09:01, 26/01/2018

Giá gạo tăng đột biến

Gần 1 tháng qua, giá gạo tăng thêm khoảng 1.000 đến 1.500 đồng/kg. Những người kinh doanh gạo cho rằng, đây là hiện tượng tăng đột biến, bởi nhiều năm qua, giá gạo cơ bản ổn định.  
 

Gần 1 tháng qua, giá gạo tăng thêm khoảng 1.000 đến 1.500 đồng/kg. Những người kinh doanh gạo cho rằng, đây là hiện tượng tăng đột biến, bởi nhiều năm qua, giá gạo cơ bản ổn định.  
 
Gần 1 tháng qua, giá lúa tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kg, ở mức 6.000 - 7.000 đồng/kg. Theo đó, giá gạo tẻ cũng tăng 5 - 10%, tương ứng khoảng 500 - 1.500 đồng/kg tùy loại. Một số loại gạo hữu cơ, gạo sạch như Hạt Ngọc Trời (các loại) hiện nay giá từ 19.000 đến 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg. Giá tấm cũng theo đó tăng thêm 500 đồng/kg. Gạo nếp còn tăng mạnh hơn: giá bán lẻ tăng khoảng 1.000 đến 3.000 đồng/kg, còn giá sỉ mua vào tăng 4.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá gạo tẻ đã tăng trung bình 2.000 đồng/kg. 

 

Chọn mua gạo tại một tiệm trên đường Yết Kiêu.
Chọn mua gạo tại một tiệm trên đường Yết Kiêu.
 
Chủ cửa hàng gạo Toàn Đào (đường Lê Hồng Phong, Nha Trang) cho biết, sau khi giá gạo miền Tây tăng, giá lúa gạo ở Khánh Hòa cũng tăng. Những năm trước, giá gạo nếu tăng cũng chỉ thêm khoảng 100 - 200 đồng/kg, nhưng đợt này, có khi một lần tăng 500 đồng/kg và tăng nhiều lần. Có loại gạo, cửa hàng vừa bán ra 13.000 đồng/kg, hôm sau nhập hàng mới, giá đã tăng bằng giá bán hôm trước. Loại gạo có giá thấp nhất tại cửa hàng tháng trước bán 9.600 đồng/kg, nay đã lên 10.500 đồng/kg. Kinh doanh gạo gần 20 năm, bây giờ bà mới thấy giá gạo tăng như vậy.
 
Theo những người kinh doanh gạo, thông thường, giá gạo có thể tăng vào cuối năm, do nhu cầu mua nhu yếu phẩm dịp giáp Tết tăng. Thêm nữa, đây là thời điểm cuối vụ, lúa dự trữ trong dân không còn nhiều, vụ thu hoạch đông - xuân lại sang tháng 3. Tuy nhiên, do  là mặt hàng cơ yếu nên nhìn chung giá gạo ổn định, có tăng cũng chỉ thêm tối đa 300 đồng/kg. 
 
Năm nay, giá tăng do một số nguyên nhân khác. Nguồn cung cấp gạo cho tỉnh, ngoài một số nơi có diện tích lúa lớn như: Ninh Hòa, Vạn Ninh, còn lại chủ yếu chuyển từ miền Nam (Long An, Tiền Giang…). Nhưng mấy nơi này vừa qua đều không được mùa. Ninh Hòa, Vạn Ninh vừa trải qua cơn bão, nhiều vùng trồng lúa bị thiệt hại nặng nề. Bà Nguyễn Thị Lan Hương - kinh doanh gạo ở đường Đồng Nai (Nha Trang) cho biết, tháng qua, số lúa trong tỉnh mà bà nhập về giảm 30 - 40% so với cùng kỳ mọi năm. Với hàng từ TP. Hồ Chí Minh đặt mua qua các tổng đại lý ở Khánh Hòa, trước đây chỉ sau 1 ngày gọi là có hàng, hiện nay bà phải chờ hàng tuần.
 
Theo ông Đậu Công Nghị - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung bộ tại Khánh Hòa, hiện nay, thị trường đang hụt nguồn cung đáng kể, muốn mua 100 tấn gạo tại địa bàn Ninh Hòa, Vạn Ninh rất khó. “Ngoài yếu tố thiên tai, giá gạo tăng đột biến chủ yếu do lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc tăng”, ông Nghị lý giải.
 
Nhiều người kinh doanh gạo đang lo lắng giá gạo tiếp tục tăng, bởi với mặt hàng này, họ hưởng lãi nhờ số lượng, mỗi kg chỉ lãi chừng 300 - 500 đồng. Hiện tại, họ chủ yếu bán hòa vốn để giữ khách, cầm cự chờ giá xuống hoặc nhập ít hàng. Bà Hương cũng thừa nhận, hàng bán khó và chậm hơn. “Nhiều khách thấy tăng giá nghĩ tôi bán đắt, nên bỏ đi so giá nơi khác, sau đó mới quay lại mua”, bà Hương nói. 
 
Ông Lê Văn Tài (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm) lại tiếc rẻ vì 7,5 tấn lúa vụ mùa vừa qua đã bán hết từ tháng 11 năm ngoái với giá 5.500 đồng/kg (lúa tươi), lãi 30 triệu đồng. Bây giờ giá lúa gạo đều tăng nhưng gia đình ông lại không còn lúa bán; 1,5ha lúa vụ đông - xuân mới đang vào phân đợt 2. “Chỉ những nhà trữ lúa được đến bây giờ mang bán mới lời nhiều, nhưng thường, nông dân thu hoạch xong là bán liền”, ông Tài cho biết.
 
Theo ông Nghị, hiện tại công ty không nhập nhiều gạo bởi nhận định từ nay đến trước và sau Tết Nguyên đán, giá gạo có thể giảm khi nhu cầu của thị trường Trung Quốc đã đủ. Còn một số người bán gạo lại cho rằng, thị trường gạo sẽ đứng giá cao đến tận tháng 3, khi thu hoạch lúa đông - xuân.
 
NGUYỄN THIỀU - MAI HOÀNG