11:03, 25/03/2020

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện: Nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Khánh Sơn là tổ chức hội có số dư nợ chiếm gần 50% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, hạ thấp tỷ lệ nợ lãi tồn đọng, nợ quá hạn trong hội viên.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) là tổ chức hội có số dư nợ chiếm gần 50% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, hạ thấp tỷ lệ nợ lãi tồn đọng, nợ quá hạn trong hội viên.


Tạo nguồn lực sinh kế cho phụ nữ


Theo bà Nguyễn Thị Kim - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Khánh Sơn, tính đến hết năm 2019, tổng dư nợ NHCSXH thông qua tổ chức hội phụ nữ hơn 92,7 tỷ đồng, với 2.345 hộ vay, chiếm gần 50% tổng dư nợ nguồn vốn ưu đãi toàn huyện. Đây là cơ sở hội có số hội viên (HV) vay vốn và có số dư nợ lớn nhất trong các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Với nguồn vốn này đã tạo nguồn lực cho hàng nghìn HV, phụ nữ có điều kiện khai thác tiềm năng đất đai, đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường, nuôi con ăn học.

 

Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo nguồn lực cho hội viên, phụ nữ  phát triển kinh tế gia đình.

Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo nguồn lực cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.


Bà Cao Thị Hậu (thôn Liên Hiệp, xã Sơn Hiệp) cho hay: “Từ năm 2015, gia đình tôi chuyển đổi 3 sào cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, bưởi da xanh. Do không có điều kiện mua phân bón, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất nên năm 2017 tôi xin vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Ngoài việc để đầu tư phân bón, máy bơm tưới, tôi cũng mua thêm cây giống về trồng. Hiện nay, vườn cây của gia đình tôi phát triển khá tốt, những cây sầu riêng trồng năm 2015 đã bắt đầu ra hoa”.


“Hội Phụ nữ xã Sơn Lâm có 768 HV. Đến nay, 312 HV vay vốn NHCSXH với tổng dư nợ hơn 13 tỷ đồng. Phần lớn HV vay vốn theo các kênh: hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Nhờ nguồn vốn này đã giúp cho nhiều HV, phụ nữ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần đáng kể vào công cuộc giảm nghèo trên địa bàn xã”, bà Bo Bo Thị Minh Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Lâm cho biết.


Nỗ lực hạ thấp tỷ lệ nợ quá hạn


Do nhiều HV vay vốn, số dư nợ lớn nên không thể tránh khỏi tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Ở thời điểm cuối năm 2019, số nợ quá hạn của HV, phụ nữ tại Khánh Sơn là 281 triệu đồng, tương đương 0,3% (cao hơn tỷ lệ bình quân chung của huyện). Trong đó, những khách hàng nợ quá hạn chủ yếu rơi vào những đối tượng bỏ đi khỏi nơi cư trú. Với thực trạng trên, Hội LHPN huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ sở hội xác định, phân loại từng đối tượng nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng để có biện pháp hỗ trợ và thu hồi nợ phù hợp, hiệu quả; đề nghị NHCSXH xử lý nợ đối với những khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng như: thiên tai, dịch bệnh, ốm đau bệnh tật, không còn khả năng lao động hoặc qua đời. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn, hạn chế nợ quá hạn phát sinh mới.


Bà Nguyễn Thị Lệ Hà - Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm thôn Du Oai, xã Sơn Lâm cho biết: “Tổ vay vốn và tiết kiệm có 44 thành viên. Thời gian qua, tôi thường xuyên đi kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn của tổ viên. Hàng tháng, thực hiện triệt để, đầy đủ việc thu tiền lãi, tiền tiết kiệm, nếu có trường hợp một hoặc hai tháng không đóng tiền lãi thì báo cáo ngay với cấp trên để có hướng xử lý kịp thời, không để trường hợp nào không có hoạt động trả lãi trong 3 tháng liền”. 

 
“Đối với những hộ bỏ đi khỏi địa phương, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội vận động gia đình người thân tìm và xác định được nơi ở mới để vận động hộ vay trả nợ. Đồng thời, tuyên truyền vận động HV, phụ nữ tham gia tiết kiệm bằng các hình thức như: heo đất tiết kiệm, hũ gạo tình thương, xoay vòng giảm nghèo… để có nguồn vốn tích lũy trong nhà; khi gặp khó khăn thì sẽ lấy số tiền này để trả lãi ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Kim nói.


Nhờ triển khai các giải pháp tích cực, sát tình hình thực tế, hiện nay, số nợ quá hạn của tổ chức hội phụ nữ tại Khánh Sơn đã giảm xuống còn 171 triệu đồng, tương đương tỷ lệ 0,18% trên tổng dư nợ 94 tỷ đồng. Đặc biệt, có 3 cơ sở hội không còn HV nợ quá hạn là: Sơn Lâm, Sơn Bình và Ba Cụm Nam. Hiện nay, Hội LHPN huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, nhằm phấn đấu trong năm 2020 duy trì tỷ lệ nợ quá hạn trong tổ chức hội phụ nữ ở mức dưới 0,25%.


Đinh Luận