10:09, 09/09/2020

Mía tím rớt giá, khó tiêu thụ

Nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang bước vào đợt cao điểm thu hoạch mía tím. Tuy nhiên, đầu ra rất khó khăn khiến cho giá mía xuống thấp. Nhiều nông dân lo lắng khi mùa mưa đến, nguy cơ thua lỗ sẽ rất cao.

 

Nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang bước vào đợt cao điểm thu hoạch mía tím. Tuy nhiên, đầu ra rất khó khăn khiến cho giá mía xuống thấp. Nhiều nông dân lo lắng khi mùa mưa đến, nguy cơ thua lỗ sẽ rất cao.


Những ngày này, ông Mấu Tha (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) đứng ngồi không yên khi ruộng mía tím 2 sào của gia đình đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa tìm được người mua. “Chưa năm nào việc tiêu thụ mía tím lại khó khăn như năm nay. Thời điểm này những năm trước, thương lái đổ xô đến Sơn Hiệp thu mua mía tím để đưa vào TP. Hồ Chí Minh, đi Bình Định tiêu thụ thì hiện nay rất ít người đến mua mía. Thương lái tìm đến chỉ mua những ruộng mía đẹp, những ruộng mía xấu do ảnh hưởng nắng hạn thì họ mua với giá thấp, thậm chí không mua. Năm trước, ruộng mía của gia đình tôi bán được 30 triệu đồng/sào, hiện nay, họ chỉ trả 8 triệu đồng/sào, trong khi chi phí đầu tư đã mất 5 - 7 triệu đồng”.

 

Hiện nay, mía tím Khánh Sơn tiêu thụ rất khó khăn.

Hiện nay, mía tím Khánh Sơn tiêu thụ rất khó khăn.


Ông Bo Bo Xuân Hiện - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây mía tím Sơn Hiệp cho biết: “Tổ có 21 hộ tham gia, trồng 5ha mía tím đạt chuẩn VietGAP. Sản phẩm mía tím của chúng tôi đảm bảo an toàn theo quy định, được đính mã QR Code để người sử dụng có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, thời điểm thu hoạch… của sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay,  chúng tôi lo lắng nhất là đầu ra. Không chỉ tiêu thụ rất chậm, giá mía tím giảm đến 50% so với trung bình những năm trước. Hiện nay, diện tích thu hoạch chỉ mới được 15 - 20%”.

 
Lãnh đạo UBND xã Sơn Hiệp cho biết, nếu như trước đây, thời điểm này, nông dân địa phương đã thu hoạch đến 80 - 90% trong số 30ha mía tím của toàn xã thì năm nay thu hoạch chưa đến 20%. Điều địa phương lo lắng là Khánh Sơn đang vào mùa mưa, chỉ sau vài trận mưa, mía sẽ đâm chồi, trổ cờ, ngã rạp thì nguy cơ mất trắng sẽ rất lớn. Lý giải về nguyên nhân mía rớt giá, lãnh đạo địa phương cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản khó khăn do nhu cầu giảm. Để tìm đầu ra cho cây mía tím, UBND xã đã kết nối để đưa cây mía tím vào tiêu thụ trong các siêu thị trên địa bàn TP. Nha Trang nhưng bị siêu thị từ chối do nhu cầu tiêu thụ bị thu hẹp bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.


Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Toàn huyện có 243ha mía tím, sản lượng đạt 11.417 tấn; được trồng chủ yếu tại các xã: Ba Cụm Bắc (77,1ha), thị trấn Tô Hạp (53,2ha), Sơn Hiệp (30ha), Sơn Trung (38ha), Ba Cụm Nam (23,2ha). Mía tím Khánh Sơn chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh; các địa phương miền Trung và phía nam chủ yếu là bán cây. Mía tím Khánh Sơn tuy đã có thương hiệu, đạt chất lượng cao nhờ trồng theo chuẩn VietGAP nhưng đầu ra vẫn khá bấp bênh. Năm nay, người trồng mía tím trên địa bàn phải đối diện với khó khăn “kép” khi vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, lại khó khăn trong việc tiêu thụ, mía rớt giá mạnh. Địa phương đang rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho cây mía tím nên rất mong các cấp, ngành có biện pháp hỗ trợ; nếu tình trạng tiêu thụ chậm tiếp tục kéo dài thì nhiều nông dân sẽ thua lỗ nặng”.


Hải Lăng