10:01, 25/01/2021

Phấn đấu nâng cao chỉ số PCI

Tại hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 và đề xuất giải pháp cải thiện chỉ số PCI của Khánh Hòa diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng không nên chỉ tập trung vào điểm số các chỉ số thành phần, mà phải tìm cách nâng cao chỉ số PCI một cách bền vững.

Tại hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 và đề xuất giải pháp cải thiện chỉ số PCI của Khánh Hòa diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng không nên chỉ tập trung vào điểm số các chỉ số thành phần, mà phải tìm cách nâng cao chỉ số PCI một cách bền vững.


Điểm tăng, thứ hạng giảm


Năm 2019, chỉ số PCI Khánh Hòa đạt 65,37 điểm, tăng 0,95 điểm so với năm 2018 và xếp hạng 29/63 tỉnh, thành, giảm 12 bậc. So với năm 2018, có 5 chỉ số tăng bậc gồm: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, đào tạo lao động; 5 chỉ số giảm bậc gồm: Gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và tiên phong của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Trong 10 chỉ số thành phần, có 2 chỉ số giảm điểm là gia nhập thị trường và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; có những chỉ số giảm xếp hạng sâu như: Gia nhập thị trường giảm 27 bậc (đứng thứ 61/63 tỉnh, thành), tính tiên phong lãnh đạo tỉnh giảm 23 bậc…

 

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.


Ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc chương trình PCI, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, hội nghị được tổ chức thể hiện sự quan tâm của UBND tỉnh đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới. Có nhiều yếu tố hình thành môi trường kinh doanh như: Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, quy mô thị trường, chính sách pháp luật. Trong đó, chính sách pháp luật là yếu tố quan trọng bởi chính sách tốt sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có chất lượng.


Tuy Khánh Hòa có nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng vốn đầu tư FDI của Khánh Hòa còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Từ trước đến nay, Khánh Hòa chưa từng lọt vào top 15 các tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao. Từ năm 2015 đến nay, chỉ số PCI của Khánh Hòa liên tục tăng điểm nhưng về thứ hạng thì đi xuống và luôn nằm ở nhóm giữa. Theo ông Trần Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh có chương trình hành động cải thiện chỉ số PCI giai đoạn 2018 - 2020 nhưng chưa thật sự hiệu quả. Vì thế, tỉnh cần xây dựng chương trình cải thiện chỉ số PCI giai đoạn 2021 - 2025 và có đánh giá từng năm để rút kinh nghiệm.


Tập trung cải thiện môi trường đầu tư


Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ băn khoăn, nếu chỉ tập trung quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần giảm thứ hạng và giảm điểm liệu có bền vững, bởi bản chất chỉ số PCI chỉ là kết quả thể hiện cảm nhận, đánh giá của các doanh nghiệp. Giải pháp căn cơ là nỗ lực duy trì và không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu làm tốt việc cải thiện môi trường kinh doanh, đương nhiên doanh nghiệp sẽ đánh giá tích cực, giúp chỉ số PCI tăng bền vững.


Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho rằng, trong các giải pháp, cần quay lại vấn đề tổ chức bộ máy và con người, xem lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của bộ phận một cửa và các cơ quan chuyên môn. Hiện nay, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, lãnh đạo cấp trên cầu thị nhưng cán bộ một cửa còn chưa tốt; cần phải xem xét trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong đánh giá xếp loại cuối năm chứ không thể năm nào cũng “hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, trong khi các chỉ số của tỉnh giảm không phanh.


NHẬT THANH

 


 

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Tỉnh sẽ thành lập tổ công tác và xây dựng chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu đến năm 2025 Khánh Hòa phải nằm trong tốp 15 tỉnh dẫn đầu cả nước. Muốn vậy, các địa phương phải thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính, có đánh giá hàng năm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và từng cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí tài chính và thời gian cho các nhà đầu tư; thường xuyên tổ chức đối thoại doanh nghiệp; nâng cao chất lượng xử lý kiến nghị theo đúng thẩm quyền.