11:12, 15/12/2013

Đảm bảo cung - cầu hàng hóa dịp Tết

Năm nay, chương trình bình ổn giá hàng hóa dịp Tết tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần điều tiết giá cả, ổn định thị trường.

Năm nay, chương trình bình ổn giá hàng hóa dịp Tết tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần điều tiết giá cả, ổn định thị trường.


Điều tiết giá


Theo ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương, do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua của người dân không mấy khả quan nên dự báo giá cả các mặt hàng dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 sẽ không tăng đột biến. Riêng một số mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm…, giá cả dự kiến sẽ nhích lên do nhu cầu tiêu thụ tăng, nhất là dịp cận Tết. Do đó, việc tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng này là cần thiết để điều tiết giá cả, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến, góp phần ổn định thị trường.


UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép 6 đơn vị được tạm ứng ngân sách tổng cộng hơn 33 tỷ đồng (lãi suất 0% trong thời gian 3 tháng, tính từ ngày 1-12) để sản xuất, kinh doanh các mặt hàng gồm: Gạo, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến... Đây là năm thứ 5 chương trình bình ổn giá được triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá phải cam kết sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn đúng thời hạn, kịp thời cung ứng hàng hóa khi thị trường có biến động bất thường. Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá sẽ được bán thấp hơn giá thị trường tối thiểu là 5%. Các đơn vị phải đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa, ưu tiên hàng sản xuất trong nước, nghiên cứu mở rộng hệ thống phân phối, ưu tiên đặt điểm bán hàng bình ổn tại các khu vực tập trung người lao động có thu nhập thấp, các khu công nghiệp, khu vực nông thôn... Tại các điểm bán, doanh nghiệp phải treo băng rôn để người tiêu dùng biết và mua sắm, bố trí hàng bình ổn ở vị trí thuận tiện, riêng biệt với các hàng hóa khác.

 

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Cam Ranh.
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Cam Ranh.


Hàng hóa dồi dào, đa dạng


Hiện nay, các đơn vị tham gia chương trình đang tích cực chuẩn bị hàng hóa với số lượng dồi dào, chủng loại phong phú để phục vụ thị trường. Dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung bộ tại Khánh Hòa dự trữ 167 tấn gạo, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, vay vốn ngân sách 800 triệu đồng để bán hàng bình ổn giá. Theo ông Đậu Công Nghị - Giám đốc Chi nhánh, nguồn hàng này đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết. Ngoài ra, nếu thị trường có biến động bất thường, Tổng Công ty Lương thực miền Nam sẽ cung ứng nguồn hàng cho thị trường Khánh Hòa để điều tiết giá. Hiện nay, đơn vị đang kinh doanh gạo các loại với giá bán thấp hơn từ 5 đến 10% so với giá thị trường tại các điểm bán: số 36 đường Lê Thánh Tôn, số 8 đường Võ Thị Sáu (TP. Nha Trang).


Các siêu thị tham gia chương trình bình ổn giá năm nay cũng đang tích cực chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư An Phong tại Khánh Hòa (Siêu thị Maximark) vay vốn ngân sách 20 tỷ đồng để chuẩn bị hơn 2.000 mặt hàng, trong đó có 40 tấn rau, củ, quả, hơn 11 tấn gạo, nếp, đậu xanh, hơn 76.300 chai dầu ăn, 60 tấn thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến... Ngoài điểm bán của siêu thị tại TP. Nha Trang và Cam Ranh, cận Tết, đơn vị sẽ tổ chức bán lưu động tại huyện Khánh Vĩnh, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa. Với nguồn vốn vay 5 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn - Cam Ranh (Siêu thị Co.opmart Cam Ranh) chuẩn bị hơn 10 tấn gạo, 47.000 chai dầu ăn, hơn 35 tấn thịt và thực phẩm chế biến, hơn 30 tấn rau củ quả… Còn Công ty TNHH Một thành viên Co.opmart Nha Trang (Siêu thị Co.opmart Nha Trang) vay ngân sách 3 tỷ đồng để dự trữ hơn 7 tấn gạo, 32.000 chai dầu ăn, hơn 20 tấn thịt và thực phẩm chế biến, gần 20 tấn rau, củ, quả… Hệ thống 2 siêu thị Co.opmart sẽ tổ chức bán hàng lưu động tại xã 7 điểm thuộc TP. Cam Ranh, TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh.


Chương trình bình ổn giá năm nay tiếp tục được triển khai tại 2 huyện miền núi nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng dịp Tết của người dân và hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Được ngân sách tạm ứng hơn 2 tỷ đồng để dự trữ hàng Tết, Trung tâm Dịch vụ thương mại Khánh Vĩnh chuẩn bị hơn 100 tấn gạo, 56 thùng dầu ăn, 40 thùng nước mắm… bán tại 8 cửa hàng trực thuộc ở thị trấn Khánh Vĩnh, các xã: Khánh Phú, Khánh Thành, Liên Sang, Khánh Thượng, Khánh Trung, Khánh Bình, Khánh Hiệp. Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Sơn chuẩn bị hơn 80 tấn gạo, hơn 2.500 lít dầu ăn, 6 tấn đường, hơn 1.000 thùng mì tôm, 1.350 thùng nước ngọt... Nguồn hàng này sẽ được phân phối tại 7 cửa hàng ở thị trấn Tô Hạp, xã Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc. Ông Phan Hồng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Sơn cho biết, ngoài nguồn vốn vay của tỉnh, Trung tâm còn huy động nguồn vốn tự có và nguồn vốn hỗ trợ của huyện để dự trữ hàng hóa, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết của người dân địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn tạm ứng hơn 1 tỷ đồng không thu phí trong 6 tháng (tính từ ngày 1-12) cho các trung tâm dịch vụ thương mại để tổ chức thu mua nông sản cho người dân.


Được biết, thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài chính chủ trì sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định bán hàng bình ổn giá tại các đơn vị nói trên.


A.THÁI