10:06, 07/06/2021

Rừng căm xe Ninh Tây được thí điểm giao khoán bảo vệ

UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án thí điểm giao khoán bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp đối với rừng căm xe Ninh Tây (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa). Hiện nay, đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa và chính quyền địa phương đang rà soát những hộ có năng lực để giao khoán.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án thí điểm giao khoán bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp đối với rừng căm xe Ninh Tây (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa). Hiện nay, đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa và chính quyền địa phương đang rà soát những hộ có năng lực để giao khoán.


Sản xuất nông lâm kết hợp bảo vệ rừng


Theo ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, đề án nhằm mục tiêu bảo vệ rừng căm xe tại xã Ninh Tây phát triển tốt hơn, từng bước nâng cao chất lượng rừng, khả năng phòng hộ. Đồng thời, khai thác tiềm năng dưới tán rừng, tạo thuận lợi cho các hộ nhận khoán phát triển chăn nuôi, trồng trọt; qua đó, gắn bảo vệ rừng với phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, ổn định, hiệu quả. Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng diện tích hơn 301ha. Trong đó, hơn 172ha giao khoán bảo vệ rừng; 129,5ha trồng rừng và sản xuất nông nghiệp (80% diện tích trồng rừng và 20% diện tích sản xuất nông nghiệp).

 

zzThời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây gặp nhiều khó khăn.


Đối tượng nhận khoán là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư với hạn mức khoán không quá 15ha/cá nhân,  không quá 30ha/hộ gia đình. Các đối tượng nhận khoán được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm và còn được sản xuất nông lâm kết hợp. Cụ thể, đối với diện tích đã có rừng căm xe, đối tượng nhận khoán được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, nhưng không được làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng rừng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng và khả năng phòng hộ của rừng. Đối với diện tích đất trống chưa có rừng và đất sản xuất nông nghiệp, đối tượng nhận khoán được sử dụng đất chưa có rừng để kết hợp sản xuất nông nghiệp nhưng không quá 20% diện tích, phải trồng rừng trên diện tích đất được giao khoán bảo đảm tỷ lệ diện tích có rừng từ 80% trở lên; không được chăn thả gia súc, gia cầm, vật nuôi trên diện tích mới trồng rừng, đang trong thời kỳ chăm sóc… Các đối tượng nhận khoán sẽ được hưởng toàn bộ sản phẩm thu được từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp kết hợp.

 

Một diện tích người dân canh tác xen lẫn trong rừng căm xe Ninh Tây.

Một diện tích người dân canh tác xen lẫn trong rừng căm xe Ninh Tây.


Lựa chọn hộ có năng lực để giao khoán


UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa triển khai đề án thí điểm đúng nội dung, tiến độ được phê duyệt và đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án. Tại cuộc họp về công tác quản lý bảo vệ rừng mới đây, đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND thị xã Ninh Hòa, Chi cục Kiểm lâm phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa triển khai thực hiện hiệu quả đề án. Đề án khi thành công sẽ nhân rộng để giao khoán bảo vệ đối với những diện tích rừng tự nhiên khác trong tỉnh.


Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, hiện nay, đơn vị chủ rừng đang phối hợp với UBND xã Ninh Tây thông báo đến các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn xã đăng ký nhận khoán. Các đơn vị sẽ xem xét, lựa chọn các đối tượng đủ năng lực, đáp ứng các yêu cầu để giao khoán bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp theo đề án được duyệt.   


Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện đề án là trong vùng rừng căm xe Ninh Tây có nhiều hộ đang canh tác nương rẫy xen lẫn, trong đó có nhiều diện tích bị xâm lấn theo kiểu “gặm nhấm”, “vệt dầu loang”. Theo báo cáo, khu vực rừng căm xe có hơn 70 hộ đang canh tác sản xuất nông nghiệp với 129 lô, diện tích hơn 125,8ha; trong đó, lô nhỏ nhất 0,026ha, lô lớn nhất 5,53ha, mía và bắp chiếm  59%, còn lại là các loại cây khác. Để thực hiện đề án đòi hỏi phải thu hồi diện tích đất các hộ đang canh tác trong rừng căm xe. Đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương đang phối hợp tháo gỡ vấn đề này để sớm triển khai đề án.


HẢI LĂNG