09:07, 31/07/2019

Đảm bảo an toàn hoạt động quỹ tín dụng nhân dân

Hiện nay, các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hoạt động ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều QTDND ở các địa phương khác hoạt động yếu kém, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.

 

Hiện nay, các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hoạt động ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều QTDND ở các địa phương khác hoạt động yếu kém, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.


Chất lượng tín dụng đảm bảo


QTDND Cam Lâm thành lập từ năm 1997, hoạt động trên địa bàn thị trấn Cam Đức và các xã: Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Hiệp Bắc, Cam Thành Bắc của huyện Cam Lâm. Trong đó, hơn 95% nguồn vốn của quỹ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, tuy tiềm ẩn rủi ro nhưng không để phát sinh nợ xấu. Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn - Giám đốc QTDND Cam Lâm, nhờ làm tốt công tác thẩm định, kiểm soát hiệu quả sử dụng vốn vay nên chất lượng tín dụng được đảm bảo.

 

Hộ ông Biện Hiền, thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa vay vốn nuôi gà.

Hộ ông Biện Hiền, thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa vay vốn nuôi gà.


Ngoài QTDND Cam Lâm, trên địa bàn tỉnh còn 3 QTDND đang hoạt động là Vĩnh Phương, Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) và Ninh Hòa. Đến ngày 30-6, tổng nguồn vốn hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh gần 224 tỷ đồng, tăng 13,96% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ cho vay của các quỹ hơn 149,4 tỷ đồng, tăng 1,88% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào tín  dụng trung, dài hạn chiếm 73% tổng dư nợ; dư nợ ngắn hạn chỉ chiếm 23% tổng dư nợ. Hầu hết các khoản vay tại QTDND là các món nhỏ lẻ phục vụ các thành viên, do đó, nợ xấu phát sinh không đáng kể. Tổng nợ xấu của các quỹ 58 triệu đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ (tỷ lệ chung toàn tỉnh là 0,65%). Các quỹ hoạt động đều có lãi.


Trên địa bàn tỉnh, các QTDND đều đã phát huy được ưu thế trong công tác huy động vốn, cho vay trên địa bàn; uy tín hoạt động của quỹ tiếp tục được củng cố. Về cơ bản, các quỹ hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, hỗ trợ cho thành viên trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống người dân, góp phần giảm nghèo và hạn chế “tín dụng đen” ở địa bàn nông thôn.


Đến ngày 30-6, các QTDND trên địa bàn đã thu hút được 6.781 thành viên, tăng 1,76% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, một số quỹ có số lượng thành viên lớn (do thành lập lâu năm) nhưng số lượng thành viên có hoạt động không nhiều, khoảng gần 50%, số thành viên còn lại không đóng phí thường niên. Bên cạnh đó, vốn điều lệ các quỹ còn nhỏ nên năng lực tài chính còn hạn chế. Các QTDND chưa xây dựng được quy hoạch nguồn nhân lực kế cận, thiếu nguồn nhân lực để bổ sung khi cần thiết; một số cán bộ chưa có chứng chỉ nghiệp vụ QTDND; việc cập nhật và áp dụng văn bản quy định mới của các QTDND còn hạn chế; hệ thống kiếm soát nội bộ của quỹ tín dụng chưa hoạt động hiệu quả…


Tăng cường các giải pháp


Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, triển khai Chỉ thị số 06 ngày 12-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Công văn số 3700 ngày 22-4-2019 của UBND tỉnh về phối hợp, hỗ trợ hoạt động các QTDND trên địa bàn tỉnh, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các quỹ tín dụng trên địa bàn để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro; tăng cường số lượng, tần suất các cuộc thanh tra, kết hợp với kiểm tra đột xuất hoạt động của QTDND để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hạn chế các vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và kiên quyết xử lý các sai phạm, rủi ro đạo đức của QTDND. Đơn vị phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát đối với các QTDND… Qua đó, tiếp tục củng cố, chấn chỉnh, đảm bảo cho các QTDND phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả.


Các QTDND tiếp tục thực hiện cơ cấu lại. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, trình độ, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành quỹ; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của kiểm soát, kiểm toán nội bộ; hoàn thiện cơ chế, quy định nội bộ tạo điều kiện cho thành viên tham gia quản lý và giám sát hoạt động của quỹ; hoàn thiện quy định về cho vay, quản lý tiền vay, đảm bảo sử dụng tiền vay đúng mục đích; tăng cường thiết chế kiểm soát hoạt động tín dụng…


NAM DU