11:08, 16/08/2020

Xã Cam An Nam: Phát triển cây mãng cầu

Với nhiều ưu điểm vượt trội về thổ nhưỡng, Hội Nông dân xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang vận động nông dân trên địa bàn phát triển cây mãng cầu để nâng cao thu nhập.

 

Với nhiều ưu điểm vượt trội về thổ nhưỡng, Hội Nông dân (HND) xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang vận động nông dân trên địa bàn phát triển cây mãng cầu để nâng cao thu nhập.


Những người đi đầu


Theo chân bà Triệu Thị Kim Chi - Chủ tịch HND xã, chúng tôi đến thôn Vĩnh Nam - khu vực có nhiều diện tích mãng cầu cho thu hoạch. Trước kia, đây là vùng chuyên canh cây mía.

 

Đưa giống mãng cầu Thái vào trồng năm 2016, đến nay, ông Nguyễn Hoàng Hải (thôn Vĩnh Nam) đã thu hoạch liên tục 2 năm, 4 vụ. Bình quân 1 năm 2 vụ, được thương lái mua tận vườn với giá từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg loại 1, 30.000 - 50.000 đồng/kg loại 2, ông thu nhập 70 - 80 triệu đồng trên diện tích 5.000m2. Ông Hải cho biết, đây là giống mãng cầu cho năng suất cao, chi phí đầu tư không nhiều (10 triệu đồng/1.000m2), phù hợp với khả năng tài chính của nông dân. Bất lợi duy nhất trong khu vực là thiếu nước, ông Hải phải khoan giếng để cung cấp nước tưới cho cây. Tuy nhiên, trong tương lai gần, khi tuyến mương thủy lợi từ hồ Tà Rục thi công chạy qua sẽ giải quyết triệt để vấn đề này.


Cách đó không xa là vườn mãng cầu 7.000m2 của ông Phạm Sanh. Ông đang trồng 2 loại mãng cầu Thái và mãng cầu dai (mãng cầu ta), mỗi loại chiếm 50% diện tích và đang cho thu hoạch ổn định. Sở dĩ ông Sanh trồng cả 2 loại mãng cầu là do rút được kinh nghiệm từ thị trường nên ông muốn có sự an toàn. Nếu mãng cầu Thái rớt giá thì đã có mãng cầu dai và ngược lại. Vào vụ thu hoạch, mãng cầu dai bỏ sỉ tại chợ trong khu vực có giá 50.000 - 70.000 đồng/kg loại 1, 30.000 - 40.000 đồng/kg loại 2. Hiện nay, vườn mãng cầu của ông đã được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, lấy nước từ giếng khoan. Mỗi năm, khoản thu nhập từ vườn mãng cầu hàng chục triệu đồng giúp ông ổn định cuộc sống.

 

Cây mãng cầu trên đất Cam An Nam.

Cây mãng cầu trên đất Cam An Nam.

 

Hỗ trợ để phát triển


Theo lãnh đạo HND xã, từ hiệu quả sản xuất của ông Hải, ông Sanh và một số hộ nông dân, HND xã đã quyết định chọn cây mãng cầu để vận động nông dân chuyển đổi cây trồng.


Năm 2018, HND xã phối hợp tổ chức 1 lớp dạy nghề trồng cây ăn quả với 31 học viên, trong đó nội dung tập trung vào cây mãng cầu. Năm 2019, hội tiếp tục tổ chức 1 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây mãng cầu cho 57 hội viên, đồng thời tổ chức tham quan các vườn mãng cầu có hiệu quả trên địa bàn. Ngoài ra, hội còn lập kênh hỗ trợ kiến thức, xử lý dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ nông dân khi có khó khăn, vướng mắc. Nhờ thế, đến nay, diện tích mãng cầu toàn xã đã lên tới hơn 10ha, trong đó có 3ha của 8 hộ tham gia chuyển đổi cây trồng với kinh phí hỗ trợ hơn 17 triệu đồng.


Theo bà Triệu Thị Kim Chi, thực tế cho thấy, cây mãng cầu thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của xã; trái mãng cầu chín có độ ngọt, ngon, không bở, có mùi thơm đặc trưng nên được nhiều người ưa thích, thị trường dễ tiêu thụ. Thời gian tới, HND xã sẽ tiếp tục vận động và hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích cây mãng cầu để nâng cao thu nhập.


V.L