10:11, 27/11/2022

Giải đáp một số vướng mắc về hóa đơn điện tử

Sau gần 5 tháng áp dụng hóa đơn điện tử, bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện, người nộp thuế cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Sau gần 5 tháng áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện, người nộp thuế (NNT) cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT, Cục Thuế tỉnh xung quanh vấn đề này.

 

1

Ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa.

- Xin ông cho biết, người bán hàng phát hiện HĐĐT đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì xử lý như thế nào?

 

- Trường hợp người bán hàng phát hiện HĐĐT đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020 về việc hủy HĐĐT có mã đã lập có sai sót và lập HĐĐT mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế hủy HĐĐT đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.


Bên cạnh đó, đối với trường hợp HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà phát hiện có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế và các nội dung khác thì người bán chỉ cần thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về HĐĐT có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123, trừ trường hợp HĐĐT không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.


Đối với những trường hợp có sai về mã số thuế, số tiền ghi trên hóa đơn, thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách xử lý là lập hóa đơn điều chỉnh hoặc lập hóa đơn thay thế (Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP).


- Cơ quan thuế xử lý như thế nào khi phát hiện HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc không có mã của cơ quan thuế mà người bán đã lập có sai sót?


- Trong trường hợp này, cơ quan thuế thông báo cho người bán theo Mẫu số 01/TB-RSĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123 để người bán kiểm tra sai sót. Theo thời hạn thông báo ghi trên Mẫu số 01, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123 về việc kiểm tra HĐĐT đã lập có sai sót.


Hết thời hạn thông báo ghi trên Mẫu số 01 Phụ lục IB mà người bán không thông báo với cơ quan thuế thì cơ quan thuế tiếp tục thông báo lần 2 cho người bán. Trường hợp quá thời hạn thông báo lần 2 mà người bán không có thông báo thì cơ quan thuế xem xét chuyển sang trường hợp kiểm tra về sử dụng HĐĐT (Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 123).


- Ông có thể cho biết, trường hợp nhận nhập khẩu hàng hóa ủy thác, khi trả hàng cho cơ sở kinh doanh ủy thác nhập khẩu thì sử dụng hóa đơn, chứng từ như thế nào?


- Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 13 Nghị định số 123, quy định về áp dụng HĐĐT, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý, như: Trường hợp nhận nhập khẩu hàng hóa ủy thác, nếu cơ sở kinh doanh nhận nhập khẩu ủy thác đã nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu nhập khẩu thì sử dụng HĐĐT khi trả hàng cho cơ sở kinh doanh ủy thác nhập khẩu; nếu chưa nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, cơ sở nhận ủy thác lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường.


- Hóa đơn, chứng từ được sử dụng như thế nào trong trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa, thưa ông?


- Theo điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định số 123, trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa, khi xuất hàng giao cho cơ sở nhận ủy thác, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ. Khi hàng hóa đã thực xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan, căn cứ vào các chứng từ đối chiếu, xác nhận về số lượng, giá trị hàng hóa thực tế xuất khẩu của cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu lập HĐĐT GTGT để kê khai nộp thuế, hoàn thuế GTGT hoặc HĐĐT bán hàng. Cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu sử dụng HĐĐT GTGT hoặc HĐĐT bán hàng để xuất cho khách hàng nước ngoài.


- Người bán hàng xử lý bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT đã gửi cơ quan thuế có sai sót thì xử lý như thế nào, thưa ông?


- Sau thời hạn chuyển bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế, trường hợp thiếu dữ liệu HĐĐT tại bảng tổng hợp dữ liệu đã gửi cơ quan thuế thì người bán gửi bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT bổ sung. Trường hợp bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT đã gửi cơ quan thuế có sai sót thì người bán gửi thông tin điều chỉnh cho các thông tin đã kê khai trên bảng tổng hợp.


Việc điều chỉnh hóa đơn trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT theo quy định tại điểm a.1 khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123 thì phải điền đủ các thông tin, như: Ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn vào cột 14 “thông tin hóa đơn liên quan” tại Mẫu 01/TH-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123 (trừ trường hợp HĐĐT không nhất thiết phải có đầy đủ các thông tin ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn theo quy định tại khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123, khoản 2 Điều 7 Thông tư số 78/2021 của Bộ Tài chính).


- Xin ông cho biết, trường hợp nào được lựa chọn sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền?


- Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hoặc HĐĐT có mã, HĐĐT không có mã (Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 78).


- Xin cảm ơn ông!


CẨM VÂN (Thực hiện)