11:03, 28/03/2021

Tìm giải pháp giải phóng công suất điện

Mới đây, tại TP. Nha Trang, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và Công ty Truyền tải điện 3 tổ chức hội thảo "Phối hợp công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải đấu nối vào lưới điện do Công ty Truyền tải điện 3 quản lý".

Mới đây, tại TP. Nha Trang, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và Công ty Truyền tải điện 3 tổ chức hội thảo “Phối hợp công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải đấu nối vào lưới điện do Công ty Truyền tải điện 3 quản lý”. Qua đó, tìm giải pháp giải phóng hiệu quả công suất của các nhà máy phát điện tại Khánh Hòa và các tỉnh nam miền Trung - Tây Nguyên, cũng như vận hành an toàn lưới điện truyền tải.
 
Lưới điện quá tải
 
Hội thảo “Phối hợp công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải đấu nối vào lưới điện do Công ty Truyền tải điện 3 quản lý” do ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và ông Đinh Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 chủ trì. Tham dự hội thảo có đại diện các Sở Công Thương: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và lãnh đạo của 23 chủ đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông. 
Theo Công ty Truyền tải điện 3, với sự phát triển nhanh của nguồn năng lượng tái tạo, hết năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đấu nối vào lưới công ty và lưới điện phân phối của 9 công ty điện lực khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên đã lên gần 8.500MW, chiếm 42% tổng công suất đặt nguồn điện khu vực. Ông Nguyễn Mạnh Tường - Trưởng phòng Điều độ Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, tốc độ phát triển rất nhanh của các nguồn điện mặt trời làm cho một số đường dây 220kV, máy biến áp 220kV khu vực các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai luôn trong tình trạng đầy tải, quá tải. Tại Khánh Hòa, ngoài các nhà máy điện phát vào lưới điện phân phối, các nhà máy điện mặt trời: KN Vạn Ninh, Long Sơn, Sông Giang và Nhà máy Thủy điện Sông Giang 2 đang trực tiếp phát điện vào hệ thống truyền tải của công ty cũng luôn trong tình trạng báo động quá tải. Các Trung tâm Điều độ quốc gia (A0), Điều độ miền Nam (A2) đang phải áp dụng biện pháp thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện để cưỡng bức công suất, tận dụng tối đa khả năng tải các đường dây 220kV còn non tải. Tuy nhiên, trong mùa khô vẫn còn xảy ra tình trạng đầy tải, quá tải ở 11 đường dây 220kV, 3 máy biến áp 220kV.

 

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.
 
Thực trạng quá tải đường dây đang gây ra nhiều nguy cơ cho các nhà máy phát điện lẫn cơ quan vận hành đường dây. Đa phần các nhà máy phát điện đều không giải phóng hết công suất, dẫn tới lãng phí nguồn năng lượng, chậm thu hồi vốn. Đối với đơn vị truyền tải luôn đối mặt với vấn đề an toàn lưới điện và tăng chi phí vận hành. Để ưu tiên giải tỏa công suất từ các nguồn điện mặt trời, lịch cắt điện phải bố trí vào ban đêm, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và mất an toàn vì phải công tác trên địa hình dọc hành lang rất phức tạp.
 
Cần nhiều giải pháp
 
Để đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà máy phát điện và an toàn cho đơn vị truyền tải, hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, bên cạnh một số điều chỉnh giờ phát điện của các loại hình phát điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo…), đại diện các nhà máy phát điện đề nghị tăng cường hệ thống truyền tải, bởi hiện nay công suất phát vượt xa năng lực truyền tải. Các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có giải pháp hữu hiệu để giải phóng hiệu quả lượng điện năng mà các nhà máy đã sản xuất được. Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Nhị Hà (Ninh Thuận) đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia có kiến nghị với các bộ, ngành liên quan điều chỉnh lại khung giờ cao điểm của các loại hình phát điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) cho phù hợp với điều kiện hiện tại, tránh thời điểm các nhà máy điện năng lượng tái tạo phát công suất cao nhằm đảm bảo quyền lợi công bằng, tránh lãng phí công suất của các loại hình phát điện.

 

Sửa chữa lưới điện truyền tải.
Sửa chữa lưới điện truyền tải.
 
Đại diện Công ty Truyền tải điện 3 kiến nghị các nhà máy điện năng lượng tái tạo cần chia sẻ những khó khăn của các trung tâm điều độ trong công tác quản lý vận hành, điều hành lưới truyền tải để cùng đạt được mục tiêu giải tỏa công suất điện, vừa đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải. Trong đó, các nhà máy phát điện cần chủ động cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo để các trung tâm điều độ bố trí lịch cắt điện thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên vào ban ngày nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục, không xảy ra sự cố. Đồng thời, các nhà máy phát điện phối hợp với công ty trong việc thông tin, truyền thông đến cộng đồng về những khó khăn trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải, về thực hiện kế hoạch sản lượng và chỉ tiêu tổn thất điện năng.
 
Kết luận hội thảo, ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia xác định, nguyên nhân của việc quá tải lưới điện truyền tải hiện nay là do việc bổ sung quy hoạch nguồn điện phát nhưng không kịp thời bổ sung quy hoạch lưới truyền tải. Bên cạnh đó, nguồn điện cấp đang thừa so với nhu cầu sử dụng, cộng thêm dịch Covid-19 khiến sản xuất, kinh doanh ngừng trệ dẫn tới phụ tải tăng trưởng chậm. Ông Tiến dự báo, trong năm 2021, nguồn năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện sẽ tiếp tục có thêm công suất. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu truyền tải, đề nghị Công ty Truyền tải điện 3 tiếp thu những kiến nghị của các nhà máy điện để nâng cao hơn nữa công tác phối hợp nhằm đảm bảo giải phóng tối đa nguồn điện mặt trời. Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và Công ty Truyền tải điện 3 sẽ tiếp tục nâng công suất, đóng điện nhiều đường dây và trạm biến áp nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời trong khu vực. Hy vọng, thời gian tới, các dự án truyền tải 500kV và 220kV trong khu vực hoàn thành sẽ giải quyết vấn đề hiện nay. 
 
ĐÌNH LÂM