10:02, 17/02/2021

Trợ lực cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Tuy Nhà nước đã có nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ song hiện nay, hoạt động của các DN này còn nhiều khó khăn, chưa có sự bứt phá. 
 

Tuy Nhà nước đã có nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH-CN) song hiện nay, hoạt động của các DN này còn nhiều khó khăn, chưa có sự bứt phá. 
 
 
Nhiều Khó khăn
 
 
Theo báo cáo của Sở KH-CN, đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 8 DN được công nhận là DN KH-CN, hoạt động trong các lĩnh vực như: Công nghệ nhà yến, viễn thông, sản xuất Fucoidan, sản xuất cân tự động… Ngoài các DN tiêu biểu làm ăn có lãi như: Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Fucoidan Việt Nam, Công ty TNHH Tự động hóa MENT, phần lớn các DN KH-CN trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận thấp, chưa có sự bứt phá về KH-CN… 

 

Hệ thống cân tự động của Công ty TNHH MenTech.
Hệ thống cân tự động của Công ty TNHH MenTech.
 
 
Ông Võ Ngọc Trần Thái Dương - Giám đốc Công ty TNHH MenTech (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) cho biết, đơn vị thành lập từ năm 2019, chuyên sản xuất thiết bị tự động hóa phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, đơn vị đã có nhiều sáng tạo trong việc nghiên cứu sản xuất hệ thống tự động hóa như: Hệ thống điều khiển ao nuôi cá tra; hệ thống Scada giám sát vùng nuôi; hệ thống cân phân loại trên băng tải… Tuy có nhiều nỗ lực trong việc định hình phát triển các sản phẩm KH-CN đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng đơn vị đang đứng trước nhiều khó khăn như: Thiếu nguồn nhân lực sản xuất tay nghề cao; các ngành phụ trợ sản xuất máy trong tỉnh không có. Ví dụ như máy cắt tia laser chính xác phải đem gia công tại TP. Hồ Chí Minh, tốn chi phí và thời gian; chưa có máy gia công tiện chính xác… DN mong muốn tỉnh quan tâm phát triển ngành phụ trợ gia công cơ khí, đơn vị sẽ nỗ lực khắc phục những vấn đề còn lại như: Đầu tư máy laser công suất lớn, đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao… 
 
 
Tương tự, Công ty Cổ phần Vật liệu mới Asea 96 cũng gặp một số khó khăn nội tại và khâu tiêu thụ vật liệu không nung. Theo ông Hồ Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu mới Asea 96, gạch không nung được đánh giá là có nhiều tiềm năng tại Khánh Hòa khi nguyên liệu sản xuất gần như sẵn có. Dự án Hoàn thiện quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung từ nguyên liệu sẵn có tại tỉnh Khánh Hòa nhanh chóng được hỗ trợ kinh phí nhằm mục tiêu tạo ra tổng công suất 80 - 100 triệu viên QTC (quy tiêu chuẩn)/năm. Song hiện nay, việc tiêu thụ gạch không nung đứng trước nhiều khó khăn như: Gạch nung vẫn chiếm ưu thế và người tiêu dùng vẫn ưa chuộng dùng gạch nung; Nhà nước chưa có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi gạch nung sang gạch không nung và khuyến khích tiêu dùng; nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung thủ công, máy móc, thiết bị làm gạch không nung không đạt chuẩn… Ông Châu đề nghị Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gạch không nung, khuyến cáo, chấn chỉnh về nâng cao chất lượng gạch; chú trọng khâu công bố hợp quy; kiểm tra, bảo dưỡng gạch; hướng dẫn kỹ thuật... 
 
 
Sẽ xem xét, tháo gỡ
 
 
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, phần lớn doanh nghiệp KH-CN trên địa bàn còn nhiều khó khăn, kết quả nghiên cứu KH-CN ở địa phương còn ít để có thể chuyển giao, đưa vào sản xuất; chính sách hỗ trợ DN nghiên cứu, phát triển còn hạn chế. Năm 2019, chỉ có 3 DN báo cáo có lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm hình thành nhờ kết quả KH-CN… Bên cạnh đó, các DN KH-CN chưa quan tâm thành lập Quỹ phát triển KH-CN; rất ít DN có cơ quan chuyên trách nghiên cứu ứng dụng KH-CN; các DN KH-CN sau khi đăng ký thành lập chưa hình thành chiến lược nghiên cứu phát triển lâu dài cũng như liên kết, hợp tác để mở rộng thị trường nên các sản phẩm KH-CN chưa được hình thành liên tục; DN gặp khó khăn trong kinh doanh khi nhu cầu thị trường thay đổi...
 
 
Thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tham mưu cho tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN KH-CN như: Truyền thông mạnh mẽ hơn về DN KH-CN; thực hiện tốt cơ chế liên kết trong nghiên cứu KH-CN, cơ chế đặt hàng của DN; tiếp tục hỗ trợ DN KH-CN nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo để tăng doanh thu từ sản phẩm do DN tự nghiên cứu và phát triển chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu doanh thu của DN. Đồng thời, Sở tham mưu, đề xuất Bộ KH-CN ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với DN KH-CN như: Miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm tiền thuế thu nhập DN…
 
 
 

 

Nghị định 13 (ngày 1-2-2019) về DN KH-CN thay thế Nghị định 80 (ngày 19-5-2007) được xem đã tháo gỡ nút thắt cho các DN KH-CN. Cụ thể, điều kiện công nhận DN KH-CN thuận lợi hơn (tự đầu tư, không dùng ngân sách Nhà nước); được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH-CN cho vay, bảo trợ cho vay tại các ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi; được miễn, giảm thuế theo lộ trình, miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước…; ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và nhiều ưu đãi khác. 

 


 
 
V.L