hụt.


Một phần hàng hóa thiếu hụt còn do hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế cao từ thời người tiền nhiệm Donal Trump, với mức thuế trung bình 19,3% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 3% đối với hàng hóa từ các nước khác trên thế giới.


Giá nhập khẩu trong tháng 4/2021 của Mỹ đã tăng 0,7%, đây là tháng thứ sáu liên tiếp, đưa mức tăng lên 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ tháng 10/2011 trở lại đây.


Mỹ hiện đang là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, với khoảng 2.500 tỷ USD trong năm 2019. Nhu cầu hàng hóa khi dịch bệnh dần được kiểm soát đã đẩy giá cả và lạm phát tăng cao. Khi lạm phát tăng, đồng tiền trượt giá, khiến nhà đầu tư tìm đến vàng làm nơi trú ẩn. Nhận định của chuyên gia, vàng chỉ hạ nhiệt khi Chính phủ Mỹ có động thái tăng nguồn cung hàng hóa, hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu.

Theo kinhtedothi