10:12, 30/12/2013

Cận Tết, lại lo hàng kém chất lượng

Gần đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, bên cạnh sự sôi động của thị trường hàng hóa là những mối lo về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là ở những mặt hàng được tiêu thụ nhiều như: Bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm…

Gần đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, bên cạnh sự sôi động của thị trường hàng hóa là những mối lo về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là ở những mặt hàng được tiêu thụ nhiều như: Bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm…

 


Mù mờ chất lượng

 


Tại các chợ và cửa hàng tạp hóa, bánh kẹo được nhập về với đủ chủng loại, màu sắc. Chủ một sạp hàng tại chợ Đầm (TP. Nha Trang) cho biết: “Nếu mua để biếu, tặng thì chọn hàng của Kinh Đô, Bibica hay hàng của Mỹ, Pháp…, đóng gói bao bì sang trọng, lịch sự; nếu không thì mua loại kẹo ký cho rẻ”. Loại kẹo ký mà người bán này giới thiệu được đựng la liệt trong các thùng hàng, không có nhãn mác rõ ràng, không ghi hạn sử dụng. Phổ biến nhất là bánh quy kem, bánh xốp, kẹo dẻo trái cây, kẹo sữa, kẹo sô cô la…, giá dao động từ 25.000 đến 85.000 đồng/kg. Chúng tôi quan sát thấy một số sản phẩm có dấu hiệu ẩm mốc, vỏ nilon in chữ Trung Quốc, song người bán vẫn khẳng định, tất cả đều là hàng mới nhập về để phục vụ Tết, có xuất xứ trong nước hoặc hàng của Thái Lan, Malaysia…

 


Bên cạnh đó, phần lớn các mặt hàng thực phẩm khô như: Bún khô, miến, măng, thịt bò khô, mực tẩm, cá tẩm… bày bán tại nhiều sạp chợ là không rõ nguồn gốc, không có bao bì, nhãn mác rõ ràng. Ông Võ Quốc Tuyên, Trưởng Ban quản lý chợ Xóm Mới (TP. Nha Trang) cho biết, tình trạng sử dụng nguyên liệu, chất phụ gia không đảm bảo an toàn, hóa chất độc hại… để chế biến thực phẩm đang là vấn đề phổ biến ở nhiều nơi. Tuy nhiên, các ban quản lý chợ không có phương tiện, trang thiết bị để kiểm tra chất lượng các mặt hàng này, nên rất cần có sự phối hợp kiểm tra thường xuyên của ngành chức năng.  

 

 

Ngành chức năng tổ chức tiêu hủy nhiều chai rượu không rõ nguồn gốc.
Ngành chức năng tổ chức tiêu hủy nhiều chai rượu không rõ nguồn gốc.

 

Cận Tết cũng là thời điểm các loại đồ uống như: Rượu, bia, nước giải khát… được tiêu thụ mạnh. Trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng như: Rượu trắng, rượu nho giá chỉ từ 9.000 đến 20.000 đồng/chai; rượu ngâm rắn, rượu tắc kè… có giá vài trăm ngàn đồng/chai hoặc hũ. Vài tháng gần đây, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và thu giữ gần 500 chai rượu ngâm rắn và bọ cạp không có nhãn mác, không công bố tiêu chuẩn chất lượng và hàng ngàn sản phẩm đồ uống hết hạn sử dụng như: sâm, trà, bia, nước giải khát… Bên cạnh đó, liên tiếp các vụ ngộ độc Rượu Nếp 29 Hà Nội (chứa hàm lượng methanol cao gấp gần 2.000 lần so với tiêu chuẩn cho phép) xảy ra thời gian qua càng khiến người tiêu dùng hoang mang. Tuy các ngành chức năng chưa phát hiện trên địa bàn tỉnh có bày bán sản phẩm này, nhưng vụ việc cũng làm dấy lên mối lo ngại về các loại rượu có tem, nhãn, nguồn gốc xuất xứ mà không đảm bảo an toàn do không được kiểm soát về chất lượng từ quy trình sản xuất cho đến lưu thông trên thị trường.

 


Tăng cường kiểm tra

 

 

Năm 2013, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện gần 5.700 lượt kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện 625 vụ vi phạm và đã xử lý 588 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, có 57 trường hợp vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu. Ngành chức năng đã thu giữ hơn 1.000 chiếc quần áo, 2.000 sản phẩm đồ dùng gia đình, 400 đồ chơi trẻ em có tính chất bạo lực, hơn 5.000 gói thuốc lá lậu… Bên cạnh đó, có 118 trường hợp vi phạm về các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn hàng hóa…

Theo ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, thời gian qua, số vụ vi phạm pháp luật về sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh đã giảm so với trước đây, các vụ vi phạm có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, vào thời điểm trước, trong và sau Tết, các hành vi gian lận thương mại thường có xu hướng diễn biến phức tạp hơn, tập trung vào các mặt hàng được tiêu thụ nhiều như: Rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá… Một trong những vi phạm phổ biến nhất là hàng hóa không có nhãn mác, làm giả các sản phẩm có uy tín trên thị trường hoặc nhái nhãn hiệu nổi tiếng. Gần đây, ngành chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm làm giả như: 26 chai rượu ngoại, gần 200 gói bột ngọt, gần 3.200 chiếc đĩa DVD, CD, gần 1.700 chai gas mini…

 


Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết, lực lượng Quản lý thị trường đã và đang phối hợp với các ngành chức năng tập trung kiểm tra tại các chợ đầu mối, siêu thị, điểm giao nhận, phân tán hàng hóa, cơ sở kinh doanh quy mô; phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông; cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hàng hóa; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm... Qua quá trình thu thập thông tin tại các địa phương, ngành chức năng sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất đối với những cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Ông Nguyễn Minh Sô khuyến cáo, người tiêu dùng mua hàng hóa trong dịp Tết cần đặc biệt lưu ý: Hàng hóa phải có bao bì, nhãn mác, địa chỉ sản xuất cụ thể, hàng thực phẩm phải có công bố tiêu chuẩn chất lượng, hạn sử dụng; nếu là hàng ngoại nhập thì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt đi kèm.

 


T.V