10:02, 01/02/2023

Khánh Vĩnh: Hoạt động khuyến công còn khó khăn

Những năm qua, nguồn vốn khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, các hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp địa phương vẫn còn những hạn chế… 

Những năm qua, nguồn vốn khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, các hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp địa phương vẫn còn những hạn chế…  


Năm 2016, Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Hưng được hỗ trợ 400 triệu đồng vốn khuyến công để mở rộng sản xuất, mua sắm dây chuyền thiết bị. Ông Cao Văn Liễu - Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, đến nay, công ty đã đáp ứng 50-60% việc chế biến nguyên liệu phục vụ vùng sản xuất keo huyện Khánh Vĩnh, chủ đạo ở phía bắc huyện.

 

Phát triển gạch không nung block còn nhiều khó khăn.

Phát triển gạch không nung block còn nhiều khó khăn.


Ông Phạm Thế Đoán - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hưng Phát Khánh Vĩnh chuyên sản xuất gạch block cho hay, nhờ 90 triệu đồng hỗ trợ vốn khuyến công năm 2019, đơn vị đã mua sắm thêm khuôn gạch để tăng cường năng lực sản xuất. Từ nguồn vốn khuyến công, doanh nghiệp đã nâng số khuôn đóng gạch từ 100 lên 500 khuôn, đảm bảo hoạt động về thời gian và công suất đóng gạch block.


Theo ông Trần Minh Thuận - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Khánh Vĩnh, giai đoạn 2016 - 2021, huyện đã triển khai thực hiện 6 đề án khuyến công của 5 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn với tổng kinh phí hỗ trợ 1,15 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 750 triệu đồng; khuyến công địa phương hỗ trợ 400 triệu đồng. Hoạt động khuyến công bước đầu giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định được hướng đầu tư đúng đắn, có hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ở nông thôn.


Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn lớn nhất để triển khai nguồn vốn khuyến công là hồ sơ, thủ tục pháp lý còn phức tạp nên các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà. Bên cạnh đó, cán bộ thực hiện công tác khuyến công của huyện chủ yếu kiêm nhiệm, địa bàn rộng nên việc nắm bắt nhu cầu của cơ sở và việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều nội dung khuyến công chưa được các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hưởng ứng (như: Tham gia hội chợ triển lãm, xây dựng thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...) do hầu hết cơ sở còn nhỏ lẻ, chưa thực sự có nhu cầu.


Thời gian tới, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện tham mưu UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; khuyến khích đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; phối hợp với các địa phương để rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện trong việc hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký đề án khuyến công. Đồng thời, đơn vị cũng tích cực bám sát cơ sở, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ, góp phần triển khai thực hiện đề án đảm bảo tiến độ về thời gian và chất lượng. “Sắp tới, Cụm Công nghiệp Sông Cầu sẽ đi vào hoạt động. Với việc phát triển cụm công nghiệp có tính chất đa ngành nghề, như: Thủ công mỹ nghệ; chế biến gỗ; sản xuất vật liệu xây dựng; may mặc; cơ khí, kim khí; chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất nước đá, chế biến nông lâm sản..., hy vọng các dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện”, ông Thuận nói.


V.L