12:08, 28/08/2020

Tập trung phát triển kinh tế biển

Sáng 27-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.

Sáng 27-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.


Điểm nghẽn Covid-19


Theo báo cáo của 19 tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, từ năm 2016 đến 2019, tình hình phát triển KT-XH ở các địa phương đa phần đều tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, các chỉ tiêu tăng trưởng đều tụt giảm, gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025.

 

Nhiều kiến nghị về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong.

Nhiều kiến nghị về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong.


Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị thời gian tới, các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần có tư duy mới trong phát triển KT-XH; phải xây dựng kế hoạch phát triển với những định hướng, mục tiêu, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, các tỉnh cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển nhằm tăng nguồn thu ngân sách bền vững từ nguồn nội địa, giảm nguồn thu từ đất và xổ số, tập trung phát triển kinh tế biển. “Các địa phương đừng phát triển dựa vào đất, phải để đất cho các dự án lớn. Chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn, mỗi tỉnh phải tự hoạch định tương lai cho địa phương mình. Thay vì tăng trưởng 7%/năm, tại sao không mạnh dạn đặt chỉ tiêu lên 10%?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi.


Đối với Khánh Hòa, do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tình hình phát triển KT-XH của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Qua rà soát, một số chỉ tiêu kinh tế năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020 không đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 1,45 tỷ USD (mục tiêu 2 tỷ USD); tổng thu ngân sách năm 2020 bằng 93,5% của năm 2015 (mục tiêu gấp 1,5 đến 1,7 lần). Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,1% (mục tiêu 7,5 đến 8%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 206.000 tỷ đồng (mục tiêu hơn 215.000 tỷ đồng). Trong lĩnh vực đầu tư công, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020 theo chỉ tiêu mà Chính phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Riêng năm 2020, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án bị vướng mắc, tạo điều kiện để các chủ đầu tư có thời gian xử lý khó khăn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đầu tư công. Ông Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chủ trì, nắm tình hình, chỉ đạo để đạt được kết quả cao nhất trong việc giải ngân.


Quyết tâm vượt qua khó khăn


Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tỉnh đạt 7,5% trở lên, riêng năm 2021 tăng 7,4%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,53 tỷ USD, đến năm 2025 đạt 2 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 trên địa bàn ước đạt 12.710 tỷ đồng; đến năm 2025 nguồn thu ngân sách phấn đấu gấp 2,2 lần so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm tới của tỉnh ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, tốc độ tăng hàng năm trên 12%. Trong đó, lĩnh vực đầu tư công ước đạt 27.060,7 tỷ đồng.

 

zzKinh tế biển được xác định là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

Kinh tế biển được xác định là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

 

Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác chống dịch song song với phát triển KT-XH. Tỉnh cũng sẽ áp dụng đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chính quyền phát huy mạnh mẽ khả năng tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực và địa phương với các dự án lớn cụ thể; đẩy nhanh triển khai tái khởi động phát triển KT-XH theo lộ trình phù hợp với diễn biến trong nước và quốc tế. Cả bộ máy chính quyền sẽ vào cuộc để thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động.


Tại hội nghị, ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị: “Thời gian tới, tỉnh mong Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép địa phương nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực bắc Vân Phong nói riêng và Khu Kinh tế Vân Phong nói chung để tạo động lực thu hút đầu tư; xem xét đưa Khu Kinh tế Vân Phong vào nhóm khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư, bố trí lại một phần nguồn thu trên địa bàn (từ nguồn nhập khẩu xăng dầu) để bổ sung nguồn vốn đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng một số dự án lớn trong khu kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ xem xét, chỉ đạo bổ sung thêm tuyến đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - nam Phú Yên để tạo điều kiện phát triển kinh tế liên vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa... Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thêm thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19”.


Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương yêu cầu các địa phương sớm hoàn thiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở bám sát báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ các tỉnh và thực tiễn để xây dựng. Về quy hoạch phát triển kinh tế, lãnh đạo bộ yêu cầu 19 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên sớm trình hồ sơ để Chính phủ có phương án phê duyệt quy hoạch gắn với liên kết vùng. Đối với đầu tư công, vì tiến độ và kế hoạch của năm 2021 và cả 5 năm tới rất gấp nên các địa phương cần nhanh chóng xây dựng phương án để thực hiện. Riêng những kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng trước khi có hướng dẫn, giải đáp cụ thể.


Đình Lâm