09:10, 03/10/2022

Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng năm 2022: Hướng đến vùng khó khăn

Các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương triển khai kế hoạch chuyển đổi cây trồng. Năm nay, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng có một số thay đổi, đó là Nhà nước chỉ hỗ trợ cho người dân vùng khó khăn chứ không hỗ trợ đại trà như trước đây.

Các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương triển khai kế hoạch chuyển đổi cây trồng. Năm nay, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng có một số thay đổi, đó là Nhà nước chỉ hỗ trợ cho người dân vùng khó khăn chứ không hỗ trợ đại trà như trước đây.


Chính sách mới


Giai đoạn 2017 - 2020, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có hỗ trợ chuyển đổi cây trồng. Khoảng 4.000ha cây hàng năm, lâu năm, vườn rẫy tạp kém hiệu quả được nông dân chuyển sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế tốt hơn như: rau đậu, cây ăn quả… Trong số này có gần 2.000ha đất chuyển đổi tiếp cận được với chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Hình thức hỗ trợ chủ yếu là giống, phân bón, công lao động, hệ thống tưới…

 

Nông dân xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) chăm sóc sầu riêng.

Nông dân xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) chăm sóc sầu riêng.


Năm 2021, trong quá trình xây dựng chính sách tiếp theo, tỉnh cho phép hoạt động chuyển đổi cây trồng tạm thời áp dụng theo quy định của giai đoạn 2017 - 2020. Đến tháng 4-2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 về chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh. Thay vì hỗ trợ cho tất cả các địa phương như chính sách trước đây, tinh thần chung của Nghị quyết số 03 đó là Nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân chuyển đổi cây trồng ở những khu vực khó khăn; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch chuyển đổi cây trồng của tỉnh. Nhà nước hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình kỹ thuật; hỗ trợ một lần 30% chi phí vật tư xây dựng mới hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ chuyển đổi cây trồng.


Các địa phương đăng ký chuyển đổi


Theo thông tin của Chi cục Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, chi cục đã nhận được kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi cây trồng năm 2022 của các huyện: Khánh Sơn, Cam Ranh, Cam Lâm và Khánh Vĩnh. Cụ thể, nông dân huyện Khánh Sơn đăng ký chuyển đổi hơn 80ha vườn rẫy tạp, cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, trong đó tại xã Ba Cụm Bắc 16,5ha, xã Sơn Lâm 15ha, xã Thành Sơn 14ha… Huyện Khánh Sơn đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 2,7 tỷ đồng. Tại TP. Cam Ranh, nông dân xã Cam Phước Đông đăng ký chuyển đổi 3ha cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng rau đậu và 5ha đất trồng cây lâu năm sang trồng xoài. Chi phí chuyển đổi 823 triệu đồng, trong đó có 352 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, còn lại là đối ứng của người dân. Tại huyện Cam Lâm, đến nay, nông dân đăng ký chuyển đổi 12,1ha cây lâu năm kém hiệu quả ở 2 xã: Sơn Tân và Suối Cát sang trồng xoài, chuối, dừa, sầu riêng…, tổng chi phí chuyển đổi 383 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 142 triệu đồng.


Ở huyện Khánh Vĩnh, hoạt động chuyển đổi cây trồng những năm gần đây diễn ra khá sôi động. Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, sau khi triển khai về các xã, thị trấn, đến nay có 2 xã Khánh Nam và Khánh Phú đăng ký chuyển đổi tổng cộng 7,7ha đất lâu năm kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, bưởi da xanh, cam xoàn, mít. Tổng kinh phí thực hiện 681 triệu đồng, trong đó huyện đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ 289 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của nhân dân.


Đến nay, trên cơ sở tham mưu của các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh đã bổ sung có mục tiêu cho 3 địa phương: Khánh Sơn, Cam Ranh và Cam Lâm kinh phí hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn bổ sung phần diện tích đề nghị hỗ trợ của huyện Khánh Vĩnh để Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.


Được biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi hơn 8.000ha cây trồng. Trong đó, vùng khó khăn dự kiến chuyển đổi 4.576ha. Ngân sách nhà nước dự kiến chi khoảng 274 tỷ đồng để thực hiện chính sách này cho người dân vùng khó khăn.

 

Chính sách hỗ trợ được áp dụng cho các xã khu vực I, II, III, bao gồm: thị trấn Tô Hạp và 7/7 xã của huyện Khánh Sơn; 13/14 xã, thị trấn của huyện Khánh Vĩnh (trừ xã Sông Cầu); các xã: Sơn Tân, Suối Cát, Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm); xã Cam Thịnh Tây và Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh); xã Ninh Tây và Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa).

Người dân chuyển đổi cây trồng ở thôn Lỗ Gia (xã Suối Tiên), thôn Đá Mài (xã Diên Tân) của huyện Diên Khánh là thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã Vạn Thạnh của huyện Vạn Ninh thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo cũng được Nhà nước xem xét hỗ trợ.


Công Định